Thỏa thuận nuôi con chung sau ly hôn theo pháp luật Australia – kiến nghị cho Việt Nam

Bài viết sẽ trình bày các quy định và thực tiễn hình thành các thỏa thuận nuôi con chung theo pháp luật Australia từ đó có những kiến nghị về vấn đề này ở Việt Nam.

Pháp luật của Australia quy định khá chi tiết về việc hình thành một thỏa thuận nuôi con chung sau khi một cặp vợ chồng tiến hành các thủ tục ly hôn. Việc ghi nhận các cam kết, thỏa thuận liên quan đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng con chung được thống nhất giữa các cặp vợ chồng là nền tảng quan trọng để đảm bảo sự quyền và lợi ích của con chung dù quan hệ hôn nhân giữa họ đã chấm dứt.

1. Quy định chung về ly hôn và quyền nuôi con theo pháp luật Australia

Các quy định pháp luật về ly hôn và những vấn đề liên quan đến quyền nuôi con cũng như phân chia tài sản theo pháp luật Australia được quy định tại các phần VI, VII, VIII của Đạo luật Gia đình năm 1975. Tại Điều 48 Đạo luật này xác định thì một cuộc hôn nhân chỉ chấm dứt khi nó đã “tan vỡ đến mức không thể cứu vãn nổi”.

Các cặp vợ chồng cần chứng minh được họ đã ly thân tối thiểu 12 tháng và không có khả năng tái hợp trở lại. Khi ly thân, cặp vợ chồng không nhất thiết phải sống ở hai nơi mà có thể vẫn chung sống dưới một mái nhà nhưng họ phải chứng minh được rằng mỗi người đã có cuộc sống riêng biệt và không còn quan tâm nhau. Trường hợp Tòa án xét thấy hai bên vẫn còn khả năng tái hợp thì sẽ không giải quyết cho ly hôn.

Tương tự như pháp luật các nước, pháp luật Australia đều chấp nhận việc đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn. Về cơ bản, Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố chấm dứt hôn nhân của các vợ chồng muốn ly hôn. Nếu muốn giải quyết các vấn đề về phân chia tài sản, nuôi dưỡng con cái, tiền cấp dưỡng cho người còn lại thì một trong hai bên phải nộp đơn yêu cầu giải quyết riêng trong vòng 12 tháng kể từ ngày phán quyết ly hôn có hiệu lực.

Đối với quyền nuôi con, các cặp vợ chồng được khuyến khích nên tự thoả thuận về người được quyền nuôi con cũng như cấp dưỡng trước khi đưa vấn đề này để Tòa xem xét. Trường hợp không thỏa thuận được, theo pháp luật Australia, Tòa án sẽ phán xét quyền nuôi con chung dựa trên khả năng bên nào có thể đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ. Tòa sẽ cân nhắc xem xét về việc bảo vệ con tránh khỏi bạo lực gia đình, tổn hại về thể xác và tinh thần, cũng như ý muốn của trẻ về việc muốn ở cùng ai, mối quan hệ giữa đứa trẻ với cha mẹ và với những người ở cùng cha mẹ. Tòa cũng đánh giá về đạo đức, phẩm chất của cha hoặc mẹ và khả năng của người trực tiếp nuôi con trong việc đáp ứng những nhu cầu của con để đưa ra quyết định cuối cùng.

2. Thỏa thuận nuôi chung con sau ly hôn

Theo pháp luật của Australia, trước khi có thể bắt đầu thủ tục tố tụng ra tòa về ly hôn, trừ khi trường hợp ngoại lệ như bạo hành, thì hai bên vợ chồng cần phải tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp trong hôn nhân trong đó có vấn đề quyền nuôi con và thỏa thuận nuôi con chung.

Quá trình thỏa thuận thường đạt được thông qua việc thương lượng giữa cha mẹ với sự trợ giúp của các dịch vụ tư vấn hay trung tâm hòa giải. Về nguyên tắc không được phép ép buộc người kia phải đồng ý với thỏa thuận. Thông thường, cha mẹ sẽ cần chuyên gia tư vấn về pháp lý vì các thỏa thuận họ đưa ra về có nhiều vấn đề quan trọng như nơi ở và nơi học tập, sinh hoạt của con, điều cũng có thể ảnh hưởng tới các vấn đề về tài sản và việc cấp dưỡng cho con chung.

Đặc biệt, cha mẹ cần có những thỏa thuận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng và những sắp đặt cho con chung của họ, còn được gọi là thỏa thuận nuôi con chung. Một luật sư, chuyên viên tư vấn về gia đình hoặc cố vấn viên gia đình có thể giúp các cặp vợ chồng ly hôn lập ra một thỏa thuận nuôi con chung hoàn chỉnh dưới dạng văn bản với có chữ ký và ghi rõ ngày tháng.

Thỏa thuận này có thể được thay đổi bằng một bản thỏa thuận khác, có chữ ký của các bên. Thỏa thuận này không quy định nghĩa vụ pháp lý đối với bất cứ bên nào, tuy nhiên, trong trường hợp một bên yêu cầu giải quyết về quyền nuôi con thì Tòa có thể xem xét những điều đã được thỏa thuận nuôi con chung làm cơ sở để giải quyết vụ việc.

Sau khi đạt được thỏa thuận, các bên có thể nộp và được Tòa án công nhận thỏa thuận nuôi con chung để đảm bảo tính ràng buộc, đảm bảo thực thi bởi Tòa án của thỏa thuận nuôi con chung. Thông thường các công nhận này được thực hiện tại Tòa án Địa phương (Local Court) hoặc Tòa án Gia đình (Family Court). Đối với những vụ việc phức tạp hơn, có khả năng do Tòa án Gia đình quyết định với thủ tục cụ thể hơn nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích tốt nhất cho con chung.

Một số thỏa thuận nuôi con chung chi tiết về quyền thăm nom con chung được ví dụ cụ thể như sau:

1.Những đứa trẻ Jack Smith sinh ngày 25 tháng 1 năm 2004 và Jill Smith sinh ngày 8 tháng 4 năm 2006 sống với cha (hoặc mẹ).

2.Cha và mẹ có trách nhiệm chung như nhau đối với bọn trẻ; hoặc là cha/mẹ cha có trách nhiệm làm cha mẹ duy nhất đối với bọn trẻ.

3.Cha và mẹ cũng dành thời gian cho con cái theo thỏa thuận giữa các bên. Hoặc theo thỏa thuận sau:

4.Trong ví dụ này, bọn trẻ sống với cha và dành thời gian cho mẹ .Những đứa trẻ Jack Smith sinh ngày 25 tháng 1 năm 2004 và Jill Smith sinh ngày 8 tháng 4 năm 2006 dành thời gian với mẹ như sau:

Mỗi cuối tuần luân phiên từ 9 giờ sáng Thứ Bảy đến 5 giờ chiều Chủ Nhật; sẽ kéo dài đến 5 giờ chiều vào Thứ hai nếu cuối tuần là một ngày kỳ nghĩ dài.

Thời gian cuối tuần được mô tả trong đoạn (a) sẽ không tính trong thời gian đứa trẻ nghỉ học.

Mỗi năm từ 5 giờ chiều thứ Bảy đến 5 giờ chiều Chủ nhật cuối tuần của “Ngày của Mẹ”, nếu thời gian đó chưa được đề cập trong thỏa thuận này.

Thời gian cuối tuần được mô tả trong đoạn (a) bị đình chỉ vào cuối tuần của “Ngày của Cha” mỗi năm từ 5 giờ chiều thứ Bảy đến 5 giờ chiều ngày Chủ nhật.

Ba tuần trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh hàng năm, bắt đầu lúc 9 giờ sáng vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng Giêng.

Luân phiên mỗi dịp lễ Giáng sinh từ 5 giờ chiều ngày 24 tháng 12 đến 10 giờ sáng ngày 26 tháng 12, bắt đầu vào Năm 2006.

Luân phiên mỗi dịp lễ Giáng sinh xen kẽ từ 10 giờ sáng ngày 26 tháng 12 đến 10 giờ sáng ngày 28 tháng 12, bắt đầu vào năm 2007.

Luân phiên mỗi dịp lễ Phục sinh luân phiên từ 5 giờ chiều Thứ Năm đến 5 giờ chiều Thứ Hai, bắt đầu từ năm 2008. Nếu  Lễ Phục sinh rơi vào kỳ nghỉ học ở cuối Học kỳ 1, thời gian này sẽ là một phần của thời gian của mẹ cho kỳ nghỉ đó.

Vào sinh nhật của đứa trẻ hàng năm từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều, miễn là ngày sinh nhật không rơi vào ngày học.

Mẹ sẽ gọi điện thoại trong tối đa 15 phút vào mỗi sinh nhật của trẻ nếu ngày sinh nhật trùng vào ngày học.

Người mẹ sẽ gọi điện thoại tối đa 15 phút vào mỗi thứ Tư, vào khoảng giữa 6 đến 7 giờ tối.

Người mẹ sẽ đón các con từ nơi ở của người chồng vào đầu những thời điểm này và chở con trả về chỗ cũ vào cuối thời gian này.

Có thể thấy tại Australia, các cặp vợ chồng khi ly hôn cần thống nhất để đưa ra thỏa thuận nuôi dạy con chung dựa trên nhiều yếu tố bao gồm như độ tuổi, tâm sinh lý, khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày hay những nhu cầu đặc biệt như trường học, môi trường chỗ ở, các nhu cầu văn hóa, thể chất và đặc biệt là sự an toàn của con chung. Các thỏa thuận chi tiết này đều được tư vấn bởi những chuyên gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý về hôn nhân và gia đình với mục đích đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ.

3. Kiến nghị cho Việt Nam

Pháp luật Việt Nam về hôn nhân gia đình có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bên cạnh đó Luật cũng ghi nhận quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp và người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, ngoài quy định chung trên thì pháp luật về hôn nhân gia đình cũng như thực tiễn xét xử chưa xác định một cách chi tiết, cụ thể về các thỏa thuận nuôi con sau ly hôn.

Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn đều không có cái nhìn thiện cảm đối với người từng là vợ chồng của mình, thậm chí nảy sinh tâm lý thù ghét, sau giành quyền nuôi con đã chấm dứt mọi quan hệ với người vợ chồng trước đây, đặc biệt là việc thăm nom con chung của người không trực tiếp nuôi con.

Thiết nghĩ, cần bổ sung những hướng dẫn, quy định chi tiết về các thỏa thuận nuôi con, chăm nom con tương tự những ví dụ ở trên tại Australia đối với quá trình xem xét, quyết định giải quyết các vụ việc ly hôn ở Việt Nam. Các thỏa thuận nuôi con chung cần phải được lên kế hoạch rất chi tiết với các kế hoạch nuôi dạy con chung cụ thể trong từng giai đoạn tùy theo độ tuổi của con chung như nơi ở, chỗ học tập, vui chơi và đặc biệt là thỏa thuận chi tiết về việc thực quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con với thời gian rõ ràng và địa điểm cụ thể.

Thỏa thuận nuôi dạy con chung được hình thành sớm sẽ là cơ sở nền tảng, quan trọng để cả cha mẹ cùng tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc con chung của mình cho dù quan hệ hôn nhân của họ đã kết thúc. Đây không chỉ là những thỏa thuận giữa học với nhau mà còn là những cam kết, lời hứa vì những điều tốt đẹp nhất mà họ mong muốn dành cho con chung.

Việc đảm bảo tuân thủ các thỏa thuận này không chỉ tránh những hành vi cản trở quyền thăm nuôi con mà còn tạo một cơ chế giám sát, tránh việc lạm dụng quyền trực tiếp nuôi con để gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Quá trình này sẽ hạn chế những trường hợp đáng tiếc như việc trẻ không được quan tâm, chăm sóc tốt thậm chí bị bạo hành mà chính cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con lại không hề hay biết.

Trong thời gian tới, bên cạnh sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về thỏa thuận về nuôi con chung, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm về ly hôn cũng như việc chăm sóc con chung sau ly để tạo tiền đề quan trọng để góp phần bảo vệ tối ưu quyền và lợi chính đáng con chung – đối tượng dễ bị tổn thương nặng nề nhất sau khi cha mẹ ly hôn./.

 

Bà mẹ và các con - Nguồn: The Australian

Th.s LÂM BÁ KHÁNH TOÀN (Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ)