Bị đơn yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết ly hôn, cần được chấp nhận

Sau khi đọc bài “Bị đơn yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết ly hôn, có phải là phản tố cần được chấp nhận” của tác giả Hoàng Quảng Lực, đăng ngày 11/10/2022, tôi xin trao đổi trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật có liên quan.

Yêu cầu chia tài sản trong vụ án hôn nhân và gia đình

Qua nghiên cứu quy định tại Điều 28 của BLTTDS năm 2015 thì thấy rằng, trong vụ án hôn nhân và gia đình có 03 loại tranh chấp về chia tài sản mà đương sự có quyền yêu cầu Toà án giải quyết, tuỳ thuộc vào thời điểm đương sự yêu cầu, đó là: chia tài sản khi ly hôn, chia tài sản sau khi ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

- Yêu cầu chia tài sản khi ly hôn là yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án có yêu cầu ly hôn. Như vậy, yêu cầu chia tài sản khi ly hôn chỉ xem xét khi vụ án có xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn của nguyên đơn.

- Yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn là trường hợp sau khi Toà án giải quyết cho vợ chồng ly hôn bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà nguyên đơn là người vợ hoặc người chồng có yêu cầu chia tài sản của vợ chồng mà trong vụ án ly hôn trước đó tài sản chung của vợ chồng chưa được Toà án giải quyết.

- Yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là trường hợp người vợ hoặc người chồng muốn Toà án phân chia tài sản chung của vợ chồng mà không yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn. Tức là yêu cầu này được Toà án xem xét khi vợ chồng chưa ly hôn.

Về yêu cầu phản tố theo BLTTDS năm 2015

Theo quy định tại Điều 200 của BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu phản tố là yêu cầu của bị đơn. Yêu cầu này của bị đơn là đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Thời điểm bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Hiện nay pháp luật không định nghĩa thế nào là yêu cầu phản tố mà chỉ nêu ra 03 trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn được Toà án chấp nhận xem xét trong cùng vụ án, cụ thể:

Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tức là bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tức là bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Tức là hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Trước đây, để phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn thì Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn như sau:

– Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

– Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Vậy yêu cầu chia tài sản khi ly hôn của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố không?

Hiện nay thực tiễn tại các Toà án vẫn còn có quan điểm khác nhau rằng yêu cầu chia tài sản khi ly hôn của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố không. Việc xác định yêu cầu chia tài sản khi ly hôn có phải là yêu cầu phản tố hay không thì phải xem xét trên phương diện quy định của pháp luật. Quan điểm tôi về vấn đề này sau:

Thứ nhất, yêu cầu chia tài sản là yêu cầu của bị đơn buộc nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ là chia một phần tài sản chung của vợ chồng cho bị đơn được hưởng.

Thứ hai, yêu cầu chia tài sản của bị đơn là có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Vì khi giải quyết vụ án ly hôn, nếu có đương sự đặt ra vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án phải xem xét giải quyết và nếu Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản trong cùng một vụ án ly hôn thì sẽ thuận tiện và nhanh hơn so với việc phải tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng để giải quyết trong vụ án khác. Tôi không hoàn toàn đống tình với quan điểm cho rằng việc giải quyết yêu cầu chia tài sản cùng với yêu cầu ly hôn là phức tạp và kéo dài thời gian hơn là giải quyết yêu cầu ly hôn trước rồi giải quyết yêu cầu chia tài sản sau.

Thứ ba, yêu cầu chia tài sản của bị đơn và yêu cầu ly hôn, yêu cầu chia tài sản của nguyên đơn là hoàn toàn độc lập nhau.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của BLTTDS năm 2015 thì thấy rằng bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu đối với nguyên đơn để Toà án xem xét giải quyết trong cùng vụ án (xem khoản 1 Điều 200 của BLTTDS năm 2015); yêu cầu chia tài sản của bị đơn trong vụ án có yêu cầu ly hôn bắt buộc Toà án phải giải quyết vì thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (xem khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015) và yêu cầu chia tài sản của bị đơn sẽ được Toà án chấp nhận giải quyết trong cùng vụ án vì thuộc 01 trong 03 trường hợp phản tố được pháp luật quy định (xem điểm c khoản 23 Điều 200 của BLTTDS năm 2015).

Qua những phân tích như trên có thể khẳng định và kết luận là “yêu cầu chia tài sản khi ly hôn của bị đơn là yêu cầu phản tố và được Toà án chấp nhận giải quyết”. Vì yêu cầu chia tài sản của bị đơn là yêu cầu phản tố nên theo quy định tại Điều 202 của BLTTDS năm 2015 thì thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Nghĩa là bị đơn phải làm đơn và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định (nếu thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí). Trường hợp, bị đơn có yêu cầu chia tài sản nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định thì không được Toà án xem xét giải quyết trong cùng vụ án. Bị đơn có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản trong một vụ  án khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử rút kinh nghiệm vụ án “Ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” - Ảnh: VP

 

DƯƠNG TẤN THANH (Phó Chánh án TAND Tx Duyên Hải, Trà Vinh)