Thủ tục giải quyết vụ án ly hôn mà bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích

Khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì thủ tục giải quyết vụ án được thực hiện như thế nào? Có gì đặc biệt so với vụ án thông thường khác hay không? Tòa án có phải làm các thủ tục niêm yết thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản án không? Dưới đây tác giả nêu các quy định của pháp luật và ý kiến về vấn đề này

Trong thực tiễn xét xử, việc giải quyết vụ án ly hôn với một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích ở các Tòa án thiếu tính thống nhất: (1) Có Tòa án làm thủ tục niêm yết văn bản tố tụng gồm: thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản án; có Tòa án thụ lý và đưa ra xét xử vụ án mà không làm thủ tục niêm yết văn bản tố tụng; (2) Về quyền kháng cáo: có Tòa án tuyên quyền kháng cáo cho bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích; có Tòa án thì không tuyên quyền kháng cáo cho bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Để làm rõ các vấn đề nêu trên, cần phải nghiên cứu xem pháp luật tố tụng quy định như thế nào về các vấn đề này.

1. Quy định của BLTTDS 2015 liên quan đến việc niêm yết văn bản tố tụng

Trong vụ án ly hôn với một bên bị mất tích, người bị mất tích được xác định là đương sự – bị đơn trong vụ án. Như vậy, người bị mất tích này có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 BLTTDS 2015. Đồng thời, người này có các quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 BLTTDS 2015. Theo đó, có thể thấy một số quyền của người bị Tòa án tuyên bố mất tích là bị đơn trong vụ án trong quá trình giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

– Quyền được Tòa án thông báo thụ lý vụ án;
– Quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của BLTTDS 2015;
– Quyền tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành;
– Quyền nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
– Quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
– Quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
– Quyền tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của BLTTDS 2015;
– Quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
– Quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.
– Quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.

Như vậy, để bảo đảm các quyền cho bị đơn – người bị Tòa án tuyên bố mất tích, Tòa án phải thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo quy định tại Chương X BLTTDS 2015, bởi lẽ việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của BLTTDS 2015 thì mới được coi là hợp lệ . Do bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích nên thuộc trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 BLTTDS 2015 mà phải niêm yết công khai theo quy định tại Điều 179 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:

“Điều 179. Thủ tục niêm yết công khai
1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.
2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
3. Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.”.
Từ các quy định nêu trên của BLTTDS 2015, có thể khẳng định, khi giải quyết vụ án ly hôn với một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Tòa án phải niêm yết công khai các văn bản tố tụng gồm thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản án.

2. Quy định của BLTTDS 2015 về quyền kháng cáo của bị đơn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích

Tại Điều 271 BLTTDS 2015 về người có quyền kháng cáo quy định: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.”

Như vậy, trong vụ án ly hôn với một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích, bên bị Tòa án tuyên bố mất tích là bị đơn – đương sự trong vụ án. Theo quy định tại Điều 271 nêu trên thì đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Và quyền kháng cáo của họ phải được ghi trong phần quyết định của bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 BLTTDS 2015. Do vậy trong phần quyết định của bản án sơ thẩm cần phải ghi rõ quyền kháng cáo đối với bản án của bị đơn – người bị Tòa án tuyên bố mất tích.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, BLTTDS 2015 quy định khá rõ ràng về thủ tục giải quyết vụ án dân sự bao gồm cả thủ tục giải quyết vụ án ly hôn với một bên là người bị Tòa án tuyên bố mất tích sở dĩ có việc các Tòa án áp dụng pháp luật không thống nhất trong giải quyết các vụ án ly hôn với một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích nêu trên là do một số Thẩm phán, công chức Tòa án và Hội Thẩm nhân dân chưa nghiên cứu kỹ các quy định của BLTTDS 2015.
Vì vậy, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử trong hệ thống Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm tổ chức tập huấn về thủ tục giải quyết vụ án dân sự nói chung và thủ tục giải quyết vụ án ly hôn với một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích nói riêng.

PHẠM HOÀI NGÂN – SƠN HẢI