Luật Đất đai sửa đổi cần phù hợp với các đạo luật khác

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân tác giả tham gia góp ý một số ý kiến để Luật phù hợp với Luật Cư trú, Luật Lâm nghiệp…

Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã góp phần tạo hành lang pháp lý đồng bộ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định tình hình xã hội... Quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu quả cao hơn trước; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển khá nhanh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế, có nhiều vấn đề còn rất bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai và sử dụng đất đai.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được xây dựng có tính kế thừa hợp lý, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai. Mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hơn. Tạo lập cơ sở pháp lý và thực tiễn quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai... Đồng thời giải quyết thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.

1. Giải thích từ ngữ (Điều 3) dự thảo Luật

Đề nghị bổ sung: Giải thích khái niệm “Khai hoang” để tránh nhầm lẫn với các trường hợp lấn chiếm đất đai. Cụm từ “khai hoang” được quy định tại khoản 3 Điều 9; khoản 1 Điều 173; khoản 2 Điều 184; khoản 1, khoản 5 Điều 213 dự thảo Luật. Hoạt động khai hoang đất vẫn đang diễn ra, nhà nước ta có chủ trương khuyến khích, đầu tư việc khai hoang đất chưa đưa vào sử dụng là nguồn hình thành bổ sung quỹ đất nông nghiệp. Thực tiễn, người dân vẫn đang sử dụng đất khai hoang canh tác, vì vậy cần giải thích rõ cụm từ này.

2. Thay đổi cụm từ cho phù hợp Luật Cư trú năm 2020

Cụm từ “sinh sống” được nêu tại khoản 10 Điều 3; khoản 4 Điều 17; điểm c khoản 6 Điều 49; khoản 1, khoản 2 Điều 52.

Cụm từ “cư trú hợp pháp” được nêu tại điểm a, b khoản 2 Điều 178; điểm c, d khoản 1 Điều 179.

Cần thay đổi thành cụm từ “đã  được đăng ký thường trú hoặc tạm trú” để đồng bộ với Luật Cư trú năm 2020. Việc thay đổi quy định như vậy sẽ hạn chế các trường hợp lợi dụng kẻ hở chính sách như trường hợp không thường xuyên sinh sống hoặc ít có thời gian cư trú tại địa phương,... để nhận chuyển quyền sử dụng đất nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái.

3. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 83)

* Tại khoản 1 Điều 83 dự thảo Luật quy định: 1. Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp”

Quy định phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho từng người có đất bị thu hồi chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất biết, sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi có trường hợp người sử dụng đất không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi ở của chủ sở hữu đất gây ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Đề xuất bổ sung “Trường hợp không liên lạc được với người có đất thu hồi thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, nhà sinh hoạt cộng đồng nơi có đất thu hồi trong thời gian 30 ngày”.

4. Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 122)

* Tại khoản 1 Điều 122 dự thảo Luật quy định: 1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 116 của Luật này.

Đối chiếu với quy định tại Điều 20, Luật Lâm nghiệp năm 2017 về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: (1) Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên. (2) Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha. (3) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Như vậy, thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư. Do đó, đề nghị xem xét chỉnh sửa, bổ sung thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng được quy định tại Điều 20, Luật Lâm nghiệp năm 2017.

5.  Đất có mặt nước là ao, hồ, đầm (Điều 182)

Điều 182 dự thảo Luật đất đai quy định:  Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao theo hạn mức đối với cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp; Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hộ đang nuôi trồng thủy sản bằng hình thức nuôi lồng, bè trên sông. Vì vậy, cần bổ sung “Sông” cũng đối tượng được Nhà nước giao theo hạn mức đối với cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp. Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nội dung Điều 182 dự thảo Luật thành:

1. Ao, hồ, đầm, sông được Nhà nước giao theo hạn mức đối với cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

2. Ao, hồ, đầm, sông được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất phải đảm bảo cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa”.

Đồng thời, nên xem xét bổ sung thêm điều khoản quy định cụ thể cơ quan nào cấp phép về việc giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người nuôi lồng, bè trên sông, tránh việc chưa có quy định dẫn đến người dân nuôi tròng tùy tiện khó khăn trong việc quản lý.

6. Đất tín ngưỡng (Điều 204)

* Tại khoản 1 dự thảo Luật quy định:  “1. Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng”.

Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nội dung thành “Đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở tương tự khác để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Trên đây là một số góp ý dự thảo Luật Đất đai, rất mong ý kiến trao đổi bạn đọc.   

 

Trụ sở TAND tỉnh Long An - Ảnh: Thái Vũ                                                               

Ths NGUYỄN VĂN HUY (Tòa án quân sự Quân khu 5)