Về trách nhiệm hình sự của cá nhân quy định trong BLHS năm 2015... (Tiếp theo kỳ trước)

Đây là phần tiếp theo và hết bài nghiên cứu về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện tội phạm, với nội dung là các biện pháp cưỡng chế hình sự.

2.Các biện pháp cưỡng chế hình sự

2.1. Hình phạt

- Hình phạt đối với cá nhân phạm tội được quy định tại các Điều 30 - 32, 34 – 45, 98 - 101 BLHS. Về cơ bản những quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp và chính sách hình sự thì còn một số vấn đề cần nghiên cứu hoàn thiện:

+ Tại khoản 2 Điều 38 BLHS quy định “Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng”. Với nguyên tắc này, thì trong Phần các tội phạm phải quy định ít nhất là 2 loại hình phạt đối tội ít nghiêm trọng do vô ý. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 281 BLHS lại chỉ quy định duy nhất một hình phạt “tù từ 06 tháng đến 03 năm” đối với Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (là tội ít nghiêm trọng do vô ý). Vậy, đối với người có nơi cư trú rõ ràng và lần đầu bị tuyên bố (trong bản án kết tội) là phạm Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông nhưng không thuộc trường hợp được miễn hình phạt, thì áp dụng hình phạt nào đối với họ.

+ Tại đoạn 2 Điều 39 BLHS quy định “Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”; và khoản 2 Điều 40 BLHS quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội”. Theo chúng tôi, nội dung quy định tại đoạn 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 40 BLHS là thừa vì nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội đã được quy định tại Điều 101 BLHS.

+ Tại Điều 100 BLHS quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với: (1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng[1]. Để được áp dụng hình phạt này, thì người dưới 18 tuổi phạm tội cũng phải đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng. Điểm khác nhau cơ bản của nội dung hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội và hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội là: khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó; và thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định[2]. Ở đây có một vấn đề đặt ra cần nghiên cứu là cụm từ “… không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định”. Về ý nghĩa, thì cụm từ này quy định mức tối đa của thời hạn cải tạo không giam giữ mà Tòa án có quyền quyết định áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều kiện để Tòa án xác định mức tối đa của thời hạn cải tạo không giam giữ là quy định của điều luật (hoặc khoản của điều luật có nhiều khoản) ở Phần các tội phạm về mức cao nhất của khung hình phạt cải tạo không giam giữ có thể áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của nhiều điều khoản ở Phần các tội phạm thấy:

Thứ nhất, chỉ có một số tội phạm ít nghiên trọng (hoặc khoản của điều luật quy định tội phạm ít nghiêm trong) mới quy định mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ. Ví dụ: khoản 1 Điều 173 BLHS quy định chế tài áp dụng đối với người phạm tội trộm cắp tài sản là “… phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Với quy định như trên, thì Tòa án chỉ có thể quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tối đa là 18 tháng.

Thứ hai, ở các tội phạm nghiên trọng hoặc khoản của điều luật quy định tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ là chế tài áp dụng đối với người phạm tội.

Ví dụ thứ thứ nhất, khoản 2 Điều 173 BLHS quy định chế tài áp dụng đối với người phạm Tội trộm cắp tài sản là “… phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”; khoản 3 Điều 179 BLHS quy định chế tài áp dụng đối với người phạm Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là “… phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”. Theo quy định tại Điều 100 BLHS, thì có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm Tội trộm cắp tài sản (3 Điều 173 BLHS) và Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 179 BLHS) vì: Tội phạm quy định tại 2 Điều 173 BLHS là tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm quy định tại 3 Điều 173 BLHS là tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Vậy, nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm Tội trộm cắp tài sản quy định tại 3 Điều 173 BLHS hoặc phạm Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 179 BLHS, thì mức hình phạt cải tạo không giam giữ cao nhất mà Tòa án được áp dụng là bao nhiêu?

Ví dụ thứ hai, khoản 3, 4 và 5 Điều 134 BLHS quy định chế tài áp dụng đối với người phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác lần lượt là “… phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”, “… phạt tù từ 07 năm đến 14 năm” “… phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134 BLHS; trong đó có các tội quy định tại khoản 3, 4 và 5 của Điều luật này. Theo quy định tại Điều 100 BLHS, thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 3 và 4 Điều 134 BLHS. Vậy, nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 3 và 4 Điều 134 BLHS, thì mức hình phạt cải tạo không giam giữ cao nhất mà Tòa án được áp dụng là bao nhiêu?

+ Một vấn đề liên quan đến hình phạt là việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Theo quy định tại Điều 56 BLHS, thì có hai trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án: (1) Khi đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này; (2) Khi đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới. Như vậy, tại Điều 56 BLHS mới chỉ quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này mà chưa quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này bao gồm: (1) Đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này; (2) Đang tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 65 BLHS quy định trường hợp đang chấp hành án treo mà thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS; Tại khoản 2 Điều 67 BLHS quy định trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS. Như vậy, còn hai trường hợp cần thiết nhưng chưa được BLHS quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Đó là: (1) Trường hợp một người đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này; (2) Trường hợp một người đang được tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này.

Hiện nay, TANDTC mới chỉ hướng dẫn “Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 2 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn “người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”[3] là không ổn. Bởi lẽ:

 Thứ nhất, nếu hình phạt áp dụng đối với tội phạm được thực hiện trước khi được hưởng án treo là tù giam, tù chung thân thì không thể cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù giam hoặc tù chung thân để thi hành án treo xong mới thi hành. Còn nếu thi hành hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì không thể nói rằng người đó sẽ đương nhiên được chấp hành án treo trong trại giam;

 Thứ hai, mặc dù Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo nêu “… do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự” nhưng Luật Thi hành án hình sự không có quy định nào về trường hợp này.

Theo chúng tôi, thi hành án treo không có nghĩa là người phạm tội chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Bởi lẽ, án treo không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Nghĩa là, người đang thi hành án treo chưa chấp hành hình phạt tù được tuyên trong bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Việc Tòa án cho được hưởng án treo trong điều kiện họ là người đã thực hiện hành vi phạm tội và tội phạm ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là không thỏa mãn điều kiện “nhân thân tốt”. Do vậy, về thủ tục tố tụng hình sự thì phải coi việc phát hiện người đó thực hiện tội phạm trước khi có bản án treo là tình tiết mới và là một trong những căn cứ kháng nghị tái thẩm để hủy bản án cho bị cáo được hưởng án treo và xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, nếu tiến hành tố tụng theo các thủ tục như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và mục đích cuối cùng cũng chỉ là không cho hưởng án treo đối với tội phạm đã xét xử và tổng hợp hình phạt của bản án xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án treo đó.

Đối với trường hợp đang hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì phải tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 56 BLHS.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị:

 Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 65 BLHS như sau:

“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm  nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

 Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 67 BLHS như sau:

“Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

2.2. Các biện pháp tư pháp và các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự

 - Các biện pháp tư pháp chung áp dụng đối với cán nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Các biện pháp tư pháp chung áp dụng đối với cả cán nhân và pháp nhân thương mại phạm tội là những biện pháp tư pháp được quy định tại các Điều 46, 47 và 48 BLHS, bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; Buộc công khai xin lỗi. Về cơ bản quy định tại Điều 46, 47 và 48 BLHS năm 2015 không khác về bản chất các quy định tại Điều 41 và 42 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp thì “Vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt” quy định tại khoản 2 Điều 47 là một  trong những “Vật, tiền do phạm tội mà có” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS nhưng việc xử lý vật, tiền này lại được quy định cả ở khoản 2 Điều 47 cả ở khoản 1 Điều 48 BLHS và đều là “trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Vậy cần áp dụng điều luật nào để tuyên trả lại chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp “vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt” ?

Để hoàn thiện quy định của BLHS về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và trả lại tài sản, sửa chữa, bồi thường thiệt hại cần nghiên cứu nội hàm của cụm từ “vật, tiền do phạm tội mà có”. Theo chúng tôi, thì căn cứ vào "thời điểm có được vật, tiền", có thể chia vật, tiền bạc do phạm tội mà có thành các loại: (1) Vật, tiền mà người phạm tội chiếm đoạt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội; (2) Vật, tiền mà người phạm tội có được sau khi định đoạt vật, tiền đã chiếm đoạt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (bao gồm: Vật, tiền  do mua bán, đổi chác những thứ đã chiếm đoạt mà có; Vật, tiền lời, lãi từ việc sử dụng trái phép tiền của Nhà nước, tập thể, cá nhân gửi tiết kiệm, cho vay lãi ...); (3) Vật, tiền của người khác thuê, thưởng cho người phạm tội vì đã thực hiện hành vi tội phạm theo yêu cầu của họ; (4) Vật, tiền là đối tượng chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có... Từ đó mới thiết kế chế tài áp dụng đối với từng loại “vật, tiền do phạm tội mà có”.

- Các biện pháp tư pháp chỉ áp dụng đối với cá nhân phạm tội. Các biện pháp tư pháp chỉ áp dụng đối với cá nhân phạm tội được quy định tại Điều 46, 49, 96 và 97 BLHS, bao gồm: Bắt buộc chữa bệnh; Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Về cơ bản, nội dung quy định tại Điều 49 BLHS về biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quy định tại Điều 96 và 97 BLHS năm 2015 về giáo dục tại trường giáo dưỡng không có thay đổi nhiều so với quy định tại Điều 43, 44 và 70 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, có một vấn đề về kỹ thuật lập pháp liên quan đến chính sách hình sự cần nghiên cứu. Bởi lẽ, theo quy định tại đoạn 2 Điều 44, thì “thời gian bắt buộc chữa bệnh” trước khi bị kết án và trong khi đang chấp hành hình phạt đều được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, nay theo quy định tại khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015, thì chỉ trừ “thời gian bắt buộc chữa bệnh” trong khi đang chấp hành hình phạt tù vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Còn “thời gian bắt buộc chữa bệnh” trước khi bị kết án (theo khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015) lại không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Để khắc phục bất cập này, cần tách đoạn 2 khoản 3 “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” Điều 49 BLHS thành một khoản độc lập.

- Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 93, 94 và 95 BLHS, bao gồm: Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. So với quy định của BLHS năm 1999, thì BLHS năm 2015 quy định một nhóm chế tài mới áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là “Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự”. Theo đó, biện pháp khiển trách và hòa giải là hai chế tài mới hoàn toàn; còn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chuyển từ vị trí là một trong những biện pháp tư pháp thay thế hình phạt thành một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 92 BLHS, thì “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này”. Theo chúng tôi, việc quy định Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” là không hợp lý. Bởi lẽ:

+ Thứ nhất, các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự. Về bản chất thì các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự không phải là biện pháp cưỡng chế hình sự. Bởi lẽ, điều kiện áp dụng các biệp pháp này là phải được người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý. Trong khi quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định miễm trách nhiệm hình sự khi có đủ điều kiện do BLHS quy định nhưng người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không đồng ý vì cho rằng họ không phạm tội thì sẽ giải quyết thế nào?. Mặt khác, vì không phải là biện pháp cưỡng chế hình sự nên Luật Thi hành án hình sự không quy định thủ tục thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.

+ Thứ hai, không phải trường hợp nào được miễm hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự, người dưới 18 tuổi phạm tội cũng bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Bởi lẽ, trong bốn trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và sáu trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự (được quy định tại Điều 16, 29 và 91BLHS), thì chỉ có trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS mới là trường hợp bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Cho nên, về kỹ thuật lập pháp, thì tên Mục 2 Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự” Chương XII BLHS có phạm vi điều chỉnh “là các trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự” là không chính xác.

+ Thứ ba, quy định nghĩa vụ của người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp” không bảo đảm tính khả thi. Vì không có quy định về việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự tại Luật Thi hành án hình sự.

 

Kỳ trước: Về trách nhiệm hình sự của cá nhân quy định trong BLHS năm 2015 và những vấn đề đặt ra


[1] Xem: Bộ luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, khoản 1 Điều 100.

[2] Xem: Bộ luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, khoản 2 Điều 100.

[3] Xem: Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Điều 7.

TS. NGUYỄN MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)