Khai mạc Triển lãm trực tuyến “Đường đến bình yên”

Ngày 21/12/2021, Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm trực tuyến tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, với chủ đề “Đường đến bình yên”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cùng Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND và bà Doyen Yun, Giám đốc chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam bấm nút khai mạc triển lãm

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương HLHPNVN, chủ trì Lễ khai mạc triển lãm; Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an; Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; Bà Doyen Yun, Giám đốc chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức di cư quốc tế, cơ quan di cư Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đơn vị đồng hành tổ chức triển lãm.

Cùng dự buổi Lễ khai mạc còn có đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành TW và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an cho biết trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người diễn ra rất phức tạp, nhất là người di cư trái phép. Theo cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc, trên thế giới có khoảng gần 250 triệu người di cư trái phép và con số này tiếp tục tăng do nhiều nguyên nhân như khủng bố, bạo lực…nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người. Khu vực tiểu vùng sông Mê Công là điểm nóng về vấn nạn này.

 

Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an phát biểu tại lễ khai mạc

Ở Việt Nam, thực tiễn đấu trang với loại tội phạm mua bán người cho thấy loại tội phạm này thường hình thành đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà xuất hiện cả tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng. Thủ đoạn chung là lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân để lừa bán sang nước ngoài. Do đó công tác phòng, chống mua bán người cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, thông qua sự phản ánh chân thực về tình trạng mua bán người; những câu chuyện sâu kín của các nạn nhân cùng với nỗi đau thể xác, tinh thần mà họ đã phải trải qua, khát vọng được trở về và tái hoà nhập cộng đồng; nỗ lực của các bộ, ban, ngành TW và địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người và giúp đỡ nạn nhân, triển lãm “Đường đến bình yên” góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và phụ nữ biết cách phòng tránh những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN cho biết trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Hội LHPNVN luôn phát huy thế mạnh của tổ chức, phát huy tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN phát biểu tại lễ khai mạc

Tiêu biểu là chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7/2021, trên trang facebook của TW Hội LHPNVN đã có các bài tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng về phòng, chống mua bán người, thu hút gần 130 nghìn lượt người tiếp cận. Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến về phòng, chống mua bán người sau 5 ngày phát động đã thu hút trên 19 nghìn lượt hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia. Sự kiện trực tuyến “Chung tay phòng, chống mua bán người” đã tạo hiệu ứng lan toả rộng khắp trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng xã hội, để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều tổ chức quốc tế.

Song song với đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, Hội LHPNVN chú trọng tổ chức các hoạt động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đặc biệt, mô hình Ngôi nhà bình yên của TW Hội LHPNVN đã phát huy hiệu quả hoạt động, thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về.

Triển lãm “Đường đến bình yên” gồm ba phần chính: “Những con số ám ảnh”, “Ký ức muốn quên” và “Vì một ngày mai tươi sáng”, được thể hiện bằng gần 200 câu chuyện, hình ảnh cụ thể trên không gian kỹ thuật số, phản ánh chân thực về thực trạng mua bán người tại Việt Nam, về những câu chuyện của nạn nhân bị mua bán cũng như một số kết quả cụ thể của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người.

Triển lãm là hoạt động thiết thực tiếp tục thể hiện sự nỗ lực, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, cụ thể hóa chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2021 là “Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động”; đồng thời truyền đi thông điệp “luôn đề cao cảnh giác với tội phạm mua bán người; chung tay hành động, sẻ chia và giúp đỡ những nạn nhân bị mua bán để họ sớm có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc”.

Toàn cảnh Lễ khai mạc triển lãm trực tuyến tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, với chủ đề “Đường đến bình yên”

Đây là lần đầu tiên một triển lãm về phòng chống mua bán người được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại Việt Nam – một hình thức mới mẻ, hiện đại, không bị hạn chế bởi rào cản địa lý, triển lãm “Đường đến bình yên” hướng tới chuyển tải đến mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân cũng như các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an và Hội Phụ nữ các cấp sự nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện chương trình của Chính phủ về phòng, chống mua bán người; cùng chung tay bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả.

Một số hình ảnh buổi lễ khai mạc:

 

 

CẢNH DINH