A có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Bùi Viết Vinh “A có phạm tội trộm cắp tài sản?”  ngày 6/11/2021, tác giả cho rằng A có dấu hiệu của tội  “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Trước hết, việc vay mượn tiền giữa A và B là quan hệ dân sự, chủ nợ khi không đòi được nợ thì cũng không được lấy tài sản để gán nợ, siết nợ. Để đòi nợ đúng luật khi quá hạn, người cho vay có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu cơ quan xét xử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi lấy (chuyển dịch) tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác không phải là hành vi hợp pháp. Theo quy định tại Điều 195 BLDS 2015, người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật. Như vậy, hành vi tự ý định đoạt tài sản của người vay mà không được sự đồng ý của người đó để gán nợ, “siết nợ” là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Do đó, hành vi của A thuê xe chở bộ bàn ghế của B trị giá 30 triệu về nhà mục đích để gán nợ là hành vi vi phạm pháp luật mặc dù theo lời khai của A không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đi nữa.

Thứ hai, về tội danh xét về hành vi của A, A đã có hành vi thuê xe chở bộ bàn ghế của B trị giá 30 triệu về nhà với mục đích để gán nợ. Mặc dù trước đó A có gọi điện cho B nhưng không liên lạc được, B không biết việc A lấy tài sản là bộ bàn ghế để gán nợ và cũng chưa thể hiện quan điểm đồng ý dùng bộ bàn ghế để gán nợ cho A. A đã tự ý thực hiện việc chuyển dịch tài sản của người khác một cách bất hợp pháp. Hành vi của A diễn ra trước mặt người quản lý tài sản là C và không có sự đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực cũng như không có sự phản kháng của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, do vậy hành vi của A có dấu hiệu của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 BLHS.

A không phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 BLHS, do A không có hành vi lén lút đối với chủ tài sản, người quản lý tài sản, A cũng không có hành vi lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết để chiếm đoạt tài sản đó.

Tuy nhiên, theo tác giả thì trong trường hợp này, vì A là người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn nhận thức thấp, tuy hành vi của A có dấu hiệu phạm tội nhưng hậu quả chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội (tài sản là bộ bàn ghế gỗ vẫn đang được cất giữ ở nhà vợ của A) thì nên xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A.

Toà án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn xét xử vụ án Công nhiên chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Thanh Tuyền

A có phạm tội trộm cắp tài sản?

A phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản là có căn cứ

A phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản

A không phạm tội trộm cắp tài sản

 

HỒ QUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)