Bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Theo số liệu từ Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. Với số lượng các vụ tai nạn giao thông như vậy, song song với xử lý về hình sự thì vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng cần được thống nhất. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định pháp luật về bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông còn những vướng mắc. Bài viết sau đây sẽ phân tích một số vướng mắc đó và đề xuất giải pháp để giải quyết.

1. Khái quát về bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông,   thường sẽ có một bên chủ thể gây thiệt hại cho bên còn lại, hoặc cả hai bên gây thiệt hại cho nhau. Về nguyên tắc, người gây thiệt hại trong vụ án giao thông phải bù đắp các tổn thất về tài sản, sức khoẻ, tính mạng và bù đắp một phần tinh thần cho người bị thiệt hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại đặt ra trong cả vụ án hình sự (thường là các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), hoặc các vụ án dân sự mà các bên không thống nhất được trách nhiệm bồi thường phát sinh từ vụ tai nạn giao thông.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, bao gồm: (i) Phát sinh giữa những người chưa từng có quan hệ hợp đồng, hoặc không liên quan đến quan hệ hợp đồng; (ii) Là trách nhiệm tài sản; (iii) Không phụ thuộc vào yếu tố lỗi; (iv) Người chịu trách nhiệm bồi thường có thể không phải là người gây thiệt hại; (v) Nhằm khắc phục tổn thất cho người bị thiệt hại. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông còn mang một đặc điểm riêng biệt, cụ thể là thiệt hại trong các vụ án giao thông thường liên quan tới nguồn nguy hiểm cao độ. Pháp luật hiện hành sử dụng phương pháp liệt kê để chỉ ra các tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ, trong đó phổ biến nhất là phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự[1]. Các vụ tai nạn giao thông thực tế chủ yếu liên quan tới phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Do đó, thiệt hại trong các vụ án giao thông thường liên quan tới nguồn nguy hiểm cao độ. Chính vì đặc điểm này, nên khi đánh giá trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông, cần phải nhận thức rất đầy đủ về quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, có sự phân biệt với bồi thường thiệt hại do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm gây ra thiệt hại.

Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông cũng tuân thủ các điều kiện chung để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm: (i) Có thiệt hại thực tế xảy ra; (ii) Có hành vi trái pháp luật giao thông hoặc hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản khi tham gia giao thông; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi trái pháp luật giao thông hoặc hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản khi tham gia giao thông.

Về xác định thiệt hại, việc xác định thiệt hại cũng tuân thủ các quy định chung về xác định thiệt hại theo quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm các thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, sức khoẻ bị xâm phạm, tính mạng bị xâm phạm.

2. Một số vướng mắc trong thực tiễn 

Bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông bản chất là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó sẽ có một số vướng mắc pháp lý chung đặt ra với việc thực hiện các quy định về vấn đề này.

Thứ nhất, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức bồi thường tổn thất tinh thần. Trong khi thiệt hại vật chất là yếu tố khách quan có thể dễ dàng nhận biết và đo lường thì thiệt hại về tinh thần lại thiên về mặt chủ quan, trừu tượng, rất khó xác định và quy đổi thành giá trị kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Việc chỉ đưa ra mức trần sẽ dẫn đến sự lúng túng, không thống nhất khi xét xử của Tòa án trong việc xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường tương xứng[2]. Mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là vấn đề khó xác định, chúng ta không thể đưa ra các tiêu chí chung, đối tượng bị thiệt hại hoặc loại bị thiệt hại cho mọi trường hợp, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định. Do đó, khi xác định mức độ tổn thất tinh thần, trên thực tế mỗi Thẩm phán, mỗi Tòa án đánh giá một khác nên dẫn đến tùy nghi khi áp dụng mức bồi thường tổn thất tinh thần; có Tòa án quyết định mức bồi thường về tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm thấp hơn cả tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm[3]. Bên cạnh đó, có sự bất cân xứng giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 cũng như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở, còn Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Trong một vụ tai nạn giao thông có cả cá nhân, tổ chức dân sự và cả nhà nước cùng có trách nhiệm liên đới thì việc xác định mức thiệt hại và phân bổ trách nhiệm bồi thường sẽ khó khăn. Mặt khác, đối với các vụ án mà có một bên là cơ quan Nhà nước thì phía cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thường yêu cầu áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để được hưởng mức bồi thường lớn tuy nhiên lại gây lúng túng cho Tòa án trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng.

Thứ hai, xác định lỗi của bị hại, người bị thiệt hại trong vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra". Như vậy, đối với các vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại, người bị thiệt hại để xác định mức bị cáo, người gây thiệt hại phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi. Nhưng trên thực tế việc xác định mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi của Tòa án chưa thật chính xác, còn tùy nghi trong việc vận dụng.

Ví dụ số 1: Vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[4]

Vào khoảng 06 giờ 55 phút ngày 03/9/2015 chị Nguyễn Ngọc H có điều khiển xe gắn máy biển số 66FL-1486 do ông Nguyễn Ngọc B đứng tên quyền sở hữu chạy theo hướng từ xã K, huyện V đến phà CL và khi đến gần Trạm y tế xã T, huyện V đã va chạm với xe đạp do nguyên đơn Hồ Thị Kim H điều khiển làm cho em H bị thương tích, gãy 04 cái răng cửa hàm trên, chị H đưa cháu H đến Trạm y tế xã T cấp cứu, rồi sau đó cháu H được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp điều trị đến ngày 10/9/2015 ra viện. Sau tai nạn giao thông ngày 03/9/2015, nguyên đơn Hồ Thị Kim H có điều trị thương tích ở Trạm y tế xã T và Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp đến ngày 10/9/2015 thì ra viện với số tiền 2.055.000đ và Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp có văn bản chỉ định trồng lại 04 răng cửa hàm trên bị gãy với số tiền là 13.260.000đ, nên người đại diện hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu chị H và ông B bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho Hồ Thị Kim H số tiền 15.315.000đ (gồm chi phí khám chữa bệnh khi cháu H nằm viện sau tai nạn giao thông là 2.055.000đ và chi phí trồng lại răng bị gãy theo chỉ định bác sĩ là 13.260.000đ) vì cho rằng chị H có lỗi trong vụ tai nạn giao thông trên. Chị H và ông B đều cho rằng lỗi trong vụ tai nạn giao thông trên thuộc về cháu H, do cháu H chạy xe đạp từ lề bên trái sang lề bên phải thiếu quan sát làm cho chị H chạy xe máy từ phía sau thắng không kịp vì vậy đã va chạm vào xe đạp của cháu H mới dẫn đến vụ tại nạn giao thông trên.

Quan điểm của Toà án là cả hai bên đều có lỗi, tuy nhiên vẫn buộc chị Nguyễn Ngọc H và ông Nguyễn Ngọc B bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho Hồ Thị Kim H số tiền 15.315.000đ (Mười lăm triệu ba trăm mười lăm nghìn đồng).

Theo quan điểm tác giả, Toà án cần xác định mức độ lỗi để xác định mức độ bồi thường trong thường hợp nêu trên, chứ không thể kết luận cả hai bên cùng có lỗi nhưng chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường toàn bộ theo yêu cầu của nguyên đơn.

Thứ ba, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về các chi phí hợp lý mai táng.

Tại mục 2.2 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng: “Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...”.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015 thì người bị thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm còn được bồi thường “Chi phí hợp lý cho việc mai táng”. Sau khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, Tòa án nhân dân tối cao có chủ trương xây dựng nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự số 93/2015/QH13 về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Tại bản dự thảo (lần 2) khoản 2 Điều 8 có nêu: Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi phí phục vụ cho việc chôn cất, xây mộ, bốc mộ hoạc hỏa táng nạn nhân theo phong tục địa phương.

Phương án1: Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.

Phương án 2: Chấp nhận yêu cầu bồi thường về chi phí nêu trên. Nếu người chất được hỏa táng thì chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí hỏa táng (gồm tiền hỏa táng, tiền xe, phục vụ khâm niệm)….

Vấn đề bồi thường thiệt hại khi người tham gia giao thông chết tuân thủ theo quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại. Theo đó, người gây ra thiệt hại phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng. Tuy nhiên, mai táng lại là một vấn đề phức tạp, tuỳ thuộc vào phong tục của từng vùng miền. Có Toà án khi xét xử chấp nhận một số chi phí cúng tế, kèn đồng … nhưng cũng có Toà án không chấp nhận yêu cầu này; dẫn việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.

Thứ tư, xác định chưa chính xác bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

 Ngoài ra những vướng mắc chung nêu trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông thường gắn với nguồn nguy hiểm cao độ nên việc thực hiện các quy định về vấn đề này còn gặp một số vướng mắc do chưa xác định chính xác bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ. Về mặt lý luận, để được coi là trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì cần thoả mãn:

Một là, phải có sự hiện diện của một loại nguồn nguy hiểm cao độ, tức là tài sản gây thiệt hại phải là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS 2015;

Hai là, thiệt hại phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ví dụ xe ô tô đang di chuyển thì bị nổ lốp gây thiệt hại, xe ô tô đang xuống dốc thì đứt phanh dẫn đến tai nạn, ...)[5].

Thực tế cho thấy, tại thời điểm xảy ra thiệt hại, nguồn nguy hiểm cao độ có thể đang được vận hành bởi một chủ thể nhất định. Nhưng nếu do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà bất cẩn nên đã gây ra thiệt hại thì phải xác định đó là thiệt hại do người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tức là thiệt hại do hành vi của con người gây ra và người thực hiện hành vi có thể có lỗi cố ý (cố tình lái xe lao vào người khác) hoặc có lỗi vô ý (vừa lái xe vừa nghe điện thoại).

Chính vì việc xác định và áp dụng chưa đúng quy định về nguồn nguy hiểm cao độ nên sẽ gây sai lầm trong việc áp dụng các quy định liên quan, ví dụ như chủ thể có trách nhiệm bồi thường, căn cứ loại trừ trách nhiệm… Các vướng mắc này thể hiện cụ thể hơn qua các ví dụ như sau:

Ví dụ số 2: Xác định chưa đúng quy định về nguồn nguy hiểm cao độ[6]:

Khoảng 14 giờ ngày 17/02/2018, tại đường bê tông ĐH V–P thuộc thôn V, xã M, huyện P, tỉnh Bình Định xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ. Anh Đặng Minh T1 điều khiển xe mô tô biển số 77D1–24172 do anh là chủ sở hữu chở bạn là Đỗ Thị N đi theo hướng từ thôn V, xã M, huyện P về nhà ở thôn Q, xã M (hướng Tây – Đông). Khi đi đến đoạn đường bê tông V-P thuộc thôn V, xã M thì xảy ra va chạm với xe mô tô biển số 77D1-23311 do anh Trương Văn Nh điều khiển đi ngược chiều (hướng Đông – Tây). Hậu quả anh T1 bị thương nặng, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định từ ngày 17/02/2018 đến ngày 20/02/2018 thì tử vong còn anh Nh cũng bị thương nặng ở vùng mặt. Tại Văn bản Kết thúc điều tra số 11/KTĐT – CQCSĐT ngày 9/4/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P: “nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông được xác định là do lỗi hỗn hợp. Đặng Minh T1 điều khiển xe môtô biển số 77D1–24172 chở sau chị Đỗ Thị N đi hướng Đông – Tây và đi lấn sang phần đường dành cho xe đi ngược chiều. Còn Trương Văn Nh điều khiển xe môtô 77D1-23311 vượt sai quy định”

Toà án căn cứ Điều 584, 589, 590 và 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 để tuyên buộc anh Trương Văn Nh phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho ông Đặng Văn D và bà Phạm Thị Tr số tiền 5.710.697 đồng.

Như đã phân tích, với vụ việc nêu trên, không thể xác định đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, phải xác định đây là trường hợp gây thiệt hại do hành vi của người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Ngoài ra, trong phần căn cứ Toà án cũng không dẫn chiếu tới Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Ví dụ số 3: Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại chưa đúng, nguyên nhân do áp dụng sai quy định về nguồn nguy hiểm cao độ[7]

Ngày 13/3/2019, tại đường lộ cầu Kinh thuộc ấp 1, xã Phước V, huyện Cần G, tỉnh Long An, Trần Phạm Ngọc Th tự ý lấy xe mô tô của ông Trần Ngọc H và bà Phạm Thị Tr - tức bố và mẹ anh Th - biển số 52Z4-8566, điều khiển và va chạm với xe mô tô biển số 62M1-5248 do ông Trương Hoài S điều khiển. Sau tai nạn, ông S tử vong trên đường cấp cứu, Trần Phạm Ngọc Th bị thương nặng. Cơ quan Công an xác định vụ việc va chạm xảy ra do lỗi của ông S điều khiển xe lưu thông trên đường mà nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định và tham gia giao thông không đúng làn đường, phần đường quy định.

Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều nhận định rằng căn cứ theo quy định tại Điều 601, xác định lỗi hoàn toàn thuộc về ông S để tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị T về việc yêu cầu anh Trần Phạm Ngọc Th, ông Trần Ngọc H, bà Phạm Thị Tr có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chưa chính xác. Trường hợp này, cần căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Ví dụ 4: Xác định chủ thể bồi thường chưa đúng, nguyên nhân do áp dụng sai quy định về nguồn nguy hiểm cao độ[8]

Trở lại ví dụ số 1, cách xử lý của Toà trong ví dụ nêu trên là chưa phù hợp bởi những lý do sau:

Thứ nhất, không thể xác định đây là nguồn nguy hiểm cao độ, do đó không căn cứ vào quy định tại Điều 601 về việc chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi để áp dụng trong trường hợp này. Cần xác định mức độ lỗi của các bên để xác định mức thiệt hại mà các bên phải bồi thường.

Thứ hai, Toà án cũng chưa làm rõ việc giao tài sản giữa ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Ngọc H nhưng đã áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ để kết luận ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Ngọc H liên đới bồi thường là chưa chính xác.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy việc xác định đúng bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là rất quan trọng, quyết định tới việc xác định trách nhiệm bồi thường trong các vụ án giao thông.

3. Một số kiến nghị 

Từ những vấn đề nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện hành và giải quyết được các vướng mắc nêu trên theo hướng như sau:

Thứ nhất, cần quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần cụ thể hơn

Cần xác định rõ hơn tiêu chí để xác định mức độ bồi thường tổn thất về tinh thần, nhằm áp dụng thống nhất pháp luật về vấn đề này. Bởi giá trị tinh thần mặc dù không thể mang tính chất đền bù ngang giá nhưng vẫn sẽ có những tiêu chí khác nhau để xác định giá trị tinh thần khác nhau, ví dụ người bị thiệt hại về tính mạng là con duy nhất trong gia đình; người bị thiệt hại về tính mạng là con trai duy nhất trong dòng họ; người bị thiệt hại về tính mạng là người trẻ tuổi;... Ngoài ra cần nghiên cứu nâng mức bồi thường về tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm lên để thu hẹp sự bất cân xứng với Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

Thứ hai, cần quy định rõ cách xác định lỗi của bị hại, người bị thiệt hại trong vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi

Như đã phân tích nêu trên, trong các vụ án về giao thông, cần xác định thật kĩ vấn đề về lỗi. Khi xác định chính xác vấn đề về lỗi của các bên, mới có thể đưa ra quyết định chính xác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần có quy định làm rõ hơn cách xác định lỗi của các bên, để Toà án các cấp áp dụng thống nhất, tránh nhận định cảm tính.

Thứ ba, cần hướng dẫn cụ thể hơn về chi phí hợp lý cho việc mai táng.

Tại Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng vẫn về hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã ghi nhận các khoản tiền mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất, xây mộ, bốc mộ hoặc hoả táng theo phong tục địa phương. Phương án này là hợp lý, cần được chấp nhận để cụ thể hoá chi tiết, nhằm áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ tư, cần làm rõ bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Cần làm rõ bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo hướng phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái luật của người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Khi làm rõ được hai vấn đề này, việc áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mới chính xác. Tại dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng vẫn về hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn theo hướng chưa phân biệt cụ thể hai trường hợp nêu trên. Do đó, cần sửa đổi dự thảo theo hướng để được coi là bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, cần phải có sự hiện diện của một loại nguồn nguy hiểm cao độ, tức là tài sản gây thiệt hại phải là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 khoản 1 Điều 601 BLDS 2015; thiệt hại phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông về bản chất chính là các vướng mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung. Ngoài ra, do liên quan tới phương tiện vận tải cơ giới nên các vướng mắc này còn liên quan cụ thể tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Từ những phân tích nêu trên, cần sớm có những sửa đổi, hướng dẫn cụ thể về vấn đề mức bồi thường tổn thất tinh thần, việc xác định lỗi của bị hại, người bị thiệt hại trong vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi, chi tiết hoá chi phí hợp lý cho việc mai táng cũng như cần làm rõ bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để việc thực hiện các quy định bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông được thống nhất.

 

[1] Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008

[2] ThS Ngô Thu Trang, Vướng mắc trong áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

 https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/vuong-mac-trong-ap-dung-phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

[3] Lê Văn Cường, Một số vướng mắc về giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-vuong-mac-ve-giai-quyet-boi-thuong-thiet-hai-do-tinh-mang-suc-khoe-bi-xam-pham

[4] Bản án số: 67/2017/DS-ST Ngày: 27- 10- 2017 của Toà án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

[5] Nguyễn Văn Hợi (2017), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật dân sự Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Luật học, tr50.

[6] Bản án số: 52/2020/DSPT Ngày: 23/6/2020 V/v “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”

[7] Bản án 204/2021/DS-PT ngày 30/09/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

[8] Bản án số: 67/2017/DS-ST Ngày: 27- 10- 2017 của Toà án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

TS. ĐẶNG THỊ THƠM (Phó Chánh văn phòng TANDCC tại Hà Nội) - NGUYỄN VĂN LƯỢNG (Cơ quan điều tra VKSNDTC)