Thủ tướng gặp mặt nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia

Chiều 7/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi gặp mặt các đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Cùng dự và chủ trì buổi gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Dự buổi gặp mặt còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia; các nữ Ủy viên Trung ương Đảng, nữ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các nhà khoa học nữ.

Góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, sau khi điểm lại những hoạt động liên quan đến cán bộ nữ và bình đẳng giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Những kết quả đạt được về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nước ta năm qua đã được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam xếp 83/146 về chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021. Chúng ta là một trong 14 quốc gia đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao. Trong những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và những kết quả của năm 2022, có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác này. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới có mặt còn hạn chế. Nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động nữ dễ bị tổn thương, bị mất việc làm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không ít lao động nữ xuất khẩu, giúp việc gia đình, lấy chồng nước ngoài còn đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp còn hạn chế, nhất là việc bảo đảm nhà ở xã hội. Môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn, bạo lực, ma túy học đường. Bạo lực gia đình vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển chung của phụ nữ...

Thủ tướng cho rằng" Việc bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ mang tính dài hạn, liên tục, cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và cả xã hội và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, hội phụ nữ, thực hiện tốt một số nội dung  trọng tâm cụ thể.

Nhân đây, Thủ tướng cũng đề nghị "Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia tiếp tục lựa chọn và tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, có giá trị thiết thực, tạo động lực, truyền cảm hứng, có tính lan tỏa cao trong đời sống xã hội. Trong đó, lưu ý quan tâm đến các khoa học nữ trẻ, dân tộc thiểu số có nhiều triển vọng".

Đối với các cấp Hội phụ nữ, cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được thời gian qua, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, để thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Thủ tướng kết luận "Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, kính chúc các Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn mạnh khỏe, chúc toàn thể phụ nữ và các đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý, các nữ trí thức, phụ nữ ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài luôn tươi trẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công".

Tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Trước đó, phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là buổi gặp mặt có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ, là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với phụ nữ Việt Nam nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng; đồng thời, là dịp để chúng ta khắc sâu thêm niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Hiện nay, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có 19 đồng chí (chiếm 9,5%), trong đó có 01 nữ Uỷ viên Bộ Chính trị; 02 nữ trong Ban Bí thư; 01 nữ Phó Chủ tịch Nước; 03 nữ Bộ trưởng và 01 nữ cơ quan thuộc Chính phủ, 10 nữ thứ trưởng và tương đương; 03 nữ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 34 nữ Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ trong đó có 07 nữ Bí thư, 15 nữ phó Bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 17% nữ.

 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tại buổi gặp mặt

Tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV đạt 30,26% (cao hơn 3,54% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%); tỉ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). Với tỉ lệ này Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước đứng đầu thế giới có tỉ lệ nữ tham chính cao.

Nữ lãnh đạo cấp tỉnh có 24/263 người, trong đó có 02 nữ Chủ tịch UBND, 22 nữ Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ với tỉ lệ ở cấp tỉnh thấp nhất là 11,3%, cao nhất là 35%; cấp huyện là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước).

Cùng với sự tiến bộ và phát triển của nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được tôn vinh và trao tặng giải thưởng. Trong đó, Giải thưởng Kovalevskaia-giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản-đã được trao cho 21 tập thể và 57 cá nhân.

Nhiều tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ đã được trao giải thưởng danh giá quốc tế như giải thưởng Kovalevskaia) đem đến niềm tự hào và vinh quang cho đất nước Việt Nam của chúng ta. Và hôm nay, trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này, chúng ta vui mừng chào đón 01 tập thể và 01 nữ cá nhân xuất sắc được trao giải thưởng cao quý Kovalevskaia.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt cho biết, trong số đại biểu Quốc hội khóa XV có 393 phụ nữ ứng cử (tỉ lệ 45,38%) và ti lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% (151 đại biểu nữ) cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Về trình độ chuyên môn, 100% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV có trình độ đại học trở lên, đa số là trình độ thạc sĩ.

Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Ghi nhận sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam chính là Giải thưởng Kovalevskaia

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu: Một trong những hình thức vinh danh, ghi nhận sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam chính là Giải thưởng Kovalevskaia do Hội LHPN Việt Nam là cơ quan Thường trực, tham mưu cho Hội đồng giải thưởng, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và hiện nay là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Đây giải thưởng đầu tiên và rất uy tín dành cho các nhà khoa học nữ đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên, đã được duy trì trong 37 năm qua với 21 tập thể và 52 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bằng tài năng, trí tuệ và sức lực của mình, các chị đã hoàn thành xuất sắc hàng trăm đề tài nghiên cứu phục vụ cuộc sống.

Ngày hôm nay, Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ dự và trực tiếp trao tặng trong không khí trang trọng, ấm cúng, với sự chứng kiến, chia vui của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chị nữ lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương là một sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tập thể, cá nhân nhận giải (nói riêng), đối với Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ cả nước (nói chung), chắc chắn sẽ là động để các chị tiếp tục nghiên cứu khoa học, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ còn những khó khăn, hạn chế như tỉ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, theo đánh giá gần đây cho thấy trong mười năm qua (2012-2022), mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Trên thực tế, chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 83 nhưng xét về khoảng cách giới trong tham chính thì Việt Nam đứng thứ 106 trong số 146 nước. 

Các nhà khoa học nữ có động lực trong hoạt động khoa học

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho các nhà khoa học. 

Giải Kovalevskaia 2022 vinh danh tập thể nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội, với hướng nghiên cứu: Tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc; nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc.

Về giải thưởng cá nhân, nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2022 là GS.TS Lê Minh Thắng, Giảng viên cao cấp bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội với hướng nghiên cứu chính: Chất xúc tác xử lý khí thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

 

PGS.TS. Phan Thị Phương Dung, phát biểu bày tỏ vinh dự và tự hào được nhận Giải thưởng Kovalevskaia.  GS.TS Lê Minh Thắng ngồi cạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt các nhà khoa học nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 phát biểu, PGS.TS. Phan Thị Phương Dung, Giảng viên Cao cấp, Phó trưởng khoa Công nghệ Hóa dược, Đại học Dược Hà Nội bày tỏ vinh dự và tự hào được nhận Giải thưởng Kovalevskaia trong buổi gặp mặt và trao giải ấm áp nhưng trang trọng lần đầu tiên được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ, với sự có mặt của Thủ tướng. PGS.TS. Phan Thị Phương Dung khẳng định vinh dự này càng giúp các nhà khoa học nữ có động lực trong hoạt động khoa học. 

GS Lê Minh Thắng công bố 127 bài báo khoa học, trong đó 37 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế, 1 giải pháp hữu ích, đồng thời chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học (3 cấp quốc tế, 7 cấp Bộ), tác giả 3 chương sách. Bà từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận giáo sư năm 2019. Quỹ Hitachi toàn cầu trao tặng giải thưởng quốc tế Nghiên cứu sáng tạo nổi bật 2021 cho bà vì những đóng góp cho quá trình bảo vệ môi trường khí tại các nước đang phát triển, nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải môi trường.

 

 

 

Thủ tướng  Phạm Minh Chính và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho các nhà khoa học

 

 

 

NGUYỄN THỊ MINH HẢO (Trường Cao đẳng Du lịch HN)