Bàn về chế định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng trong luật hình sự; được áp dụng đối với người phạm tội trong những điều kiện nhất định mà Cơ quan tiến hành tố tụng thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu quan điểm về trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) quy định có 02 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự là đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”…
Về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định:“ Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án…”. Tuy nhiên, Điều 157 BLTTHS quy định các căn cứ không khởi tố hình sự lại không có căn cứ nào thuộc Điều 29 BLHS. Như vậy, có thể hiểu khi có tội phạm xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải khởi tố vụ án. Điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS quy định về đình chỉ điều tra “Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”…; tại Khoản 1 Điều 248 BLTTHS cũng quy định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”.
Với các quy định trên có thể hiểu, căn cứ Điều 143 và 157 BLTTHS thì nếu người thực hiện hành vi phạm tội có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra rồi mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với căn cứ “được miễn trách nhiệm hình sự”. Ngoài các quy định trên của BLTTHS thì chưa có văn bản hướng dẫn về việc vận dụng khoản 3 Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự. Thực tế trong thời gian qua, đã có rất nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, phổ biến là trong lĩnh vực giao thông, bởi vì tội phạm giao thông thường kèm với lỗi vô ý.
Khi bàn về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh nội dung này. Có ý kiến cho rằng vẫn phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, sau đó ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự. Ý kiến khác cho rằng nên bổ sung căn cứ miễn trách nhiệm hình sự vào các trường hợp không khởi tố vụ án để ra quyết định không khởi tố vụ án… Quan điểm của người viết là vẫn phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, sau đó ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, bởi vì căn cứ miễn trách nhiệm hình sự và không khởi tố hình sự là khác nhau. Khoản 3 Điều 29 chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm chứ chưa quy định đối với pháp nhân thương mại; đồng thời, khoản 3 Điều 29 quy định các căn cứ để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là chắc chắn hoặc đương nhiên sẽ miễn trách nhiệm hình sự.
Về hậu quả pháp lý của việc áp dụng Khoản 3 Điều 29 BLHS, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2012, đối với một tội phạm cụ thể, sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì thông tin về tội phạm (hậu quả) là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án và áp dụng hình phạt được ghi, lưu lại trong lý lịch tư pháp người phạm tội trong thời gian luật định (còn gọi là án tích); sau một thời gian theo quy định, người có án tích nếu chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không phạm tội mới sẽ được xoá án tích thì mới coi như chưa bị kết án.
Như vậy, theo quy định trên thì đối với trường hợp hành vi phạm tội khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tố tụng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu trường hợp có đủ căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng điều khoản trên để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khi đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can thì tội phạm sẽ không bị ghi vào lý lịch tư pháp của người phạm tội, nghĩa là tội phạm trong trường hợp này không bị án tích.
BLHS quy định có rất nhiều tội có cấu thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”… Hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính, nghĩa là người vi phạm chưa hội đủ yếu tố theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì có thể trở thành tội phạm hình sự trong một số trường hợp mà BLHS quy định. Đây được xem là hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hành chính.
Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 định nghĩa vi phạm hành chính: “là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Điều 8 BLHS định nghĩa tội phạm: “là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”…
Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành, nếu một người phạm tội được áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự thì vừa không bị ghi án tích vào lý lịch tư pháp và cũng không bị coi là chưa hội đủ yếu tố theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để xem xét ranh giới giữa xử lý vi phạm hành chính và tội phạm hình sự khi vi phạm lần sau. Do đó, về lý lịch tư pháp, bản thân người phạm tội khi được áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS 215 để miễn trách nhiệm hình sự được xem như hoàn toàn trong sạch, chưa vi phạm pháp luật dù trước đây, người này từng là tội phạm hình sự. Theo quan điểm người viết, cần thiết bổ sung quy định các trường hợp sau khi được miễn khoản 3 Điều 29, có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vừa được miễn trách nhiệm hình sự. Chúng ta cùng xem xét một ví dụ cụ thể như sau:
Tháng 6/2018, ông Nguyễn Văn A bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2003 (nay là Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015), tháng 7/2018, ông A được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với việc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự này, lý lịch ông A hoàn toàn trong sạch, không bị ghi vào lý lịch tư pháp và cũng không bị xử phạt hành chính. Cũng vào tháng 8/2018, anh Trần Văn B có hành vi trộm cắp vặt, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp. Đến tháng tháng 11/2018, ông A gặp anh B, cả hai bàn bạc và cùng nhau cùng đi trộm 04 thùng bia tại một quán ăn và bị bắt quả tang, giá trị tài sản được định giá là 1,6 triệu đồng. Như vậy, trong lần vi phạm lần 2 này, theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm của ông A không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó ông A không bị xử lý hình sự; còn anh B, do trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, anh B chưa thi hành xong Quyết định xử phạt mà lại tiếp tục vi phạm nên bị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, khoản 3 Điều 29 BLHS thể hiện chính sách phân hóa trách nhiệm hình sự và nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội, đồng thời động viên khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội để chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời việc áp dụng Khoản 3 Điều 29 BLHS cũng sự thể hiện rõ nét nhiệm vụ của pháp luật hình sự Việt Nam là “giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật” (Điều 1), nhằm mục đích “tôn trọng và bảo vệ quyền con người”; là một trong những phương hướng cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân… đã được khẳng định tại Nghị Quyết 49-NQ-TW ngày 02/6/2015 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận