Lê Văn A có phạm tội “Trộm cắp tài sản” không?

Lê Văn A nhiều lần trộm cắp tài sản, từng bị truy tố xét xử. Rạng sáng 10/12/2021, Lê Văn A lại ăn trộm 3 quả mít và 2 con gà trị giá 800.000 đồng. Tuy nhiên, để xác định lần này A có phạm tội hay không thì còn có những quan điểm khác nhau.

Vào rạng sáng 10/12/2021, sau khi chơi về qua nhà bà B, Lê Văn A nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên có chuẩn bị con dao, bao nylon và đèn pin. A trèo tường vào nhà bà B cắt trộm 3 quả mít Thái và 2 con gà đem về nhà cất giấu để hôm sau tiêu thụ. Sáng hôm sau, A có chở mít và gà ra chợ huyện bán, trên đường đi thì bị Công an tạm giữ. Qua xác minh đấu tranh phát hiện, 3 quả mít và 2 con gà là đồ ăn trộm. Kết quả giám định tài sản kết luận 3 quả mít và 2 con gà trị giá 800.000 đồng.

Xác minh nhân thân Lê Văn A thì thấy, vào ngày 01/10/2019, Lê Văn A bị Tòa án xử 12 tháng cải tạo không giam giữ về hành vi trộm cắp tài sản. Chấp hành xong bản án vào ngày 01/10/2020, tính đến ngày 01/10/2021 thì Lê Văn A được xóa án tích.

Tuy nhiên, trong khi chưa được xóa án tình thì vào ngày 30/4/2021, anh A lại tiếp tục đi trộm 2 con gà trị giá 500.000 đồng và bị phát hiện. Ngày 10/11/2021 Tòa án đưa ra xét xử phạt Lê Văn A 6 tháng tù treo. Bản án này bị Viện kiểm sát kháng nghị và đang trong quá trình xét xử phúc thẩm thì vào ngày 10/12/2021, A lại thực hiện hành vi phạm tội trộm 3 quả mít và 2 con gà trị giá 1.200.000 đồng.

Qua nội dung sự việc nêu trên, đối với hành vi của Lê Văn A vào rạng sáng 10/12/2021, trộm cắp tài sản là 3 quả mít và 2 con gà trị giá là 800.000 đồng, hiện nay đang có một số ý kiến không đồng nhất.

Ý kiến thứ nhất: Hành vi trộm cắp tài sản của A vào ngày 10/12/2021, tuy chưa đủ định lượng theo quy định của BLHS nhưng trước đó, vào ngày 30/4/2021 anh A đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Hành vi trộm cắp tài sản này chưa được xóa án tích theo bản án trước đó, tuy nhiên anh A lại tiếp tục phạm tội nên có đủ căn cứ để khởi tố A về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 về đương nhiên được xóa án tích như sau: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo”.

Xét tình huống nêu trên, trong thời gian chưa được xóa án tích thì ngày 30/4/2021 anh A đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Tài sản ăn trộm được của A dù chưa đủ định lượng nhưng A đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản trước đó, vì vậy trong thời gian chưa được xóa án tích mà A lại thực hiện tội trộm cắp tài sản. Từ phân tích trên, có thể thấy hành vi trộm cắp vào ngày 10/12/2021 vẫn được xem là A phạm tội trong thời gian chưa được xóa án tích.

Bên cạnh đó, việc bản án xét xử của A chưa có hiệu lực pháp luật nhưng không thể cho rằng phải có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mới biết A phạm tội hay không phạm tội. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS quy định việc phạm tội mới có nghĩa chỉ cần có hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không đồng nghĩa với việc Tòa án phải ra bản án kết tội với một người nào đó nên không cần thiết phải có bản án có hiệu lực pháp luật thì mới cho rằng A có phạm tội hay không.

Vì vậy, hành vi trộm cắp tài sản của Lê Văn A vào ngày 10/12/2021 có đủ căn cứ để khởi tố A về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS 2015.

Ý kiến thứ hai là quan điểm của tác giả: Hành vi trộm cắp của Lê Văn A vào rạng sáng 10/12/2021, trộm cắp 3 quả mít và 2 con gà trị giá là 800.000 đồng do thời điểm này A đã được xóa án tích, tài sản phạm tội không đủ định lượng để xử lý hình sự theo quy định của BLHS nên Lê Văn A không phạm tội.

Có thể thấy rằng, bản án vào ngày 01/10/2019 về tội trộm cắp tài sản đối với Lê Văn A thì tính đến ngày 01/10/2021 mới được xóa án tích. Tuy nhiên, đến ngày 30/4/2021, A lại tiếp tục thực hiện hành vi ăn trộm 02 con gà trị giá 500.000 đồng nên sử dụng tiền án này để xét xử A.

Ngày 10/11/2021 Tòa án đưa ra xét xử phạt anh Lê Văn A hưởng 6 tháng tù treo. Tuy nhiên, bản án này bị Viện kiểm sát kháng nghị và đang trong quá trình xét xử phúc thẩm chưa có hiệu lực thi hành nên chưa thể xác định lần này A có phạm tội hay không. Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS 2015 về cách tính thời hạn xóa án tích như sau: “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”. Do đó, chưa thể xác định được lần ăn trộm vào ngày 30/4/2021 của Lê Văn A là có tội hay không từ đó để xác định lần trộm cắp vào ngày 10/12/2021 là đang trong thời gian chưa được xóa án tích.

Ngoài ra, tuân thủ theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì A chưa có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nên không thể khẳng định được hành vi ăn trộm vào ngày 10/12/2021 là đang trong thời gian chưa được xóa án tích. Từ phân tích trên, từ đó áp dụng biện pháp có lợi cho bị can cho thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự với A về hành vi trộm cắp tài sản ngày 10/12/2021.

Vì vậy, hành vi trộm cắp tài sản của Lê Văn A vào ngày 10/12/2021 không đủ căn cứ để xử lý hình sự với A về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015.

Trên đây là quan điểm của tôi về tình huống trên, rất mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.

 

Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: TATP

NGUYỄN PHI HÙNG (Tòa án Quân sự Quân khu 4)