Tòa án điện tử sẽ hình thành tại Việt Nam trong thời gian không xa và đúng lộ trình

TANDCC tại Đà Nẵng là đơn vị dẫn đầu cả nước về xét xử trực tuyến, trong thời gian gần 2 tháng, đơn vị đã tổ chức 150 phiên tòa trực tuyến, tương đương 12% trong tổng số 1313 vụ án xét xử phúc thẩm. Tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2023, Chánh án Nguyễn Văn Bường đã có tham luận về vấn đề này.

Xét xử 1313 vụ án theo trình tự phúc thẩm 

Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) tại Đà Nẵng có chức năng xét xử phúc thẩm, giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm các loại vụ việc tại khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ được pháp luật tố tụng chuyên ngành quy định bao gồm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum. Đây là một địa bàn có 3 tỉnh Tây Nguyên rộng lớn cùng 9 tỉnh đồng bằng duyên hải có chiều dài đường bộ ven biển gần 1.000 Km và đường bộ đến tỉnh miền núi xa nhất (Đăk Lăk) là hơn 700 Km. Với địa bàn vừa dài vừa rộng như vậy dẫn đến việc tổ chức các phiên tòa trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn trở ngại và rất tốn kém về tiền bạc, phương tiện, thời gian cho đương sự, chính quyền và cho cả Tòa án.

Trong những năm vừa qua, việc tổ chức xét xử các vụ án phi hình sự phần lớn được xét xử tại trụ sở TANDCC tại Đà Nẵng; người dân, chính quyền, các cơ quan tổ chức được triệu tập về trụ sở Tòa án gặp muôn vàn khó khăn, nhất là đối với các đương sự ở các tỉnh xa xôi như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình. Rất nhiều phiên tòa phải hoãn nhiều lần do tố tụng mới giải quyết được, gây tốn kém và phiền hà cho nhân dân, chính quyền. Ở chiều ngược lại, các phiên tòa được tổ chức tại TAND các địa phương thì TANDCC tại Đà Nẵng phải di chuyển hàng ngàn Km làm nảy sinh ra nhiều bất cập, gặp không ít khó khăn, tố kém, nhất là đối với các vụ án phải hoãn thì việc xử lý tái lịch khó thực hiện nhanh được.

Về số lượng vụ việc năm 2022, TANDCC tại Đà Nẵng đã giải quyết, xét xử 1313 vụ án theo trình tự phúc thẩm, tăng gần gấp 2 lần số lượng án xét xử năm 2021, trong đó án hành chính tăng vọt lên 346 vụ, chiếm tỷ lệ 26,35% tổng số các vụ án đã xét xử. Do đó việc tổ chức các phiên tòa trực tiếp, đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch Covid 19 gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi.

Đứng trước một thực tế đặc thù về địa lý vùng miền như vậy, chỉ có việc tổ chức các phiên tòa theo hình thức trực tuyến mới khắc phục được những bất cập, hạn chế từ các phiên tòa trực tiếp, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân và cho Nhà nước.

Triển khai có hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Nghị quyết 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một văn bản quy phạm pháp luật xuất phát từ thực tiễn đó là do sự bùng phát, lan rộng nhanh chóng của đại dịch Covid 19 tại Việt Nam, làm cho hoạt động xét xử trực tiếp của hệ thống TAND bị ngưng trệ. Cách mạng công nghệ 4.0 không ngừng phát triển: Công nghệ số, Internet… đã làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, lãnh đạo, điều hành hoạt động của hệ thống Tòa án và được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là 1 trong số 20 nước trên thế giới có tỷ lệ dân số tiếp cận Internet cao và cơ sở hạ tầng viễn thông tốt. Vì vậy, chúng ta tích cực xây dựng Tòa án điện tử không chỉ là xu hướng tất yếu khách quan mà còn là cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN là hoàn thành mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam vào năm 2025.

 

TANDCC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến

Quá trình thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội đã chứng minh được các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên thích xử trực tuyến hơn là xử trực tiếp và xét xử trực tuyến trở thành nhiệm vụ trọng tâm, dự kiến đưa vào phương hướng nhiệm vụ công tác của TANDCC tại Đà Nẵng năm 2023 và những năm tiếp theo.

Mặc dù trong một thời gian ngắn (từ 01/8/2022 được lắp đặt thử nghiệm 01 phòng xét xử và bắt đầu xét xử từ ngày 08/8/2022) nhưng với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, nhận thức đúng và tư tưởng thông suốt; tính đến 30/9/2022, sau chưa đầy 02 tháng, TANDCC tại Đà Nẵng đã xét xử 150 vụ án các loại bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tại TANDCC tại Đà Nẵng, cùng với 20 phiên tòa trực tuyến được thực hiện trước khi lắp đặt phòng xử trực tuyến thử nghiệm để xét xử các vụ án hình sự (với sự phối hợp của TAND các tỉnh thuộc khu vực) kết nối đến Trại tạm giam nhằm xử lý tình huống Trại không dẫn giải bị cáo đến phiên tòa do đại dịch Covid 19.

Tổng số các vụ án được xét xử trực tuyến trong thời gian gần 02 tháng là 150 phiên tòa, tương đương 12% trong tổng số 1313 vụ án xét xử phúc thẩm. Tính trên kết quả thi đua của từng đơn vị thì số liệu này dẫn đầu cả nước. Điều đáng nói là trong 150 phiên tòa trực tuyến thì có 30 vụ án hành chính được xét xử trực tuyến, trong đó có 12 phiên tòa đường truyền được kết nối từ điểm cầu trung tâm TANDCC tại Đà Nẵng đến điểm cầu thành phần tại Văn phòng UBND các tỉnh, các huyện, các sở, ban ngành liên quan và trụ sở Tòa án 2 cấp tỉnh, huyện trong khu vực; các đồng chí bên chính quyền rất hài lòng và chỉ đạo quyết liệt hệ thống chính quyền các cấp phối hợp với TANDCC tại Đà Nẵng để xét xử trực tuyến. Điển hình như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban ngành liên quan không được vắng mặt tại các phiên tòa trực tuyến và tạo điều kiện để kết nối đường truyền với Tòa án để xét xử trực tuyến.

Trong 150 phiên tòa trực tuyến, có 2 phiên tòa (hình sự và hành chính) rút kinh nghiệm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến do Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng làm chủ tọa phiên tòa với sự tham gia công tố của Viện trưởng VKSNDCC tại Đà Nẵng, được truyền trực tuyến đến hệ thống 3 cấp Tòa án, Viện kiểm sát toàn khu vực, đồng thời phiên họp góp ý rút kinh nghiệm cũng được trực tuyến đến hệ thống Tòa án, VKS 3 cấp toàn khu vực. Đây là một bước đột phá trong hoạt động tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến đầu tiên không chỉ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà là lần đầu tiên được thực hiện trong hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam.

Với bước đột phá này, TANDCC tại Đà Nẵng vinh dự được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen cho đơn vị và cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động xét xử trực tuyến.

Từ thực tiễn thực hiện, có cơ sở khẳng định TANDCC tại Đà Nẵng đạt được bước đột phá trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tính đến ngày cuối cùng 30/9 đơn vị đã xét xử trực tuyến 150 vụ.

Ngay trong tháng 11, đơn vị xét xử 65 vụ, tháng 12 lên lịch 70 vụ. Tính đến nay đã xử gần 300 vụ trong 5 tháng thực hiện, trong đó tháng 10/2022 không xử.

Kết quả đem lại là lợi ích của người dân, chính quyền được phục vụ một cách tốt nhất. Người dân chỉ cần đến trụ sở Tòa án gần nhất để tham gia phiên tòa; chính quyền ngồi tại văn phòng cũng tham gia được phiên tòa mà không phải lăn lộn hàng trăm, hàng ngàn Km; ngược lại Tòa án cũng vậy. Mặt khác, đường truyền được kết nối đến văn phòng của chính quyền thì không có lý do gì chính quyền vắng mặt, không tham gia phiên tòa, trừ trường hợp đặc biệt. Rõ ràng, đó là những lợi ích rất to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội và nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Qua thực tiễn xét xử bằng hình thức trực tuyến cho thấy: Các điều kiện về kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, góc nhìn… đều bảo đảm (mặc dù chưa được trang bị mới mà chỉ sử dụng nền tảng kỹ thuật của hệ thống hội nghị trực tuyến cũ). Quyền con người, các quyền cơ bản được quy định trong pháp luật tố tụng như tranh tụng, tranh luận được bảo đảm. Một vài sự cố về đường truyền nhưng không lớn và được khắc phục ngay.

Nguyên nhân thành công

Kết quả đạt được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, Nghị quyết 33 của Quốc hội và chủ trương của Lãnh đạo TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến là đúng đắn, sát thực tiễn.

Sự quyết tâm, quyết đoán trong công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo TANDCC tại Đà Nẵng, đặc biệt là vai trò nòng cốt của người đứng đầu. Sự nhận thức đúng đắn về lợi ích của người dân, chính quyền và của cả Tòa án do chủ trương lớn này đem lại và sự quyết tâm thực hiện Nghị quyết của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên của TANDCC tại Đà Nẵng.

Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa TANDCC tại Đà Nẵng với Trung tâm tin học thuộc Vụ Tổng hợp TANDTC và TAND các cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và VKSNDCC tại Đà Nẵng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, có sự ủng hộ nhiệt tình đó thì mới có được kết quả như vậy. Vì vậy, đây cũng là thành tích chung cho cả miền Trung - Tây Nguyên chứ không riêng gì cho TANDCC.

Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa TANDCC tại Đà Nẵng và các cấp chính quyền, các sở, ban ngành địa phương để kết nối đường truyền đến tận trụ sở của chính quyền.

Và cuối cùng là sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Từ thành công trong hoạt động xét xử trực tuyến, có thể rút ra được các bài học kinh nghiệm. Đó là phải có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của chủ trương thể hiện trong Nghị quyết 33 của Quốc hội và lợi ích từ chủ trương này mang lại.

Cần phải điều hành, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt từ người đứng đầu đến các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và các cơ quan giúp việc. Cần phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa giữa TANDCC tại Đà Nẵng với TAND, chính quyền địa phương và Trung tâm tin học Vụ Tổng hợp TANDTC vì trong năm tới tần suất, cường độ và số lượng các phiên tòa trực tuyến sẽ tăng lên rất nhiều.

Phối hợp với truyền thông là phương tiện lan tỏa nhanh nhất chủ trương và pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến đến với người dân, chính quyền, tổ chức liên quan.

Một số vướng mắc và giải pháp

TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến các vấn đề như: Phối hợp trong thực hiện các thủ tục tố tụng trước khi bắt đầu phiên tòa tại các điểm cầu thành phần, giao nhận bị cáo, xử lý vi phạm tại các điểm cầu thành phần, chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ kỹ thuật ở các điểm cầu thành phần; có hướng dẫn đối với các trường hợp đường truyền bị mất tín hiệu trong quá trình xét xử, tuyên án và thời gian bị gián đoạn kéo dài.

Để đảm bảo và nâng cao hiệu quả tổ chức các phiên tòa trực tuyến và bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử tại TANDCC tại Đà Nẵng, đề xuất nhóm các giải pháp lớn sau đây:

Xây dựng kế hoạch xét xử trực tuyến cho năm 2023 định hướng đến năm 2025 là thời hạn hoàn thành xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam:

Tại Bản kế hoạch xét xử trực tuyến năm 2023 số 3512/2022/KHXXTT-CCĐN ngày 17/11/2022, TANDCC tại Đà Nẵng căn cứ kết quả đạt được trong hai tháng cuối năm 2022 đã đặt ra các mục tiêu sau đây:

Nếu sử dụng 01 phòng xét xử trực tuyến như hiện tại thì mỗi tháng xử trực tuyến 15/22 ngày làm việc; lượng án xét xử trực tuyến 50 - 60 vụ/tháng, 500 - 600 vụ/năm, tương đương 40 - 50% trên tổng số các vụ án được xét xử phúc thẩm.

Nếu được lắp đặt thêm phòng xét xử trực tuyến thứ hai thì mỗi năm xét xử từ 800 đến 1000 vụ bằng hình thức trực tuyến, chiếm tỷ lệ 70 đến 80% trên tổng số vụ án được xét xử phúc thẩm.

-Đối với những vụ án phức tạp, án tử hình, án điểm nóng,… thì tổ chức xét xử trực tiếp nhưng sẽ không nhiều (khoảng 20%). Như vậy, về cơ bản sẽ có được Tòa án điện tử tại TANDCC tại Đà Nẵng vào cuối năm 2025 mà chúng ta đã cam kết. Kế hoạch này hoàn toàn có cơ sở thực tiễn, khả thi, không chủ quan hay nóng vội.

-Phải có niềm tin vững chắc vào chủ trương, pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Lãnh đạo TANDTC và phải tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, sự thi hành tích cực của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên.

-TANDTC cần cấp cho TANDCC tại Đà Nẵng một biên chế Kỹ sư Công nghệ thông tin để đảm bảo cho hoạt động xét xử trực tuyến năm 2023 và những năm tiếp theo với cường độ, tần xuất cao (hiện nay TANDCC tại Đà Nẵng có 01 kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin cao, xử lý rất tốt 150 phiên tòa trực tuyến vừa qua, không để xảy ra sự cố nào nhưng vẫn đang là hợp đồng, chưa vào biên chế).

-Cần tăng cường và coi trọng khâu phối hợp với các cơ quan hữu quan như đã nêu trên, thực tế vừa qua đã chứng minh rõ yếu tố này.

-Đề nghị TANDTC lắp đặt cho TANDCC tại Đà Nẵng phòng xét xử trực tuyến thứ 2 để đơn vị hoàn thành mục tiêu xét xử trực tuyến từ 70 đến 80% trên tổng số các vụ án được xét xử phúc thẩm.

-Cần sự quan tâm giải quyết kịp thời các vướng mắc mà đơn vị đã đề cập trên, quan tâm chế độ đãi ngộ đối với cán bộ kỹ thuật của Tòa án các địa phương khi họ tham gia phối hợp với TANDCC tại Đà Nẵng trong các phiên tòa trực tuyến.

Chuyển tải chủ trương lớn vào đời sống

Một đạo luật dù tiên tiến đến đâu, một chủ trương dù có đúng đắn đến đâu nhưng nếu chúng ta không tổ chức thực hiện tốt, không chuyển tải hiệu quả vào đời sống xã hội thì đạo luật, chủ trương đó sẽ giảm đi ý nghĩa và không thể trở thành giá trị của pháp luật.

Nghị quyết 33 của Quốc hội và chủ trương của Lãnh đạo TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một quyết định đúng đắn, đi ra từ thực tiễn đời sống pháp luật của nhân dân và đã trở về phục vụ thực tiễn một cách tích cực, đáp ứng lợi ích của nhân dân một cách tốt nhất, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đây chính là thực tiễn kiểm nghiệm giá trị của chủ trương lớn này. Tính đúng đắn này được khẳng định bởi Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: “Lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”. 

150 phiên tòa được xét xử trực tuyến trong thời gian 02 tháng và hiệu quả đem lại cho người dân, chính quyền, cho cả Tòa án đã chứng minh được đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, cán bộ công chức của TANDCC tại Đà Nẵng đã làm tốt khâu tổ chức thực hiện và chuyển tải chủ trương lớn này vào đời sống xã hội một cách hiệu quả. Từ cơ sở thực tiễn đó đã củng cố niềm tin mạnh mẽ rằng Tòa án điện tử sẽ hình thành tại Việt Nam trong thời gian không xa và đúng lộ trình.

 

Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường trình bày tham luận

TS. NGUYỄN VĂN BƯỜNG (Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng)