Tội mua bán người và tội mua bán trẻ em theo quy định của BLHS tương thích với pháp luật quốc tế
Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 của các Điều 150 “Tội mua bán người” và Điều 151 “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” BLHS Việt Nam không tương thích với các văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tác giả đề nghị thiết kế Điều luật. Ý kiến này không thỏa đáng.
1. Bổ sung thêm hành vi và mục đích
Tại Hội thảo về “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Phần các tội phạm BLHS năm 2015 – Chuẩn mực quốc tế, pháp luật, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra” do Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội tố chức tháng 6 năm 2022, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 của các Điều 150 “Tội mua bán người” và Điều 151 “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” BLHS Việt Nam không tương thích với các văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tác giả đề nghị thiết kế lại theo hướng bỏ quy định tại điểm a và c, giữ lại điểm b khoản 1 của các Điều luật nêu trên nhưng bổ sung thêm hành vi tuyển mộ, vận chuyển và chứa chấp người như sau:
“Điều 150. Tội mua bán người từ đủ 18 tuổi trở lên
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người từ đủ 18 tuổi trở lên để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác, thì bị phạt tù từ 05 đến 10 năm…
Và “Điều 151. Tội mua bán người dưới 18 tuổi
1. Người nào tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác, thì bị phạt tù từ 07 đến 12 năm…[1]
Lý do của việc đề xuất nêu trên, theo tác giả là quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 của các Điều 150 “Tội mua bán người” và Điều 151 “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” BLHS Việt Nam không tương thích với các văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người mà Việt Nam đã tham gia. Vì quy định của pháp luật quốc tế về tội buôn bán người đòi hỏi dấu hiệu bắt buộc là “mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác” nhưng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 của các Điều luật nêu trên không đòi hỏi phải có là “mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác” [2].
2. Không nên tạo ra khoảng trống
Chúng tôi cho rằng, văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam đã tham gia Công ước và Nghị định thư (nêu trên) do vậy phải ban hành pháp luật và các biện pháp cần thiết khác để coi các hành vi được đề cập trong Công ước là tội phạm, trong đó có hành vi “buôn bán người”. Khái niệm “buôn bán người” được quy định tại Điều 3 Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như sau:
“a) “Buôn bán người” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cướng bức nô lệ hay những hình thức tương tự như nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể;
b) Sự chấp thuận của một nạn nhân trong việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu trong khoản (a) là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào được nêu trong khoản (a) đã được sử dụng;
c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần đến bất kỳ hình thức nào được nói trong khoản (a) điều này;
d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.”
Như vậy, theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thì để bị coi là phạm tội buôn bán người đòi hỏi phải có đủ các dấu hiệu về hành vi, phương thức thực hiện và mục đích. Theo đó, về hành vi thì buôn bán người được thể hiện bởi một trong các hành vi: chuyển giao; tiếp nhận; tuyển mộ; vận chuyển; chứa chấp. Về phương thức (thủ đoạn), thì các hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn: sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Về mục đích, thì mục đích của hành vi buôn bán người là “bóc lột” bao gồm: bóc lột bằng cách bắt hành nghề mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dực khác; cưỡng bức lao động hoặc cung cấp dịch vụ, bao gồm lao động để trả nợ hoặc gán nợ; lao động nô lệ hoặc các hình thức tương tự; phục dịch như nô lệ, bao gồm nô lệ tình dục; lấy tạng; sử dụng cho hoạt động trái pháp luật hoặc phạm tội; cưỡng bức hôn nhân hoặc biến thành nô lệ thông qua hôn nhân; cưỡng bức hoặc cướng ép đi ăn xin; bắt tham gia vào xung đột vũ trang v.v… Tuy nhiên, việc nội luật hóa các nội dung pháp luật quốc tế phải bằng ngôn ngữ và phù hợp với thực tiễn pháp luật Việt Nam. Theo đó:
- Thứ nhất, về ngôn ngữ thì từ “buôn bán người” và từ “mua bán người” là hai từ được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Trong đó: “Buôn bán người” là hành vi mua đi bán lại người nhiều lần và có tính chất chuyên nghiệp; Còn “mua bán người” là hành vi mua hoặc bán hoặc cả hai hành vi này một lần hoặc nhiều lần. Do vậy, nếu sử dụng từ “buôn bán người” thì sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp mua hoặc bán hoặc cả hai hành vi này một lần. Cho nên, BLHS Việt Nam sử dụng từ “mua bán người” là chính xác và phù hợp để có cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi mua hoặc bán hoặc cả hai hành vi này một lần hoặc nhiều lần (buôn bán).
Cũng về mặt ngôn ngữ, thì quy định tại điểm a “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” và c “Tuyển mộ, vân chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a (Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác)..” khoản 1 của các Điều 150 và Điều 151 BLHS cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện các hành vi nêu trên với bất kể mục đích gì, trong đó có mục đích “bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác”.
Ví dụ: Gia đình Nguyễn Văn A là người có điều kiện kinh tế nhưng lại không có con; còn gia đình Nguyễn Văn B là người không có điều kiện kinh tế nhưng lại có nhiều con. Với mục đích để có con và nuôi dạy tốt hơn nên Nguyễn Văn A đã đưa tiền cho Nguyễn Văn C để Nguyễn Văn C bắt con của gia đình Nguyễn Văn B giao cho mình nuôi. Mặc dù mục đích của Nguyễn Văn A là “nhân đạo” đối với con của gia đình Nguyễn Văn B nhưng rõ rằng hành vi nêu trên là hành vi mua bán người. Nếu tại điểm a khoản 1 của các Điều 150 và Điều 151 BLHS quy định phải có mục đích là “bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác”, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn C về Tội mua bán người.
- Thứ hai, về thực tiễn pháp luật thì hành vi mua bán người (mua bán phụ nữ) đã được BLHS năm 1985 quy định là tội phạm. BLHS năm 1999 cũng quy định hành vi mua bán người và mua bán trẻ em là tội phạm (mặc dù chưa tương thích với Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia vì chưa tham gia Nghị định thư (nêu trên)[3].
Đến BLHS năm 2015, thì hành vi mua bán người tiếp tục được quy định là tội phạm và sự mô tả hành vi phạm tội này tại khoản 1 của các Điều 150 và 151 BLHS không những tương thích với quy định của pháp luật quốc tế (mà Việt Nam tham gia) mà còn phù hợp với thực thiễn ngôn ngữ cũng như thực trạng (hành vi mua bán người) xảy ra ở Việt Nam.
3. Kết luận
Như vậy, với quy định tại khoản 1 của các Điều 150 và 151 BLHS, thì một người bị coi là phạm tội mua bán người hoặc tội mua bán người dưới 16 tuổi không chỉ đối với trường hợp thực hiện hành vi mua bán người nhỏ lẻ (một lần) mà còn cả đối với trường hợp thực hiện hành vi mua bán người nhiều lần (buôn bán) như quy định của Công ước quốc tế. Về mục đích, thì quy định của BLHS nước ta cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi mua bán người không chỉ với mục đích “bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác” mà còn đối với trường hợp không nhằm mục đích nêu trên. Do vậy, nếu sửa đổi khoản 1 của các Điều 150 và Điều 151 theo quan điểm nêu trên cử diễn giả tại Hội thảo về “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 – Chuẩn mực quốc tế, pháp luật, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra” do Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội tố chức tháng 6 năm 2022 sẽ tạo một khoảng trống của pháp luật và không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô đạo đức khác.
Tòa án tỉnh Cao Bằng xét xử bị cáo Đặng Mùi Pham về tội Mua bán người dưới 16 tuổi - Ảnh: Cao Cường
[1] Xem: Kỷ yếu Hội thảo về “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 – Chuẩn mực quốc tế, pháp luật, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra” do Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Tháng 6 năm 2022, Tr. 187-188
[2] Xem: Kỷ yếu Hội thảo về “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 – Chuẩn mực quốc tế, pháp luật, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra” do Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Tháng 6 năm 2022, Tr. 177.
[3] Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia vào ngày 08 tháng 6 năm 2012.
Bài liên quan
-
Góp ý hoàn thiện ấn phẩm điện tử “Hành trình công tố vụ án mua bán người dưới 16 tuổi qua biên giới”
Tài liệu tham khảo trong giải quyết các vụ án mua bán người -
Tòa án nhân dân các cấp đảm bảo xét xử các vụ án về mua bán người đúng thời hạn, đúng pháp luật
Hệ thống TAND hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2024 -
Đoàn công tác Agribank thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân vụ hỏa hoạn tại Trung Kính
-
BVĐK Trung ương Cần Thơ: Cứu sống nạn nhân chiếc kéo đâm xuyên cổ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận