Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn – Thực trạng và hướng hoàn thiện

Pháp luật của tất cả các quốc gia đều quy định rằng, hợp đồng được ký kết do bị nhầm lẫn có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên bị nhầm lẫn hoặc theo yêu cầu của các bên trong trường hợp các bên đều nhầm lẫn. Tuy nhiên, pháp luật các nước khác nhau, lại có các quy định, tiếp cận, và đánh giá không giống nhau.

1.Thực trạng quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn

Nhầm lẫn là điều kiện để hợp đồng vô hiệu là một trong nội dung phức tạp trong pháp luật hợp đồng [1], bởi lẽ nhầm lẫn cũng có thể không là điều kiện để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Pháp luật của tất cả các quốc gia đều quy định rằng, hợp đồng được ký kết do bị nhầm lẫn có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên bị nhầm lẫn hoặc theo yêu cầu của các bên trong trường hợp các bên đều nhầm lẫn. Tuy nhiên, pháp luật các nước khác nhau, lại có các quy định, tiếp cận, và đánh giá không giống nhau [2].

Vấn đề hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn được quy định tại Điều 126 BLDS 2015 có những sự thay đổi bổ sung so với Điều 131 BLDS 2005. Trước đây, Điều l3l BLDS 2005 quy định” Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này”. Hiện nay, Điều 126 BLDS 2015 theo hướng: “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được”. Dù là BLDS nào thì pháp luật hợp đồng nước ta đều không đưa ra khái niệm về nhầm lẫn nhưng lại khẳng định nhầm lẫn là yếu tố có thể đưa đến giao dịch vô hiệu.

Có quan đỉểm cho rằng, nhầm lẫn là những trường hợp hợp đồng được ký kết nhưng ý chí của một hoặc của các bên được hình thành không đúng vì nhiều lý do khác nhau. Nhầm lẫn có thể do các bên chưa thoả thuận hết mọi điều khoản của hợp đồng, có thể do các bên không thể hiện sự cẩn thận cần phải có, cũng có thể do sự tự tin thái quá của chủ thể hoặc hành vi của người thứ ba. Ý kiến khác cho rằng, nhầm lẫn có nghĩa là hợp đồng được ký kết không phản ánh ý chí đích thực của các bên, không có khả năng mang lại kết quả mà các bên hướng đến tại thời điểm ký kết hợp đồng [3]. Các nhà bình luận BLDS năm 2005 định nghĩa nhầm lẫn là sự không trùng hợp ý chí được thể hiện với mong muốn thật sự của người thể hiện ý chí [4]. Chính điều này,việc coi nhầm lẫn là căn cứ tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong BLDS nhưng BLDS lại không định nghĩa khái niệm này và thực tiễn đôi khi gặp khó khăn hay không thực sự rõ ràng khi xác định nhầm lẫn tồn tại hay không. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Tòa án kết luận có nhầm lẫn nhưng phân tích kỹ thì kết luận về sự có tồn tại hay không “nhầm lẫn” có thể khác. Ví dụ, theo ông Thăng trình bày, ngày 22/9/2005, ông và ông Lê Viết Hùng ký kết hợp đồng thuê nhà với nội dung: Ông Hùng cho ông thuê toàn bộ căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận BT, giá thuê mỗi tháng 5.000.000 đồng, tiền thuê nhà thanh toán 03 tháng 01 lần và đặt cọc 03 tháng tiền thuê nhà để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Sau đó đôi bên có tranh chấp và theo Tòa án, “xét thấy, căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận BT do ông Lê Viết Hoa và bà Tô Ánh Tuyết là chủ sở hữu. Ông Hoa và bà Tuyết chết không để lại di chúc và bà Trinh, bà An không có ủy quyền cho ông Hùng. Do đó, ông Hùng ký kết hợp đồng cho ông Thăng thuê căn nhà và ký nhận đặt cọc thuê nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận BT là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập” . Ở đây, Tòa án đã cho rằng có “nhầm lẫn” và đã tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở Điều 141 và khoản 2, Điều 146 BLDS năm 1995, quy định về nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng. Tại sao lại có nhầm lẫn ở đây? Nhầm lẫn về cái gì? [5].

Như vậy, theo quy định của BLDS năm 2015 thì nhầm lẫn là điều kiện cần, không đạt được mục đích của giao dịch là điều kiện đủ để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Như vậy, BLDS năm 2015 chỉ quan tâm đến hậu quả của việc nhầm lẫn dẫn đến không đạt được mục đích của giao dịch. Nếu như quy định của BLDS năm 2005 là quá đơn giản, chưa đề cập đến mọi khía cạnh của nhầm lẫn, thì quy định của BLDS năm 2015 là không rõ ràng và thiếu tính hợp lý, vì quy định không cho biết thế nào là nhầm lẫn và không thể chỉ căn cứ vào việc có đạt được mục đích của giao dịch hay không để yêu cầu tuyên vô hiệu [6].

Bên cạnh đó, pháp luật dân sự hiện hành không quy định nhầm lẫn về chủ thể. Trong thực tiễn, có một số vụ việc có nhầm lẫn nhưng không phải nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà là nhầm lẫn về chủ thể. Ví dụ, ngày 21/4/2006, giữa ông Thảo và bà Kim có ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác thành lập Công ty cổ phần đầu tư thẩm mỹ Xuân Trường (Công ty) với các điều khoản như sau: Bà Kim góp vốn bằng căn nhà số 139 AB Nguyễn Trãi…, còn ông Thảo góp vốn bằng tiền sửa chữa mặt bằng, đầu tư trang thiết bị và đầu tư thành lập công ty. Công ty đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng, thì đầu tháng 7/2006, bà Kim tự ý đóng cửa Công ty, ngưng hợp đồng với ông Thảo trước thời hạn, tự ý cất giấu toàn bộ hồ sơ giấy phép, dấu mộc của công ty và khoá cửa không cho nhân viên của nguyên đơn vào làm việc. Nay do bà Kim vi phạm hợp đồng gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Thảo, nên ông Thảo khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đồi bồi thường thiệt hại phát sinh. Sau khi xem xét vụ việc, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hợp đồng hợp tác giữa ông Thảo và bà Kim là vô hiệu do nhầm lẫn do ông Thảo không phải là bác sĩ nên bị nhầm lẫn y ngoại tổng quát với phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ngay từ khi xác lập hợp đồng thỏa thuận hợp tác [7].

Nhầm lẫn về chủ thể của hợp đồng là sự nhầm lẫn của một hoặc hai bên chủ thể tham gia hợp đồng về chủ thể tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng. Trong quá trình xác lập hợp đồng thì việc xác lập đúng chủ thể trong hợp đồng là hết sức cần thiết, không những giúp dễ thực hiện hợp đồng mà còn xác định quan hệ tranh chấp phát sinh (nếu có) sau này. Pháp luật một số nước đã có quy định hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nhưng chỉ trong trường hợp nhất định, khi yếu tố chủ thể đóng vai trò quyết định đến việc giao kết hợp đồng. Theo BLDS Pháp, không phải sự nhầm lẫn nào về người nào cũng gây ra việc vô hiệu của hợp đồng, mà chỉ cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nếu đó là nhầm lẫn về những yếu tố quan trọng của đối tác và khi nhân thân của đối tác có vai trò quan trọng đối với quyết định của giao kết hợp đồng. Các giải thích về điều luật này và án lệ của Pháp cho thấy có những loại hợp đồng có thể bị vô hiệu bởi nhầm lẫn về người như hợp đồng không có đền bù, hợp đồng ủy quyền có thù lao, hợp đồng lao động, hợp đồng bán hàng trả chậm [8] …

Từ những phân tích trên, có thể nói rằng, nhầm lẫn không chỉ nên xác định căn cứ vào mục đích của giao dịch có đạt được hay không và không phải mọi nhầm lẫn làm cho một hoặc các bên không đạt được mục đích của giao dịch đều là căn cứ để yêu cầu toàn án tuyên bố giao dịch (hợp đồng) vô hiệu.

2. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn

Theo Điều 126 BLDS 2015 thì tiêu chí có hay không đạt được mục đích của giao dịch dân sự để xác định nhầm lẫn là điều kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, thưc tế có phải trong mọi trường hợp, khi một hoặc các bên của giao dịch không đạt được mục đích của giao dịch thì đều có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và không có ngoại lệ cho trường hợp này? BDLS 2015 không có câu trả lời cụ thể về vấn đề này. Tham khảo kinh nghiệm các nước, chúng tôi thấy rằng có nhiều lý do dẫn đến nhầm lẫn, cụ thể:

Thứ nhất, một bên bị nhầm lẫn do bên kia cung cấp thông tin không xác thực nhưng bên đó đã không biết và không buộc phải biết những thông tin mà họ cung cấp là không xác thực. Loại nhầm lẫn này được quy định rõ trong Nguyên tắc luật hợp đồng thương mại quốc tế và trong Nguyên tắc luật hợp đồng của châu Âu.

Thứ hai, nhầm lẫn do bên bị nhầm lẫn không biết và không buộc phải biết rằng họ bị nhầm lẫn khi giao kết hợp đồng và hậu quả là họ không đạt được mục đích của hợp đồng. Sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh hoặc khả năng nhận thức của bên bị nhầm lẫn. Trong trường hợp này, bên bị nhầm lẫn có thể có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bởi lẽ họ không nhận thức được hậu quả của hành vi.

Thứ ba, bên bị nhầm lẫn biết hoặc buộc phải biết rằng họ bị nhầm lẫn khi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, bên bị nhầm lẫn mặc dù không biết nhưng xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể họ buộc phải biết về khả năng họ bị nhầm lẫn nhưng đã không có những hành vi, biện pháp để khắc phục (trong tình huống này, những người bình thường khác sẽ không ký kết hợp đồng, thực hiện giao dịch). Như vậy, mặc dù không đạt được mục đích của hợp đồng nhưng bên bị nhầm lẫn không có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này được lý giải rằng, bên bị nhầm lẫn theo nguyên tắc buộc phải nhận thức được hậu quả của hành vi.

Thứ tư, có những lĩnh vực của hoạt động thương mại, có những hành vi được đặc trưng bởi sự nhầm lẫn, có nghĩa là nhầm lẫn thường xuyên xảy ra trong những tình huống đó và các bên của giao dịch biết và buộc phải biết về những tình huống này. Ví dụ, trên thị trường mua bán ô tô đã qua sử dụng thì người mua cần phải ý thức và phải biết rằng, nhầm lẫn là điều không tránh khỏi. Nhận thức được như vậy nhưng họ vẫn ký kết hợp đồng mua bán có nghĩa là họ chấp nhận rủi ro.

Như vậy, nhầm lẫn không chỉ nên xác định căn cứ vào mục đích của giao dịch có đạt được hay không và không phải mọi nhầm lẫn làm cho một hoặc các bên không đạt được mục đích của giao dịch đều là căn cứ để yêu cầu toàn án tuyên bố giao dịch (hợp đồng) vô hiệu [9]. Điển hình, các nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế cho rằng: “Nhầm lẫn là một nhận thức nhầm liên quan tới các sự kiện hoặc pháp luật đang tồn taị khi hợp đồng được giao kết (Điều 3.4). Đối với hai loại nhầm lẫn như định nghĩa tại điều này, Unidroit chủ trương đưa ra một số giải pháp pháp lý giống nhau cho chúng bởi xuất phát từ suy tình rắng: các hệ thông pháp luật hiện đại ngày càng phức tạp gây khó khăn lớn cho thương mại quốc tế, nên định hướng nhầm lẫn về tính tiết của hợp đồng hoặc về pháp luật dẫn tới việc hình dung sai về tương lại của hợp đồng thì các quy định về nhầm lẫn được áp dụng. Trong hệ thống pháp luật Civils Law, điển hình Cộng hòa Pháp quy định về các giới hạn đối với hiệu lực của sự nhầm lẫn [Điều 1110, BLDS Cộng hòa Pháp 1804]: “Sự nhầm lẫn không thể là căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu nếu là nhầm lẫn về người mà mình có ý định giao kết, trừ phi việc xem xét nhân thân người đó là căn cứ chính của việc giao kết hợp đồng”. Các giải thích về điều luật này và án lệ Pháp cho thấy không phải sự nhầm lẫn nào về người nào cũng gây ra việc vô hiệu của hợp đồng, mà chỉ cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nếu đó là nhầm lẫn về những yếu tố quan trọng của đối tác và khi nhân thân của đối tác có vai trò quan trọng đối với quyết định của giao kết hợp đồng [10].

1.Dương Anh Sơn (2011), “Quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn và vấn đề nâng cao vai trò giải thích pháp luật của thẩm phán”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 1(62), tr.23-30.
2.Nguyễn Văn Luyện, Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2011), “Giáo trình Luật hợp đồng thương mại quốc tế”, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.45.
3.Dương Anh Sơn (2011),” tlđd”, tr.23-30.
4.Hoàng Thế Liên (2010), “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam. Tập 1”,NXB Chính trị Quốc gia, tr.300.
5.Đỗ Văn Đại (2009), “Nhầm lẫn trong chế độ hợp đồng: những bất cập và hướng sửa đổi bộ luật Dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 22 (159), tr.30-36.
6.Dương Anh Sơn (2017), “Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn theo bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật,Số 3, tr. 48-53.
7.Bản án số 2007/KDTM-ST ngày 18/10/2007 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty về hợp đồng góp vốn.
8.Phạm Thị Hồng Mỵ (2017), “Cần bổ sung khái niệm nhầm lẫn và nhầm lẫn về chủ thể vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí dân chủ và pháp luật điện tử, [http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=185], ( truy cập ngày 22/22/2019)
9.Dương Anh Sơn (2017), “tlđd”, tr. 48-53.
10.Phạm Thị Hồng Mỵ (2017), “tlđd”, (truy cập ngày 22/11/2019)

TRỊNH TUẤN ANH (GV. Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)