Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vướng mắc và kiến nghị

Kết hôn được xem là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, là sự khởi nguồn của một mối quan hệ vợ chồng, là việc xác lập các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản theo như quy định của pháp luật. Mặt khác, ly hôn là căn cứ để chấm dứt một mối quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó, đồng thời đây cũng là sự kết thúc của mối quan hệ vợ chồng và các quyền liên quan khác trong quan hệ này.

1. Cơ sở pháp lý

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ) quy định:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai người. Trong một số trường hợp sau đây, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn: Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Quyền yêu cầu ly hôn có thể chia ra làm hai trường hợp là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Ly hôn thuận tình là vợ chồng vì những mâu thuẫn không thể hòa giải, không còn tình cảm yêu thương nhau, mục đích hôn nhân không đạt được và không muốn chung sống cùng nhau thì có thể yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và vợ chồng đã tự thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vợ và con thì Tòa án giải quyết theo quy định tại chương XXVIII của BLTTDS. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. 

Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét kỹ càng để cân nhắc việc ly hôn trong tình trạng hôn nhân giữa hai người, điều này phải dựa vào các căn cứ nhất định được quy định cụ thể trong Luật HNGĐ và các luật khác liên quan. 

Luật HNGĐ năm 2014 đã mở rộng đối tượng được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cụ thể là: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Việc quy định cho cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 51 và khoản 3 Điều 56 là một trong những điểm mới.

Như vậy, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn như trước đây thì hiện nay căn cứ để cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Ngoài cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì người thân thích cũng có quyền tương tự. Người thân thích được quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật HNGĐ: “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. Người thân thích ở đây có thể là người có quan hệ nuôi dưỡng (bố mẹ, ông bà, bố mẹ nuôi…), người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời. Khoản 1 Điều 51 BLDS năm 2015 quy định: “Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ”. Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp mong muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự yêu cầu trong khi họ không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. 

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo khoản 14 Điều 3 Luật HNGĐ. Như vậy Tòa án sẽ là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng và được thể hiện dưới hai hình thức: Bản án hoặc Quyết định.

Tuy vậy, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được yêu cầu ly hôn.

Việc quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em và phụ nữ, họ là những đối tượng yếu thế được pháp luật tôn trọng, đề cao và bảo vệ. Khi người vợ mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, họ gần như không có thời gian để làm việc kiếm thu nhập do đó rất cần người chồng ở bên để hỗ trợ về mặt tài chính và chăm sóc. Ngoài ra người phụ nữ trong thời gian mang thai, sinh và nuôi con nhỏ thường có tâm lý nhạy cảm, bất ổn dễ xúc động nên cần có sự đồng hành từ người chồng; trẻ em cũng cần nhận được sự quan tâm từ cả bố và mẹ để phát triển ổn định.

2. Vướng mắc trong thực tiễn

Thứ nhất, đối với trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Để thực hiện quyền yêu cầu ly hôn, cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng phải chứng minh được việc người chồng hoặc vợ do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Trong thực tiễn, số vụ án ly hôn theo yêu cầu của cha, mẹ, người thân thích khác rất là ít, nhưng vướng mắc về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến Tòa án khi giải quyết vụ án. Cụ thể, khi nguyên đơn nộp đơn yêu cầu ly hôn thì kèm theo đơn khởi kiện còn phải nộp những tài liệu gì để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, vấn đề này chưa có quy định.

Theo quy định, để Tòa án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của cha, mẹ, người thân thích khác một bên vợ hoặc chồng, phải thỏa mãn hai điều kiện sau:

Một là, cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Về căn cứ pháp lý để xác định một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, hiện có hai quan điểm khác nhau sau:

Quan điểm thứ nhất: Để chứng minh một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, phải có các loại giấy tờ sau: Hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị; Bản kết luận giám định của Tổ chức giám định tư pháp có thẩm quyền. Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ này để xem xét. Do đó, trường hợp này người khởi kiện cần giao nộp cho Tòa án có thẩm quyền các tài liệu, chứng cứ trên để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Quan điểm thứ hai: Để chứng minh một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, phải là quyết định của Tòa án đã tuyên bố người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự đã có hiệu lực pháp luật, chứ không phải là hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị; Bản kết luận giám định của Tổ chức giám định tư pháp có thẩm quyền. Vì hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị và Bản kết luận giám định pháp y tâm thần mà phía người khởi kiện cung cấp, thật sự chưa đủ cơ sở chứng minh cho một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, vì thực tế cho thấy không phải bất cứ bệnh viện nào cũng có thể chẩn đoán chính xác đối với bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà người bệnh không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. 

Hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị, nếu không phải là bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I; Bệnh viện Tâm thần Trung ương II; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ;…) thì chưa đủ độ tin cậy để xác định bệnh nhân đó có phải thật sự đang bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà triệt tiêu hoàn toàn khà năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ không.

Bên cạnh đó, Bản kết luận giám định pháp y tâm thần cũng chỉ là tài liệu để Tòa án tham khảo, đối chiếu so sánh với những tài liệu chứng cứ khác, vì thực tế không phải mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác đều dẫn tới hậu quả hoàn toàn mất khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, do vậy, cũng không phải mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác đều bị Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự.

Theo khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2015: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Do vậy, các tài liệu như: Sổ điều trị, bệnh án của bệnh viện nơi điều trị, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn do đương sự xuất trình chưa đủ cơ sở pháp lý để khẳng định một người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Mặt khác, theo quy định tại Chương XXIV của BLTTDS yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Như vậy, khi và chỉ khi có quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự mới có đủ cơ sở pháp lý khẳng định được người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, khi bố mẹ của người bị mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn thay con, Tòa án cần hướng dẫn họ thực hiện thủ tục tuyên bố người con bị mất năng lực hành vi dân sự để Tòa án xem xét quyết định. Chỉ sau khi quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố người con mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực pháp luật thì cha, mẹ hoặc người thân tích mới có quyền thay người bị mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn.

Hai là, người vợ hoặc chồng phải là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, thì các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Hiện nay vẫn chưa có văn bản nào giải thích hoặc hướng dẫn thế nào hoặc trường hợp cụ thể nào thì bị coi là hành vi bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Như vậy sẽ rất khó khăn cho Tòa án khi áp dụng quy định này trong thực tiễn giải quyết án ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Thứ hai, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đối với trường hợp nếu người chồng biết rõ người vợ đang mang thai mà thai nhi không phải con mình hoặc người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà con không phải là con của mình thì người chồng có được quyền yêu cầu ly hôn không?

Quan điểm thứ nhất, trong trường hợp này người chồng cũng không được quyền yêu cầu ly hôn. Đứng dưới góc độ pháp luật hay đạo đức xã hội thì cần quy định để bảo vệ người phụ nữ trong thời kỳ có thai và nuôi con nhỏ. Pháp luật cũng ghi nhận việc người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi dù cho đó là con đẻ của cả hai vợ chồng hoặc là con nuôi của hai vợ chồng. Quy định này cũng nhằm đảm bảo cho người mẹ được ổn định trong việc nuôi con nhỏ, đảm bảo quyền làm mẹ khi được nuôi con nhỏ. Mặc dù con không phải của người chồng nhưng nếu trong trường hợp người vợ mang thai thì người chồng cũng nên quan tâm, chăm sóc người vợ vì nghĩa vụ của vợ chồng là yêu thương, chăm sóc nhau. Trong trường hợp này, nếu người chồng ly hôn thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người vợ. Đây cũng là quan điểm của tác giả.

Quan điểm thứ hai, người chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Vì sự “chung thủy” là một trong những nghĩa vụ của vợ, chồng được quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật HNGĐ: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Trong trường hợp này, người vợ không chung thủy, ngoại tình đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Đặc biệt, khi việc không chung thủy khiến quan hệ vợ chồng trầm trọng, không thể sống cùng với nhau, mục đích hôn nhân không đạt được. Khi gửi đơn đến Tòa thì người chồng phải có đầy đủ chứng cứ về việc người vợ không chung thủy, người con không phải con của mình.

2. Một số kiến nghị

Trên cơ sở những phân tích trên đây, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, cần hướng dẫn rõ như thế nào là “khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình” tại khoản 2 Điều 51 Luật HNGĐ. Đối với trường hợp này tác giả đề xuất chỉ cần có hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị; Bản kết luận giám định của Tổ chức giám định tư pháp có thẩm quyền để chứng minh.

Thứ hai, có thể coi người vợ hoặc chồng (một bên yêu cầu ly hôn) là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, khi:

- Đối với hành vi bạo lực vật chất: Người vợ hoặc chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ dẫn đến bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.

- Đối với bạo lực tinh thần: Người vợ hoặc chồng do bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần,…

Hành vi bạo lực này được lặp đi lặp lại nhiều lần, mọi người trong gia đình tuy tìm mọi cách hạn chế thấp nhất để hậu quả không xảy ra, nhưng hậu quả vẫn cứ xảy ra.

 

 

*Toà án nhân dân huyện IaPa, tỉnh Gia Lai, **Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai

Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, Thái Bình  xét xử vụ án dân sự - Ảnh:Nguyễn Thị Thu Giang

LÊ VIẾT THỊNH* - ĐINH THỊ THUỲ**