Bất cập trong việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Khoản 2 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết qủa hòa giải, đối thoại “không” được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Đây chính là điểm mấu chốt cần phải bàn và có hướng sửa đổi khắc phục để thực hiện trong thực tiễn.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các bên đương sự tự thỏa thuận, giải quyết toàn bộ vụ việc trên nguyên tắc tự nguyện, chia sẽ, đồng cảm với nhau; hàn gắn tình cảm, giữ mối quan hệ tình cảm giữa các đương sự, tình làng, nghĩa xóm và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thông qua hòa giải, đối thoại thành giúp việc giải quyết vụ việc triệt để; Tòa án không phải qua khâu thụ lý, hòa giải, mở phiên tòa xét xử và không phải trải qua thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của các bên đương sự và của Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa công nhận bằng thủ tục nhanh gọn và có giá trị pháp lý thi hành như bản án. Vì kết quả giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại được các bên đương sự hoàn toàn tự nguyện thi hành, thậm chí thi hành ngay tại phiên hòa giải (ví dụ bị đơn trả tiền nợ ngay tại phiên hòa giải cho nguyên đơn; hay qua phân tích, giải thích của hòa giải viên thì vợ chồng nhìn nhận được sai trái của mỗi người mà bỏ qua cho nhau để về sống đoàn tụ, xây dựng hạnh phúc gia đình, con cái không phải gánh hậu qủa cảnh thiếu tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ, anh chị em không chịu cảnh chia ly.…).

Nếu trong quá trình Hòa giải viên hòa giải, đối thoại mà các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ việc thì Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải, đối thoại ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Nhưng sau khi hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại vụ việc mà thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án chúng tôi thấy có những bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết qủa hòa giải, đối thoại “không” được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Đây chính là điểm mấu chốt cần phải bàn và có hướng sửa đổi khắc phục để thực hiện trong thực tiễn.

Thực tiễn hiện nay ở một số Tòa án các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa biên chế ít, thậm chí có đơn vị chỉ có 4 biên chế (gồm 1 Thẩm phán đồng thời là Chánh án, có đơn vị chỉ có 1 Phó chánh án phụ trách; 2 thư ký, 1 kế toán. Ví dụ như TAND huyện Tây giang của tỉnh Quảng Nam chỉ có 1 Thẩm phán đồng thời là Chánh án của đơn vị hoặc Toà án huyện Nam Trà My chỉ có 1 Thẩm phán đồng thời là Phó Chánh án phụ trách,…) mà Chánh án hoặc Phó chánh án phụ trách của đơn vị trực tiếp hòa giải, đối thoại thì theo quy định này lại phải chuyển vụ việc cho Tòa án tỉnh thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (vì đơn vị không còn Thẩm phán nào khác). Nếu trường hợp các đơn vị này nhiều vụ việc được tiến hành hòa giải, đối thoại không thành thì đều phải chuyển cho Tòa án tỉnh thì sẽ dồn án cho Tòa án tỉnh.

Từ bất cập trên, theo quan điểm của chúng tôi nên sửa theo hướng:“Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính” thành “Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết hòa giải, đối thoại vẫn được giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính” (bỏ từ “không được…” thành “vẫn được….”).

Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại mà không thành và khi chuyển thành vụ án thì Thẩm phán đó vẫn được tiến hành giải quyết vụ việc đó theo quy định, vì không thuộc trường hợp vụ án mà Thẩm phán đó đã ra quyết định đình chỉ vụ án hay bị hủy án và cũng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 52, 53 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 45, 46 Luật Tố tụng hành chính. Hơn nữa, Thẩm phán đã được phân công phụ trách hòa giải, đối thoại nắm kỹ tình tiết của vụ việc nên khi giải quyết có nhiều thuận lợi hơn.

 

 TAND huyện Phước Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Lan Phương

 

PƠ LOONG ĐẾCH (Chánh án TAND huyện Phước Sơn, Quảng Nam)