Nguyễn Hải K phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Hải K phạm tội gì?” của tác giả Dương Thị Hồng Ngát, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng Nguyễn Hải K phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trước hết, tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng K phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS vì: Theo quy định, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị chiếm đoạt tài sản tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong tình huống trên, hành vi gian dối của K được thể hiện qua việc 4 chuyến đầu mỗi chuyến K chở đúng 30 bao hàng, tuy nhiên đến chuyến thứ năm K đã cố ý xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho). Tuy nhiên, K là nhân viên công ty X được giao nhiệm vụ chở hàng. Công ty X giao tài sản cho K vì hai bên đã thỏa thuận với nhau bằng một hợp đồng giữa công ty và nhân viên. Sau đó, K mới dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản do có được lòng tin của thủ kho công ty.

Tôi cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng K phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS. Một trong những biểu hiện của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lén lút là cố ý giấu giếm, vụng trộm không để lộ ra hành động của mình, còn chiếm đoạt là hành vi lấy tài sản của người khác để trở thành tài sản của mình. Tôi cho rằng hành vi của K lợi dụng việc không có người trông coi đã xếp thêm lên xe của mình 2 bao hàng vượt quá so với quy định là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, lợi dụng lòng tin của thủ kho không kiểm tra hàng để chiếm đoạt tài sản.

Tôi cho rằng K phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bởi: K là nhân viên được giao nhiệm vụ chở hàng hóa cho Công ty X, do đó K và công ty X đã xác lập một hợp đồng lao động. Sau nhiều lần đã làm việc với nhau, giữa K và người thủ kho của Công ty X đã có lòng tin nhất định. Điều này được thể hiện ở chỗ thủ kho của Công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng, ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. K đã chiếm đoạt được 2 bao hàng do thủ kho công ty tin tưởng K chở đủ số bao hàng như đã thỏa thuận nên thủ kho đã không đếm lại số bao hàng mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất hàng. K đã chiếm đoạt được tài sản một cách hợp pháp do K làm nhân viên công ty nên thủ kho đã tin tưởng K. Bằng việc dùng thủ đoạn gian dối, K đã đánh lừa thủ kho do các chuyến trước số lượng bao hàng trên xe đều được kiểm tra đủ. Mục đích của K là chiếm đoạt tài sản với lỗi cố ý.

Như vậy K đã nhận tài sản từ thủ kho của Công ty X một cách hợp pháp, ngay thẳng và sau đó lợi dụng lòng tin của người thủ kho mới thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS. Một trong những dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra trong lĩnh vực hợp đồng, điều này phù hợp với việc Công ty X đã thuê K chở hàng hóa cho công ty. Do đó cần xử lý K về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cùng quan điểm K phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn có tác giả Nguyễn Gia Hoàng ( Viện kiểm sát quân sự khu vực 12/ Quân khu 1).

Bài trao đổi: Nguyễn Hải K phạm tội gì?

Tòa án nhân dân huyện An Lão, Bình Định xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Hồ Chí Trường

NGUYỄN THỊ YẾN HOA (Tòa án quân sự Quân khu 1)