Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Nhận diện đối tượng khởi kiện trong các vụ án hành chính về quản lý đất đai” , tác giả Tô Thị Kim Nhung nêu nhận định: Những năm gần đây, các khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng gia tăng. Đặc biệt là, số vụ việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng gia tăng, đã gây nên các khiếu kiện bức xúc, kéo dài, tạo thành các điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận báo chí và xã hội. Trong khi đó, một số quy định trong các văn bản pháp luật nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng, còn khá chung chung, không rõ ràng, thiếu tính cụ thể, đặc biệt là, quy định về đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính  nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên dẫn đến việc hiểu không đúng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau .Việc áp dụng các quy định của Luật tố tụng hành chính vào giải quyết các  vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai còn chưa được thống nhất.

Để làm rõ những vấn đề lý luận về đối tượng khởi kiện và các tiêu chí để đánh giá tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong việc xác định đối tượng khởi kiện và tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện trong tố tụng hành chính. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào việc đưa ra một số ví dụ, kinh nghiệm thực tiễn thông qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao, góp phần vào việc nhận diện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện và đánh giá tính hợp pháp của chúng, từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng xét xử và tranh tụng trong các vụ án  hành chính.

Với bài viết: “Xác định đồng tác giả trong tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”, tác giả Nguyễn Phương Thảo cho rằng: Tác phẩm là những sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tri thức, khoa học công nghệ của nhân loại. Để làm nên một tác phẩm, ý tưởng sáng tạo có thể do một hoặc nhiều chủ thể cùng đóng góp công sức. Điều này khiến tri thức được nhân rộng và phát triển hơn, tác phẩm tạo ra cũng chứa đựng giá trị phong phú, đa dạng. Do vậy, trong trường hợp có từ hai người trở lên, cùng sáng tạo ra tác phẩm, thì những chủ thể này được công nhận là đồng tác giả, có các quyền nhân thân và tài sản đối với sản phẩm sáng tạo đó. Yếu tố cùng sáng tạo, đòi hỏi cần có sự thống nhất về ý tưởng và triển khai thực hiện ý tưởng đó trên thực tế. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích cơ sở lý luận và pháp lý về đồng tác giả; thực tiễn xét xử các tranh chấp liên quan đến đồng tác giả; từ đó đưa ra các kiến nghị cụ thể.

Trong bài viết: Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tác giả Nguyễn Thị Diệu Trinh cho rằng: Hiện nay, việc áp dụng mô hình hòa giải tại Tòa án trước khi xem xét thụ lý đã góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký có nhiều thời gian hơn để tập trung nghiên cứu, giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc trong bối cảnh biên chế cán bộ hệ thống Tòa án đang tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi hành án, cũng như tiết kiệm công sức, chi phí, thời gian cho các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2021) cho đến nay, việc áp dụng các quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án  để giải quyết các tranh chấp dân sự theo nghĩa rộng chưa đạt hiệu quả. Thể hiện: (1) Số lượng các vụ việc lựa chọn phương thức hòa giải tại Tòa án để áp dụng giải quyết tranh chấp còn thấp; (2) Số lượng các tranh chấp hòa giải thành tại Tòa án chưa cao; (3) Đa số các tranh chấp hòa giải thành là những tranh chấp có tính chất đơn giản, giá trị không lớn và có thể thi hành ngay; (4) Các vụ việc yêu cầu hòa giải và có tỷ lệ hòa giải thành cao chủ yếu thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, còn các loại tranh chấp khác như dân sự, kinh doanh thương mại và lao động chiếm tỷ lệ rất nhỏ; (5) Số vụ việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành chiếm tỷ lệ khá cao.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích để đưa ra các bình luận, đánh giá về những nguyên nhân của tình trang này, đó là nhận thức của nhân dân về cơ chế pháp lý mới liên quan đến hòa giải còn thấp, thiếu sự chủ động của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, số lượng và chất lượng Hòa giải viên chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động hòa giải gặp nhiều khó khăn.

Với bài viết: “Biến đổi khí hậu và pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tác giả Nguyễn Lâm Trâm Anh nêu quan điểm: Các vấn đề liên quan đến công bằng và công lý môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu  ngày nay tập trung vào sự phân bổ trách nhiệm. Theo đó, trách nhiệm thể hiện giá trị đạo đức, thái độ và hành vi của các bên liên quan đối với biến đổi khí hậu. Trong số những giải pháp thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CRS), các cam kết về môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu ngày càng được quan tâm và trở thành xu hướng tất yếu. Bài viết làm sáng tỏ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; qua đó, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy các cam kết của doanh nghiệp đối với các vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hội nhập ở Việt Nam hiện nay.

Trong bài viết: Xử phạt vi phạm hành chính và tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Đỗ Xuân Hải tập trung phân tích, luận bàn về các quy định của pháp luật từ đó cho rằng cần có thêm quy định mới về việc xử phạt hành chính đối với những hành vi “cho vay lãi suất dưới 100%/năm kể cả không cầm cố tài sản, hoặc những hành vi cho vay lãi suất gấp 05 lần lãi suất cơ bản, nhưng số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng trong trường hợp không cầm cố tài sản” để răn đe, phòng ngừa tình trạng cho vay lãi nặng. Để căn cứ vào đó, cá nhân vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này sẽ bị khởi tố khi tiếp tục vi phạm. Đồng thời, với việc phân tích quy định về tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”, tác giả cho rằng, trường hợp cho vay lãi nặng được thực hiện nhiều lần, nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính trên 100.000.000 đồng, đã áp dụng khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015 để xét xử bị cáo, thì không áp dụng tình tiết tặng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 nữa. Việc áp dụng này theo hướng có lợi cho bị cáo và đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015.

Với bài viết: “Xác định các hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015”  , tác giả Nguyễn Ngọc Thảo Phương nêu nhận định: Tôn trọng, bảo vệ đời sống riêng tư của cá nhân là nguyên tắc đạo đức, đồng thời là nguyên tắc của pháp luật trong một xã hội văn minh. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Pháp luật của hầu hết các quốc gia đều ghi nhận quyền này. Trên tinh thần đó, pháp luật Việt Nam có những quy định về tôn trọng, đảm bảo an toàn và bí mật đối với những thông tin riêng tư của cá nhân, gia đình của cá nhân. Tuy nhiên, việc xác định hành vi cụ thể nào bị xem là xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cần được nghiên cứu đầy đủ nhằm góp phần hoàn thiện những quy định liên quan đến quyền riêng tư và thống nhất áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Trên cơ sở phân tích những nội dung của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tác giả đưa ra cách xác định các hành vi xâm phạm, góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư của cá nhân tại Việt Nam.

Trong bài viết: “Nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống với tội phạm xâm phạm an ninh tổ quốc, tác giả Nguyễn Đình Ngãi - Vũ Mai Quỳnh nhận định: Quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, thông qua những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả. Thực tế cho thấy, quần chúng nhân dân ngoài khả năng đấu tranh phòng, chống với tội phạm, còn phát hiện, quản lý, giáo dục các loại tội phạm, bởi lẽ, những đối tượng hư hỏng, có biểu hiện vi phạm pháp luật hay sau khi mãn án tù, mãn hạn giáo dục tập trung đều sinh sống, cư trú trong cộng đồng xã hội, trong khu dân cư. Khi người dân có ý thức tự giác, có tinh thần chủ động trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc thì sẽ khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Trong bài viết: “Xét xử lại vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm - một số vướng mắc cần được hướng dẫn”, tác giả Lê Văn Luật nhận định: Thực tiễn xét xử cho thấy, việc giải quyết các vụ án dân sự được thụ lý, giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục khi thụ lý, giải quyết lại vụ án (ví dụ giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan); thông thường các Thẩm phán căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để lên kế hoạch tố tụng chi tiết cho từng vụ án cụ thể. Ví dụ: Nếu vụ án đã thi hành án xong thì phải xác minh tại cơ quan Thi hành án về kết quả thi hành án, ghi lời khai của các đương sự về kết quả thi hành bản án trước đó v.v.. để làm căn cứ giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có), vì bản án, quyết định trước khi bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì đã có hiệu lực thi hành một thời gian nhất định, nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án đã thi hành xong bản án, quyết định.

Trong nhiều trường hợp, do trước đó nguyên đơn đã được Tòa án xử thắng kiện, đã được thi hành án xong các quyền lợi theo yêu cầu của mình, nên sau khi bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (theo hướng bất lợi cho họ), đa phần nguyên đơn sẽ rút đơn khởi kiện hoặc Tòa án triệu tập nhưng nguyên đơn thường cố tình vắng mặt, không đến Tòa án để làm việc, điều này gây khó khăn nhất định cho các Thẩm phán khi giải quyết vụ án.

Với bài viết: “Thẩm quyền, hoạt động của Tòa án tối cao Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam” , tác giả Nguyễn Anh Hùng nhận định: Thẩm quyền giải thích có vai trò quan trọng, làm tăng tính độc lập và sự tác động của Tòa án tối cao đối với ngữ nghĩa, nội dung, giá trị, mức độ, hiệu quả của mọi quy định trong Hiến pháp và những đạo luật liên bang, khi mà chính các cơ quan lập pháp liên bang (đứng đầu bởi Quốc hội - thiết chế đã soạn thảo, thông qua Hiến pháp và những đạo luật) và các cơ quan hành pháp liên bang (đứng đầu bởi Tổng thống - thiết chế đã công bố, ban hành, thực thi Hiến pháp và những đạo luật đó) đều không được trang bị thẩm quyền giải thích này. Các Tòa án liên bang dưới Tòa án tối cao và tất cả Tòa án cấp bang, địa phương cũng có quyền giải thích Hiến pháp và luật liên bang, nhưng nếu vì thế mà vẫn xảy ra tranh cãi, thắc mắc, khiếu kiện… thì lời giải thích và quyết định của Tòa án tối cao sẽ là phán quyết cuối cùng về điều khoản cần giải thích thỏa đáng. Như vậy, Tòa án tối cao có thể giải thích ý nghĩa Hiến pháp và các đạo luật của Quốc hội theo ý mình và ảnh hưởng đến việc làm thế nào để những văn bản này được thông qua, ban hành. Hơn nữa, thực tế cho thấy, Tòa án tối cao thường ủng hộ mạnh mẽ chủ trương một liên bang mạnh và thống nhất, với hành vi tiêu biểu là giải thích Hiến pháp và luật liên bang Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho liên bang hơn cho các bang, các địa phương. Với việc phân tích về thẩm quyền của Tòa án Tối cao liên bang Hoa Kỳ và hoạt động của Tòa án Tối cao liên bang Hoa Ky, tác giả đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.   

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ

BTK