Phan Văn T phạm tội cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015

Sau khi nghiên cứu bài viết “Phan Văn T phạm tội cướp tài sản theo khoản nào?” của tác giả Trần Quang Thái đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 25/11/2022, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

Thực tế cho thấy, đối với những vụ án mà người phạm tội sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích cướp tài sản của người bị hại, nhưng việc sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm chỉ để uy hiếp, khống chế làm người bị hại tê liệt hẳn về ý chí chống cự, phản kháng để chiếm đoạt tài sản mà chưa gây thương tích cho bị hại thì vẫn còn nhiều cách hiểu, quan điểm, cách vận dụng pháp luật khác nhau trong định khung hình phạt đối với người phạm tội. Có Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) định khung hình phạt theo khoản 1 Điều 168 BLHS năm 2015; có CQTHTT lại định khung hình phạt theo khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015. Và đa phần các CQTHTT cho rằng nếu sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm thì phải dựa trên cơ sở là có gây hậu quả, có thương tích hay không chứ không phải là chỉ đe dọa làm cho người bị hại sợ để chiếm đoạt tài sản…

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2.2, Mục 2, Chương I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02) ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS có nêu: “Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

          a. Về công cụ, dụng cụ

          Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

          b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra

          Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

          c. Về vật có sẵn trong tự nhiên

          Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”.

Nội dung này trong Nghị quyết số 02 cho thấy chỉ hướng dẫn thế nào là phương tiện nguy hiểm chứ không bàn đến vấn đề sử dụng nó như nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi người phạm tội dùng phương tiện nguy hiểm để đe dọa, uy hiếp, khống chế làm người bị hại tê liệt hẳn về ý chí chống cự, phản kháng rồi chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là sử dụng phương tiện nguy hiểm. Không nên hiểu một cách máy móc là “sử dụng” tức là phải khai thác tận dụng triệt để tính năng của loại phương tiện nguy hiểm đó như sử dụng dao để đâm, chém... gây thương tích cho người bị hại.

Quay trở lại với nội dung của vụ án, thông qua mạng xã hội, Phan Văn T đặt mua của Nguyễn Tuấn H 1 điện thoại di động trị giá 20.000.000 đồng. Mặc dù không có tiền nhưng Phan Văn T vẫn hẹn Nguyễn Tuấn H ra quán nước tại số 14 đường TQK, phường Y, quận X, thành phố H với ý định sẽ chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Tại đây, khi H đưa T xem điện thoại, T bỏ điện thoại vào túi quần của T, sau đó rút trong người ra 01 con dao nhọn dài khoảng 30cm rồi nói với H “giờ tao không có tiền trả, chỉ có cái này thôi mày có lấy không?”. Vì thấy T cầm con dao nhọn trên tay nên H sợ hãi không dám nói gì, T thấy H sợ hãi không dám nói gì nên rời khỏi quán mang theo chiếc điện thoại di động của H rồi đem bán được 18.000.000 đồng lấy tiền tiêu xài cá nhân. Việc T sử dụng con dao nhọn dài khoảng 30 cm (được xác định là phương tiện nguy hiểm) để đe dọa, uy hiếp làm H bị tê liệt hẳn ý chí chống cự, phản kháng cụ thể là H sợ hãi và không dám nói gì, rồi sau đó T chiếm đoạt chiếc điện thoại di động của H. Do đó, tôi cho rằng, hành vi của Phan Văn T đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015.

Do vẫn còn nhiều cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau về việc định tội đối với trường hợp người phạm tội sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích cướp tài sản của người bị hại, nhưng việc sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm chỉ để uy hiếp, khống chế làm người bị hại tê liệt hẳn về ý chí chống cự, phản kháng để chiếm đoạt tài sản mà chưa gây thương tích cho bị hại. Thời gian tới, Hội đồng thẩm phán TANDTC  hoặc Liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành Nghị quyết, văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ hoặc Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết, xử lý về nội dung này để các CQTHTT có cách hiểu và vận dụng pháp luật thống nhất.

 

BBT. Có nhiều ý kiến gửi đến Tạp chí, đồng quan điểm rằng, hành vi của Phan Văn T đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015, nhưng không thể đăng hết, xin dừng thảo luận về tình huống này.

 

TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án cướp giật tài sản - Ảnh: Nguyễn Tâm

 


 

ThS LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)