Về trách nhiệm hình sự của cá nhân quy định trong BLHS năm 2015 và những vấn đề đặt ra

Việc nghiên cứu thực trạng quy định của BLHS năm 2015 và chỉ ra những hạn chế, bất cập của các quy định này có ý nghĩa rất lớn đối với hoàn thiện pháp luật hình sự. Bài viết này tác giả nghiên cứu về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện tội phạm.

1. Cơ sở trách nhiệm hình sự của cá nhân và những điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện tội phạm

Cơ sở trách nhiệm hình sự của cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 2 BLHS. Theo đó: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, không phải cứ thực hiện một (hành vi nguy hiểm cho xã hội được nêu trong một tội phạm cụ thể thuộc Phần các tội phạm BLHS) tội phạm là phải chịu trách nhiệm hình sự. Để phải chịu trách nhiệm hình sự do đã thực hiện một tội phạm cụ thể được quy định tại Phần các tội phạm, thì cá nhân phải thỏa mãn các điều kiện về: Chủ thể, lỗi và không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Các điều kiện đó về cơ bản được quy định tại Phần chung của BLHS. Theo đó:

- Về chủ thể, thì người thực hiện tội phạm phải là người đạt độ tuổi do BLHS quy định và là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

+ Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì tại Điều 12 BLHS quy định:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Trong Phần các tội phạm BLHS có 5 điều luật quy định “Người từ đủ 18 tuổi trở lên…(nêu hoặc mô tả hành vi phạm tội), bị phạt…. (nêu chế tài)” ở cấu thành định tội. Đó là quy định tại các Điều 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 146 (Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi), Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm), Điều 325 (Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp) và Điều 329 (Tội mua dâm người dưới 18 tuổi). Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trởi lên không phải chịu trách nhiêm hình sự về 05 tội phạm nêu trên mà chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 309/314 tội phạm cụ thể được quy định tại Phần các tội phạm BLHS.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì tại khoản 2 Điều 12 BLHS quy định phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều luật được liệt kê tại khoản 2 Điều luật này. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là trên 7 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

BLHS cũng quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội. Theo quy định tại Điều 14 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 BLHS. Người từ đủ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm Tội giết người và Tội cướp tài sản quy định tại Điều 123 và Điều 168 BLHS. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp thì tại khoản 2 Điều 14 BLHS lại quy định “Người chuẩn bị phạm tội… thì phải chịu trách nhiệm hình sự” là chưa chính xác vì cụm từ “Người phạm tội” ở đây bao gồm cả người từ đủ 14 tuổi trở lên (đã được quy định tại khoản 3 Điều luật này). Do vậy, sẽ là hợp lý nếu sửa đổi khoản 2 Điều 14 BLHS theo hướng bổ sung từ “từ đủ 16 tuổi trở lên” vào sau từ “Người” như sau:

“2. Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 BLHS”.

+ Về năng lực trách nhiệm hình sự, thì trong BLHS không có điều luật nào quy định về khái niệm năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên tại Điều 21 BLHS lại quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, năng lực trách nhiệm hình sự đ­ược Nhà nước ta quy định theo ph­ương pháp loại trừ, tức là khẳng định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là gì và nếu không phải là tình trạng đó, thì là tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, thì tên Điều 21 BLHS là “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” nhưng nội dung của Điều luật lại không định nghĩa “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” mà chỉ nêu nội hành của tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ nêu chính sách hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là “không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do vậy sẽ là hợp lý, nếu sửa đổi Điều 21 BLHS theo hướng tách thành 2 khoản như sau:

Điều… Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người không có năng lực trách nhiệm hình sự.

2. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi không có năng lực trách nhiệm hình sự, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

- Về lỗi, thì người thực hiện hành vi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ có lỗi. Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và với hậu quả cho xã hội do hành vi đó gây ra. Lỗi được thể hiện dưới hình cố ý hoặc vô ý.

+ Cố ý phạm tội là phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:

Th­ứ nhất là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Thứ hai là, ngư­ời phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Vô ý phạm tội là phạm tội thuộc một trong những tr­ường hợp sau đây:

Một là, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

Hai là, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Như vậy, hiện nay mới có định nghĩa khoa học về lỗi (vì khái niệm lỗi mới chỉ được đề cập trong các Giáo trình luật hình sự, Bình luận khoa học BLHS và các công trình nghiên cứu khoa học về pháp luật hình sự) mà chưa có khái niệm pháp lý về lỗi. Vấn đề đặt ra ở đây, là trong BLHS có cần một định nghĩa pháp lý về lỗi hay không. Theo chúng tôi, thì không cần một định nghĩa pháp lý về lỗi, bởi lẽ tại Điều 8 BLHS quy định Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.., do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”. Do vậy, chỉ cần quy định thế nào là cố ý phạm tội, vô ý phạm tội và vấn đề này đã được quy định đầy đủ tại Điều 10 và 11 BLHS. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại không phải là con người mà là tổ chức kinh tế cho nên pháp nhân thương mại không có não như con người mà chỉ có tổ chức hoặc cá nhân lãnh đạo, điều hành hoạt động của pháp nhân và tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự là tội phạm được thực hiện bởi con người cụ thể. Hiện đã có quy định tại Điều 75 BLHS “Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”. Theo đó, về mặt chủ quan, thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi nguy hiểm cho xã hội do cá nhân thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại. Do vậy, cần phân biệt tội phạm với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo chúng tôi, thì tội phạm chỉ là hành vi do cá nhân thực hiện; còn trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là trách nhiệm của pháp nhân thương mại trong việc để cho một con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại. Nếu phân biệt tội phạm với trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng này, thì phải sửa khoản 1 Điều 8 BLHS theo hướng bỏ cụm từ “hoặc pháp nhân thương mại” ở khái niệm tội phạm. 

- Người thực hiện hành vi phạm tội không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại các Điều 16 và 29 BLHS, thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp sau đây: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.

Ngoài các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, tại khoản 2 Điều 29 BLHS còn quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Việc người phạm tội có được miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nêu trên hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tại khoản 3 Điều 29 BLHS quy định “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Quy định nêu trên có xung đột nhất định với quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS. Bởi lẽ, các tội phạm trong nhóm những vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại đều là các tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS. Việc người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự) cũng được hiểu là không yêu cầu khởi tố.

Ví dụ: Trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS. Người phạm đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và được người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Vậy áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS hay khoản 1 Điều 155 BLTTHS để giải quyết vụ án. Bởi lẽ, nếu áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội; Nếu áp dụng khoản 1 Điều 155 BLHS, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự (tức là không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội).

Ngoài ra, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì tại khoản 2 Điều 91 BLHS quy định“Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”. Đối chiếu với khoản 3 Điều 29 BLHS, thì quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS về điều kiện để người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự có sự trùng nhau. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, thì điều kiện về tội phạm để có thể được miễn trách nhiệm hình sự là “tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác” và “tội phạm nghiêm trọng do vô ý”. Còn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS, thì thì điều kiện về tội phạm để có thể được miễn trách nhiệm hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này”. Do vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự; còn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi tội phạm mà họ thực hiện là tội ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 29  BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý có thể được miễn trách nhiệm hình sự; còn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm mọi tội nghiêm trọng (cả do lỗi cố ý và lỗi vô ý), trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Vậy với nguyên tắc “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này” [1] thì trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội vừa có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 vừa có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng quy định nào để quyết định việc miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Việc phân biệt căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nêu trên là cần thiết. Bởi lẽ, mặc dù áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 hay quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS, thì người dưới 18 tuổi cũng được miễn trách nhiệm hình sự nhưng nếu miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS, thì người dưới 18 tuổi còn phải bị áp dụng một trong những biện pháp giám sát, giáo dục (Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng hoặc Giáo dục tại xã, phường, thị trấn).

- Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tội phạm do cá nhân thực hiện phải còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 27 và 28 BLHS quy định: Khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm; Nội dung thời hiệu (thời hạn) truy cứu trách nhiệm hình sự; Những trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Với những nội dung quy định tại Điều 27 và 28 BLHS, thì đã có đủ căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội.

 

Kỳ sau: Các biện pháp cưỡng chế hình sự 

 

TAND huyện Kiên Lương, Kiên Giang xét xử  theo thủ tục rút gọn vụ án chống người thi hành công vụ _ Ảnh: Thái Xuân Nguyên

 

[1] Xem: Bộ luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019,  Điều 90.

TS. NGUYỄN MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)