Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đo đạc xác định hiện trạng để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

Trong phạm vi bài này tác giả đưa ra những khó khăn trong đo đạc xác định hiện trạng để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, các quan điểm khác nhau cũng như giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong đo đạc để giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tranh chấp quyền sử dụng đất nói chung theo quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, hầu hết thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp đất đai nói chung cũng như tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất gặp khó khăn, phức tạp dẫn đến án tạm đình chỉ, quá thời hạn chuẩn bị xét xử do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do không đo đạc được đối với đất đang tranh chấp để xác định hiện trạng.

Do đó, có thể nói đo đạc được xem như là thủ tục “bắt buộc” khi giải quyết tranh chấp đất đai nói chung cũng như tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất.

1. Khó khăn trong đo đạc xác định hiện trạng 

 Khi giải quyết các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như đã nêu trên có thể nói là bắt buộc phải đo đạc để xác định hiện trạng quyền sử dụng đất tranh chấp làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án (đây là một biện pháp thu thập chứng cứ). Trong khi đó, Tòa án không có chức năng đo đạc, cho nên việc đo đạc phải do cơ quan, tổ chức có chức năng chuyên môn thực hiện.

Qua trao đổi về nghiệp vụ được biết, hiện nay việc đo đạc xác định hiện trạng để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất hầu hết do: Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện (đối với các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh), chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở cấp huyện thực hiện (đối với các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện).

Thực tiễn các vụ án tạm đình chỉ, quá thời hạn chuẩn bị xét xử với lý do không đo đạc xác định được hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Đương sự (chủ yếu là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chống đối, cản trở không cho đo đạc; việc chống đối, cản trở thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Không cho nguyên đơn chỉ dẫn cấm mốc ranh, cũng không phối hợp chỉ dẫn cấm mốc ranh; rào chắn, không mở cửa (trường hợp có công trình xây dựng trên đất tranh chấp); đe dọa dùng vũ lực đối với cán bộ Tòa án, các đương sự khác, thậm chí đe dọa đập phá máy móc thiết bị dùng để đo vẽ của cán bộ đo đạc...; tình trạng này trước đây chỉ một vài vụ việc cá biệt, nhưng thời gian gần đây xảy ra nhiều và gần như Tòa án địa phương nào cũng gặp khó khăn. Có thể nói đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không đo đạc xác định được hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp.

Thứ hai: Việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai qua từng giai đoạn chưa được đầy đủ, không cập nhật được biến động về thửa đất; thông tin trong hồ sơ về thửa đất không chính xác (về kích thước, số đo, diện tích, hình dạng khu đất, công trình xây dựng trên đất…). Cho nên một số trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất (có bằng khoán chế độ cũ, chứng thư quyền sử dụng) nhưng cơ quan chuyên môn đo đạc không có tài liệu để xác định vị trí thửa đất tranh chấp.

Thứ ba: Khi tiến hành đo đạc đối với đất tranh chấp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chuyên môn đòi hỏi (bắt buộc) những người sử dụng đất giáp ranh (tứ cận) với quyền sử dụng đất đang tranh chấp phải có mặt và ký xác nhận ranh đất nhưng các hộ tứ cận thường không hợp tác trong việc xác định ranh giới, không chịu ký tứ cận thậm chí không có mặt ở địa phương.

2. Các quan điểm khác nhau

Có thể nói nguyên nhân đương sự (chủ yếu là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chống đối, cản trở không cho đo đạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không đo đạc xác định được hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp.

Qua trao đổi cũng như tìm hiểu về giải pháp của các Tòa án ở các địa phương trong việc xử lý khó khăn không đo đạc được do đương sự chống đối, có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đương sự có hành vi chống đối, cản trở; do đó cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở, chống đối đo đạc trên cơ sở căn cứ Điều 127 BLTTDS.

Đồng thời, viện dẫn tại Quyết định giám đốc thẩm số 16/2006/DS-GĐT ngày 05/7/2006 về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” của Hội đồng thẩm phán TANDTC, liên quan đến việc đương sự cản trở các cấp Tòa án không cho đo vẽ nhà đất tranh chấp, trong phần xét thấy có nhận định như sau: "Lẽ ra, trong trường hợp phía bị đơn không hợp tác, gây khó khăn cản trở không cho các cấp Tòa án trong việc xác minh, đo vẽ cụ thể các diện tích nhà, đất, công trình kiến trúc, thì Tòa án cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có biện pháp “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện một số hành vi nhất định” để Tòa án thực hiện được việc xác minh, đo vẽ theo số đo cụ thể các diện tích nhà, đất, công trình kiến trúc...”[1]. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã bị quyết định giám đốc thẩm nêu trên hủy để giải quyết lại với lý do là không đo vẽ cụ thể diện tích nhà đất tranh chấp. Do đó, cần vận dụng nhận định của quyết định giám đốc thẩm trên áp dụng (tương tự như án lệ) để đo đạc đất tranh chấp.

Hơn nữa, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành ngay[2] và khi Cơ quan thi hành án dân sự thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án sẽ được hỗ trợ về tư pháp của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân “Hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án quyết định khác do pháp luật quy định theo yêu cầu của cơ quan thi hành án có thẩm quyền...;”[3]. Sự phối hợp này sẽ xử lý được việc đương sự chống đối, cản trở đo đạc, tăng cường pháp chế XHCN.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hiện nay, trên cơ sở công văn giới thiệu của Tòa án nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ký kết với Văn phòng Đăng ký đất đai hợp đồng dịch vụ đo vẽ (đo đạc) quyền sử dụng đất tranh chấp theo nội dung yêu cầu đo đạc của Tòa án mà cụ thể là Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án. Do đo đạc xác định hiện trạng để phục vụ giải quyết tranh chấp nên Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án lập kế hoạch (Thông báo cho các đương sự biết thành phần đoàn đo đạc, thời gian tiến hành đo đạc…) và tổ chức thực hiện việc đo đạc (liên hệ chính quyền địa phương, lập biên bản về việc đo đạc…). Như vây, hoạt động đo đạc xác định hiện trạng quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất để giải quyết tranh chấp của Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án được xem là “hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng”.

BLTTDS năm 2015, quy định xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:6. Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định;[4].

Do đó, đương sự chống đối, cản trở không cho đo đạc là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng (Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án) thì lập thủ tục xử phạt hành chính. Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan[5].

Thực tiễn, chưa có biện pháp cũng như chế tài xử lý đối với hành vi đương sự chống đối, cản trở không cho đo đạc. Trên cơ sở quy định của pháp luật tố tụng, tác giả nhận thấy hai quan điểm nêu trên vẫn chưa đảm bảo về mặt pháp lý để vận dụng tháo gỡ khó khăn trong đo đạc, vì lý do sau:

2.1. Đối với quan điểm thứ nhất

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định là biện pháp khẩn cấp tạm thời có phạm vi áp dụng tương đối rộng nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn và không thuộc trường hợp Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 135 BLTTDS.

Như vậy, để áp dụng được biện pháp này thì phải do đương sự yêu cầu “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này”[6] và “Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền”[7].

Thực tiễn, không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” quy định tại Điều 127 BLTTDS, với các lý do sau:

Một là: Mục đích đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự[8]. Trong khi đó, việc đương sự (chủ yếu là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chống đối, cản trở không cho đo đạc là cản trở đối với việc thực hiện công vụ của người tiến hành tố tụng (Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án); do đó, đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án không tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được.

Hai là: Tuy đã được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của BLTTDS, nhưng cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định theo khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS là biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu áp dụng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm (Theo quy định khoản 1 Điều 136 BLTTDS). Do đó, người tiến hành tố tụng (Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án) thường thận trọng, sợ trách nhiệm, và:

- Cấm, ví dụ: Khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ (đo đạc xác định hiện trạng QSD đất đang tranh chấp) bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan họ thể hiện bằng lời nói, thuê những đối tượng (có thể nói là xã hội đen) chỉ dàn cảnh hoặc vắng mặt làm cho nguyên đơn không dám/ không chỉ dẫn được ranh giới, không dám dọn dẹp cây cối, đồ vật,..., thì cấm ai, cấm như thế nào? (chưa được hướng dẫn cụ thể), nếu có gây thiệt hại ai chịu trách nhiệm? Khả năng khó thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Buộc, ngoài ví dụ được nêu tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán thì khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan họ không chỉ dẫn ranh giới, không dọn dẹp cây cối, đồ vật,... làm cho đơn vị đo đạc không đo được thì: Buộc ai, buộc như thế nào? nếu buộc mà họ không thực hiện thì có cưỡng chế được không? Khả năng khó áp dụng biện pháp cưỡng chế.

  2.2. Đối với quan điểm thứ hai

Trước đây, Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về "Chứng minh và chứng cứ” của BLTTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011, có hướng dẫn xử lý trường hợp đương sự cản trở như sau: "...6. Nếu có người nào cản trở Toà án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì Thẩm phán yêu cầu đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.

7. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp được hướng dẫn tại khoản 6 Điều này mà vẫn không tiến hành được, thì Thẩm phán lập biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ để lưu vào hồ sơ vụ án. Biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đồng thời, phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự”[9].

Hiện nay, tại khoản 6 Điều 489 BLTTDS năm 2015, quy định xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định. Về hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan.

Tuy đã có hướng dẫn trước đây và quy định hiện nay như nêu trên, thực tiễn đến thời điểm hiện nay chưa có trường hợp nào đương sự, chống đối, cản trở đo đạc mà bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc bị xử lý theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan. Với các lý do sau:

Một là: Không xử lý được về hành vi chống người thi hành công vụ, vì Tòa án không có chức năng đo đạc cho nên trên cơ sở công văn giới thiệu của Tòa án, nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ký kết với Văn phòng Đăng ký đất đai hợp đồng dịch vụ đo vẽ (đo đạc) quyền sử dụng đất tranh chấp. Như vậy, đo đạc do cán bộ chuyên môn của Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo hợp đồng dịch vụ (hợp đồng dân sự); hơn nữa, đương sự có hành vi chống đối, cản trở nhưng mục đích chỉ làm cho không thực hiện được việc đo đạc. Khác với đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ” do người tiến hành tố tụng thực hiện.

Hai là: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013, quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của TAND tại Điều 48; đồng thời còn quy định:  Trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, TANDTC thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và định kỳ 06 tháng, hàng năm gửi thông báo đến Bộ Tư pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý của cơ quan mình; chỉ đạo TAND các cấp thực hiện việc cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính; chủ trì, phối hợp với Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định có liên quan”[10] và Điều 142 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật”.

 Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay TANDTC chưa có văn bản nào quy định chi tiết cũng như hướng dẫn để thi hành, do đó gặp khó khăn trong áp dụng.

3. Tháo gỡ khó khăn

3.1. Quy định của pháp luật tố tụng về hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án

BLTTDS quy định:“ 2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; c) Trưng cầu giám định; d) Định giá tài sản; đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ; e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này. 3. Khi tiến hành các biện pháp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án”[11].

Như vậy, chỉ khi nào Tòa án (cụ thể là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án) ra quyết định tiến hành một hoặc một số biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015 mới được xem là “hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án”.

Do đó, “đo đạc” một cách đơn thuần do Văn phòng Đăng ký đất đai (cụ thể là cán bộ chuyên môn của Văn phòng Đăng ký đất đai - không phải là người tiến hành tố tụng) tiến hành đo đạc theo hợp đồng dịch vụ trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Chính vì vậy, không thể xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng khi đương sự có hành vi cản trở theo quy định tại khoản 6 Điều 489 BLTTDS.

3.2. Giải pháp

Để hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án đúng quy định của BLTTDS năm 2015, chúng ta phải “đặt” thủ tục “đo đạc” để xác định hiện trạng quyền sử dụng đất tranh chấp là “một nội dung” trong biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án; đó là, biện pháp “Xem xét, thẩm định tại chỗ” theo điểm đ khoản 2 Điều 97, Điều 101 BLTTDS.

Đồng thời, để có cơ sở xử lý trường hợp đương sự có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng – Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án. Tác giả đề xuất giải pháp thực hiện như sau:

Bước 1: Căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên (sau đây gọi là đương sự) và tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trích lục bản đồ địa chính, giấy tờ chuyển nhương, chứng thư QSD đất,….

Thẩm phán ban hành Công văn giới thiệu cho đương sự đến Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc các tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ (sau đây gọi là đơn vị đo đạc) hợp đồng dịch vụ đo đạc. Công văn giới thiệu phải ghi rõ nội dung yêu cầu đương sự hợp đồng đo đạc xác định: Vị trí, diện tích QSD đất đang tranh chấp; định vị, phục hồi mốc ranh QSD đất của các bên đương sự.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được công văn giới thiệu của Thẩm phán, đương sự phải ký kết hợp đồng đo đạc với Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc các tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ (sau đây gọi là hợp đồng đo đạc).

Bước 2: Sau khi nhận được hợp đồng đo đạc do đương sự cung cấp, Thẩm phán ban hành Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ theo (Mẫu số 05-DS, Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).

Tại phần quyết định:

“1. Xem xét, thẩm định tại chỗ đối với:…”. Ngoài việc, ghi đối tượng và những vấn đề cần xem xét, thẩm định tại chỗ như hướng dẫn tại mục 5 (hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-DS), còn phải ghi rõ nội dung đo đạc xác định: Vị trí, diện tích QSD đất đang tranh chấp; định vị, phục hồi mốc ranh QSD đất của các bên đương sự.

2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ được tiến hành vào hồi… giờ... phút ngày.... tháng... năm.... (Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định); tại ghi như hướng dẫn tại mục 6 (hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-DS).

Bước 3: Trên cơ sở Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, Thẩm phán xây dựng Kế hoạch tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, cụ thể như sau:

Thành phần tiến hành và những người tham gia xem xét, thẩm đinh tại chỗ: Ngoài Thẩm phán, Thư ký, đơn vị đo đạc, phải ghi “với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó[12].

Nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ: Ghi những nội dung theo Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ (tại mục 1 quyết định).

Thời gian, địa điểm xem xét, thẩm đinh tại chỗ: Ghi theo Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ (tại mục 2 quyết định).

Phương pháp tiến hành: Thẩm phán cùng với đơn vị đo đạc phối hợp “với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với các đương sự tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất[13]. Đơn vị đo đạc lập Bản vẽ hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp giao (trả kết quả) cho đương sự/Tòa án (Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đo đạc).

Trường hợp có đương sự (thường bị đơn), người sử dụng đất liền kề vắng mặt hoặc không ký xác nhận giáp ranh, thì: “Đơn vị đo đạc, các đương sự, người sử dụng đất liền kề có mặt và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có) tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất (người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do đương sự, người sử dụng đất liền kề đó vắng mặt hoặc không ký xác nhận vào phần “lý do vắng mặt/ không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất).

Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để đương sự, người sử dụng đất liền kề vắng mặt đến ký xác nhận.

Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự, người sử dụng đất liền kề vắng mặt không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập[14]. Đơn vị đo đạc lập Bản vẽ hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp giao (trả kết quả) cho đương sự/Tòa án.

Trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt có tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì thông báo đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bước 4: Thẩm phán lập biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ (Thư ký ghi biên bản), thể hiện đầy đủ nội dung: “Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận”[15].

Bước 5: Trường hợp đương sự (thường bị đơn), người sử dụng đất liền kề có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì:

Thẩm phán “đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ”[16].

Nếu đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hỗ trợ   nhưng đương sự, người sử dụng đất liền kề vẫn có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ thì căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 101 BLTTDS năm 2015 “Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ”. Thẩm phán lập biên bản đối với đương sự, người sử dụng đất liền kề có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính; trên cơ sở căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán “Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật”[17] và Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính “1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này”[18].

3.3. Kiến nghị

TANDTC sớm có hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 489 BLTTDS năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan, ban hành biểu mẫu (Biên bản vi phạm hành chính, Quyết định xử lý vi phạm hành chính…) để xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng.

Chính phủ sớm có văn bản quy định chi tiết cũng như hướng dẫn về việc phối hợp giữa TAND các cấp với ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp và chính quyền địa phương các cấp trong việc xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng.

 

Đường phố Quận 5 TPHCM - Ảnh minh họa của Thái Vũ

[1] Tập Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao năm 2006, từ trang 261 đến trang 269.

[2] Điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

[3] Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 46/2020/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Bộ Công an quy định về hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân.

[4] Khoản 6 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[5] Điều 498 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[6] Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[8] Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[9] Điều 9 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[10] Khoản 4 Điều 17 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013.

[11] Khoản 2, 3 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[12] Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[13] Vận dụng theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 quy định về việc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

[14] Vận dụng theo Khoản 2 Điều 8, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính Phủ.

[15] Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[16] Khoản 4 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[17] Khoản 13 Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[18] Khoản 1 Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013.

KHƯU ĐỂ DÀNH (TAND tỉnh An Giang)