Vật chứng và việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự

Vật chứng trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 89 BLTTHS là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Để được coi là vật chứng trong vụ án hình sự thì vật chứng phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

1. Căn cứ vào giá trị chứng minh và ý nghĩa của vật chứng, có thể chia vật chứng thành ba nhóm: Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm; Vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội; Vật chứng có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Theo chúng tôi, thì quy định tại Điều 89  BLTTHS còn một số bất cập sau đây:

- Thứ nhất, là mới chỉ liệt kê một số loại vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm như vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm. Còn vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội và vật chứng có ý nghĩa  trong việc giải quyết vụ án là gì thì chưa được BLTTHS quy định cụ thể. Do vậy, còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xử lý vật chứng. Ví dụ: Chiếc ví trong đó có tiền và các giấy tờ tùy thân, Giấy phép lái xe của người phạm tội đánh rơi và bị thu giữ tại hiện trường vụ án. Đây là vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội nhưng vẫn có quan điểm cho rằng không phải là vật chứng vì nó không phải là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật, tiền do phạm tội mà có. Cho nên, có Tòa án trả lại bị cáo trước khi mở phiên tòa và có Tòa án trả lại bị cáo tại phiên tòa bằng quyết định xử lý vật chứng của Bản án.

- Thứ hai, việc liệt kê một số loại vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, vật chứng không chỉ là “vật” mà còn có thể là tiền (trực tiếp liên quan đến tội phạm), động vật sống (như động vật trong vụ án về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm…) hoặc thực vật (như cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa… trong vụ án về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy hoặc thực vật ngoại lai trong vụ án về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại…).

Theo chúng tôi, thì không nên liệt kê các loại vật chứng vì không thể liệt kê hết. Bởi lẽ, vật chứng là chứng cứ của vụ án hình sự tồn tại dưới dạng vật chất (vật, tiền, động vật và thực vật). Thực tế có vật chứng không cần hoặc không thể thu thập được mà chỉ mô tả trong văn bản tố tụng là đủ. Ví dụ: Ngôi nhà bị người phạm tội hủy hoại (như đốt cháy); Cánh rừng bị hủy hoại… Tuy nhiên, vẫn có những vật chứng cần phải thu thập và có thể thu thập được để giải quyết vụ án. Ví dụ: Công cụ, phương tiện phạm tội; đối tượng tác động của tội phạm; vật mang dấu vết tội phạm hoặc vật mang dấu vết của người thực hiện tội phạm. Do vậy, chỉ nên giới hạn vật chứng là chứng cứ của vụ án hình sự tồn tại dưới dạng vật chất mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hay nói cách khác, là trong BLTTHS chỉ cần nêu khái niệm thể hiện đặc điểm, giá trị và ý nghĩa của vật chứng đối với việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, không phải tất cả những vật, tiền, động vật và thực vật thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án đều là vật chứng vì không có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội hoặc không có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Cho nên, rất cần có hoạt động đánh giá vật chứng  (đánh giá những thứ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án) để ít nhất là kết luận cái gì là vật chứng và cái gì không phải là vật chứng của vụ án hình sự cụ thể và ra quyết định xử lý phù hợp.

2. Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự cũng đồng thời là việc áp dụng biệp pháp tư pháp (Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm). Tuy nhiên, quy định tại Điều 106 BLTTHS về xử lý vật chứng lại có nhiều bất cập:

- Thứ nhất, không đồng bộ với quy định tại Điều 47 BLHS về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Bởi lẽ, ngoài công cụ, phương tiện (của người phạm tội) dùng vào việc phạm tội và vật, tiền do phạm tội mà có, thì các loại vật, tiền sau đây nếu được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định cũng là vật chứng: Vật, tiền do mua bán, đổi chác những thứ ấy (vật, tiền do phạm tội mà có); Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật, tiền (của người khác) bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép làm công cụ, phương tiện phạm tội; Vật, tiền của người phạm tội không liên quan trực tiếp đến tội phạm nhưng bị thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án (như chiếc ví trong đó có tiền và các giấy tờ tùy thân, Giấy phép lái xe của người phạm tội đánh rơi và bị thu giữ tại hiện trường vụ án... là vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm). Cho nên cũng cần có quy định về việc xử lý các loại vật chứng này nhưng Điều 106 BLTTHS chưa quy định việc xử lý các loại vật chứng này.

- Thứ hai, với nội dung quy định tại Điều 106 BLTTHS, thì việc xử lý vật chứng có thể tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào (điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự). Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều luật này lại mâu thuẫn vì khoản 1 quy định chỉ được xử lý vật chứng tại một số thời điểm như đình chỉ vụ án hoặc xét xử vụ án; còn tại khoản 3 lại quy định có thể xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Việc quy định phải xử lý vật chứng tại các thời điểm đình chỉ hoặc xét xử vụ án là đúng nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, thì việc xử lý vật chứng cũng cần thiết được thực hiện khi tạm đình chỉ vụ án (thuộc phạm trù trong quá trình giải quyết vụ án đã được quy định tại khoản 3 Điều 106 BLTTHS). Bởi lẽ, có những vật chứng là tài sản của người khác (không phải của người phạm tội) được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án nhưng ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án vì đã được mô tả trong biên bản thu giữ vật chứng, chụp ảnh hoặc photo, khám xét hoặc định giá làm tài liệu trong hồ sơ vụ án. Việc giữ những vật chứng này trong cả quá trình tạm đình chỉ vụ án là không cần thiết vì vừa tốn kém kinh phí bảo quản vừa gây thiệt hại không đáng có cho người chủ hở hữu hoặc quản lý hợp pháp tài sản đó. Thực tế đã có nhiều vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cơ quan tiến hành tố tụng đã trả lại phương tiện giao thông đường bộ (là vật chứng trong vụ án) sau khi đã khám xe, lập biên bản và chụp ảnh.

- Thứ ba, bán vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản vừa được quy định là biện pháp bảo quản vật chứng (tại điểm đ khoản 1 Điều 90 BLTTHS) vừa được quy định là biện pháp xử lý vật chứng (tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS). Theo chúng tôi, thì việc bán vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước là biện pháp bảo quản vật chứng đã được chuyển đổi thành tiền chứ không phải là biện pháp xử lý vật chứng. Cho nên cần bỏ quy định này tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS.

- Thứ tư, về ngôn ngữ thì chế tài quy định tại Điều 47 BLHS là ‘Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy”. Còn chế tài quy định tại Điều 106 BLTTHS là “tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tội đề nghị sửa đổi Điều 89 và Điều 106 BLTTHS như sau:

“Điều… Vật chứng

Vật chứng là vật, tiền, động vật hoặc thực vật trực tiếp liên quan đến tội phạm hoặc vật, tiền khác có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

“Điều…Xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Vật chứng là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy theo quy định của BLHS;

b) Vật chứng không phải là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm phải trả lại chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

 c) Vật chứng không phải là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm mà không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu tiêu hủy.

Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Huyện Phục Hòa, Cao Bằng tổ chức tiêu hủy vật chứng - Ảnh: Phan Anh Trung

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)