Tòa án công nhận di chúc hợp pháp nhưng không chia di sản theo di chúc

Quyền định đoạt tài sản thông qua di chúc là quyền cơ bản của người có tài sản và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, không phải trường hợp nào di chúc cũng được tôn trọng.

Thực tế cho thấy, các tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế, trong đó có thừa kế theo di chúc thường tương đối phức tạp bởi các tranh chấp này liên quan trực tiếp đến lợi ích giữa những người có quyền thừa kế. Do đó, khi giải quyết các vụ án này thì việc nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ, việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong xác định quyền thừa kế, di sản thừa kế cần rất thận trọng, thấu đáo để việc giải quyết vụ án được đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự.

1. Nội dung vụ án

Nhà đất tại số 03, khu phố 2, phường 5, thị xã C, tỉnh T có nguồn gốc của vợ chồng cụ H, cụ A (chết năm 1989). Sau khi cụ A chết, các đồng thừa kế của cụ A đều thống nhất giao cho cụ H được quyền sở hữu chủ quyền nhà, đất nêu trên. Ngày 03/5/2000, cụ H được Uỷ ban nhân dân thị xã C cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 48,21m2 (diện tích xây dựng là 52,2m2).

Ngày 06/12/2000, cụ H lập di chúc để lại nhà đất trên cho ông T nhưng đến ngày 18/6/2009 cụ H thay đổi ý chí và lập di chúc mới để lại nhà đất này cho ông B, bà C, bà D; tại bản di chúc này cụ H ghi “Các di chúc tôi lập trước đây đều bị hủy bỏ”. Cả hai bản di chúc đều được Phòng Công chứng chứng nhận.

Ngày 10/11/2009, cụ H làm đơn về việc mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, có xác nhận của chính quyền địa phương. Năm 2013, Ủy ban nhân dân thị trấn C niêm yết việc mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ H. Sau khi cụ H mất, các ông bà B, C, D tiến hành lập thủ tục thừa kế di sản thừa kế theo di chúc thì phát hiện ông T đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 30/8/2016, ông T lập văn bản khai nhận di sản theo di chúc được Phòng Công chứng chứng nhận. Căn cứ di chúc lập ngày 06/12/2000 của cụ H và văn bản khai nhận di sản kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 30/12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông T đối với nhà đất nêu trên. Nhà đất do ông T sinh sống và quản lý sử dụng .

Do đó, các ông bà B, C, D khởi kiện yêu cầu Tòa án: (i) công nhận di chúc cụ H lập ngày 18/6/2009 về việc để lại nhà đất cho ông bà và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông T; (ii) yêu cầu chia di sản thừa kế phần tài sản của cụ H; (iii) yêu cầu ông T trả lại nhà đất và đồng ý trả công sức trông nom, quản lý di sản cho ông T bằng giá trị của ¼ kỷ phần nhà đất mà cụ H để lại.

2. Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 22/7/2019, Tòa án nhân dân tỉnh T tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Hủy di chúc của cụ H lập ngày 06/12/2000 cho ông T, công nhận di chúc cụ H lập ngày 18/6/2009 cho ông B, bà C, bà D là di chúc hợp pháp.

Chia cho ông B, bà C, bà D ¾ giá trị căn nhà và diện tích đất theo di chúc bằng giá trị 296.000.000 đồng.

Chia cho ông T ¼ kỷ phần thừa kế công sức gìn giữ di sản thừa kế giá trị là 98.000.000 đồng.

Buộc ông T có nghĩa vụ chia lại cho ông B, bà C, bà D ¾ giá trị theo di chúc 296.000.000 đồng.

Ông T được tiếp tục quản lý sở hữu căn nhà.

Không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T, ông B, bà C, bà D đều có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. 

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 157/2020 ngày 10/6/2020, Tòa án nhân dân cấp cao quyết định: Không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

3. Bình luận 

Nhà đất tranh chấp có nguồn gốc của vợ chồng cụ H và cụ A. Sau khi cụ A chết (năm 1989) thì các đồng thừa kế của cụ A đã thống nhất giao cho cụ H được quyền sở hữu chủ quyền nhà, đất. Ngày 03/5/2000, cụ H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đối với nhà đất nêu trên. Do đó nhà đất này không còn là tài sản chung của vợ chồng cụ H, cụ A mà là tài sản riêng của cụ H.

Mặc dù cả hai bản di chúc ngày 06/12/2000 và ngày 18/6/2009 của cụ H đều được Phòng Công chứng chứng nhận đúng quy định của pháp luật nhưng theo khoản 3 Điều 662 BLDS năm 2005 thì “trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”. Tại bản di chúc ngày 18/6/2009 cụ H ghi rõ “Các di chúc tôi lập trước đây đều bị hủy bỏ”. Do đó di chúc ngày 06/12/2000 không còn hiệu lực. Đến năm 2015 cụ H chết cũng không thay đổi di chúc nên ông T không còn là người được hưởng nhà đất của cụ H nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã căn cứ vào Di chúc ngày 07/5/2000 của cụ H để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông T là không đúng quy định.

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 684 BLDS năm 2005 quy định về phân chia di sản theo di chúc như sau: “1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Di chúc ngày 18/6/2009 của cụ H để lại nhà đất cho ông B, bà C, bà D sở hữu, sử dụng là hợp pháp. Các nguyên đơn đều có yêu cầu được nhận di sản là nhà đất và trả công sức trông nom, quản lý di sản cho ông T bằng giá trị của ¼ kỷ phần nhà đất mà cụ H để lại. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận di chúc hợp pháp nhưng không chia di sản theo di chúc là không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao nhà đất cho ông T và buộc ông T trả giá trị ¾ di sản là nhà đất của cụ H để lại là không đúng quy định tại Điều 684 BLDS năm 2005.

Trong trường hợp này, lẽ ra Tòa án phải công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho ông B, bà C, bà D theo đúng Di chúc ngày 18/6/2009 của cụ H, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn thanh toán công sức trông nom, quản lý di sản bằng giá trị ¼ nhà đất tranh chấp cho ông T mới đúng.

Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND quận 10 TPHCM xét xử vụ án dân sự- Ảnh: MH

CHU THỊ THƠM (Vụ Giám đốc kiểm tra dân sự, kinh doanh, thương mại TANDTC)