Bàn về đấu giá biển số xe qua phương diện pháp lý
Bên cạnh những lợi ích kinh tế cũng như việc quản lý dân cư thông qua “đấu giá biển số xe” mang lại, thì việc công nhận quyền sở hữu từ hình thức đấu giá loại vật đặc thù này cũng ngầm mang đến những bất cập, rủi ro khó lường. Bài viết sẽ phân tích những bất cập thực tiễn và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cho quy định mới này.
1. Dẫn nhập
Trong bối cảnh hội nhập chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc mong muốn sở hữu tài sản cá nhân với chiều kích mang lại vận may trong quá trình sử dụng tài sản đó cũng như nhằm kiểm soát về sự giới hạn về kho số trên biển số xe khi mối tương quan giữa mật độ dân số, thu nhập bình quân gia tăng nên phát sinh nhu cầu sở hữu tài sản chứa giá trị đặc thù, ý nghĩa riêng mật thiết với đời sống cá nhân của họ cũng từ đó kéo theo.
Trước đòi hỏi đó, Nghị quyết số 73/2022/QH15 & Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô ra đời nhằm giải quyết các mong muốn tự nhiên của con người cũng như tạo điều kiện tăng thu nhập quốc nội là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc công nhận quyền sở hữu thông qua hình thức đấu giá “biển số xe” trên đã tạo ra không ít những hạn chế về phương diện pháp lý và một số quan hệ dân sự khác.
2. Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
2.1.Bất cập về định nghĩa loại tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015
Để một chủ thể có thể tự do thực hiện tuyệt đối quyền sở hữu thông qua việc chiếm hữu, sử dụng cũng như định đoạt đối với đối tượng trong giao lưu dân sự hiện nay theo Điều 186,189,192 BLDS 2015 thì đối tượng giao dịch dân sự đó phải thuộc là một trong các loại “tài sản” theo Bộ luật. Mà theo BLDS 2015 thì tài sản được quy định dưới dạng là “tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản”[1] hoặc phải là “bất động sản hoặc động sản”[2] nhưng khi đối chiếu với thực tế, tác giả thấy rằng “biển số xe” chưa thể phù hợp với bất cứ loại hình tài sản nào nói trên.
Vì nếu thuộc vào nhóm “vật” thì vật đó phải có giá trị độc lập, có thể được sử dụng một cách chuyên biệt và phải mang lại lợi ích cụ thể cho chủ thể sử dụng (chẳng hạn như adapter sạc pin có cấu hình IOS cùng dòng sản phẩm Macbook với nhau thì có thể nạp pin cho bất kỳ thiết bị sản phẩm nào cùng dòng và nếu không đúng loại củ sạc đấy thì máy tính dường như không sử dụng lâu dài được). Ngược lại, biển số xe là một vật đặc thù vì nó không thể sử dụng thay thế cho bất cứ sản phẩm nào cũng được (chẳng hạn biển số của dòng xe Innova không thể nào gắn vào biển của dòng Fortuner mặc dù hai dòng xe trên có cùng hãng sản xuất Toyota với nhau) và cũng không thể khai thác được loại vật này nếu không có thân xe gắn liền vì chẳng ai nắm giữ biển số lưu thông rộng rãi trên đường phố mà phải được gắn kèm theo xe trong quá trình khai thác công dụng của xe (vận chuyển, làm giá trị đồ cổ,…) và nếu không có biển số thì xe ô tô vẫn không thể hoạt động bình thường trong thời gian dài mặc dù nó phụ thuộc vào nhiên liệu (xăng, dầu,...).
Còn nếu biển số được thể hiện dưới dạng “quyền tài sản” thì lại không hợp lý bởi phải có sự đóng góp, đầu tư chi phí, công sức tạo lập dưới bất cứ hình thức nào do chính chủ thể đó thực hiện (hay còn gọi là “quyền đối vật” như: quyền sở hữu trí tuệ, quyền hưởng hoa lợi, quyền thế chấp,..) hoặc có sự giao kết ràng buộc lẫn nhau khi khác thác tài sản đó giữa các chủ thể (hay còn gọi là “quyền đối nhân” như: quyền yêu cầu trả nợ, quyền yêu cầu giao vật…) nhưng đối chiếu với hoàn cảnh thực tế thì “biển số xe” không bắt nguồn từ việc tạo lập, đầu tư hay có bất kỳ sự giao kết nào đối với biến số đó nên không thể được coi là quyền tài sản.
Riêng đối với loại “giấy tờ có giá” thì biển số dường như không phù hợp với loại tài sản này vì giấy tờ có giá ở quy định này được hiểu là “cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”[3] tức là loại vật đó phải thể hiện dưới dạng một loại chứng thư có giá trị pháp lý và có chức năng thanh khoản (tức khả năng quy đổi thành tiền) dựa trên khả năng sinh lời của vật đó, nhằm mục đích kinh doanh và thậm chí giá trị có thể bị biến động do ảnh hưởng các nhân tố đo lường kinh tế thì mới có thể lưu hành rộng rãi trên thị trường. Thực tế thì không có ai cầm “biển số” đem đi giao dịch để quy đổi ra tiền để tìm kiếm lợi nhuận mà thường chúng ta sẽ giao dịch chuyển nhượng xe thông qua giấy tờ pháp lý của xe và đương nhiên biển số xe không chịu sự biến động nào về giá trị do bất cứ yếu tố nào.
Càng không thể xem biển số xe là tiền vì nó không phải là vật ngang giá chung làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác[4] (nghĩa là không phải vật trung gian có giá trị quy đổi ra tiền) để lưu thông với nhau trong đời sống xã hội.
Đồng thời, dẫn chiếu quy định về phạm vi điều chỉnh & loại hình tài sản của Luật Đấu giá tài sản 2016 thì vật đưa ra đấu giá phải “tài sản” nhưng qua việc phân tích về loại hình tài sản theo hàm nghĩa của BLDS thì tác giả thấy rằng chưa thể định hình “biển số xe” phù hợp, thuần nhất với loại tài sản nào để có thể xem là “tài sản” được phép lưu thông thông dụng. Do đó, tác giả kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định hướng dẫn chi tiết cũng như các chỉ đạo cần thiết, cụ thể khi cho phép đưa biển số giao dịch ra ngoài thị trường như hiện nay cũng như giúp quy phạm pháp luật được đồng bộ.
2.2. Bất cập trong quy định giao dịch bảo đảm
Để một vật trở thành “đối tượng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” thì vật đó phải có giá trị như một tài sản thực tế. Như đã phân tích, hiện nay chưa có quy định rạch ròi nào cho rằng “biển số xe” có phải là tài sản theo ý nghĩa của BLDS hay không. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ những bất cập hiện hữu thì tác giả giả sử “biển số xe” như một loại tài sản để minh chứng qua những góc độ sau:
Nếu được xem như một loại tài sản độc lập thì chủ thể có quyền sử dụng tối đa chức năng của tài sản theo các hình thức bảo đảm: cầm cố, thế chấp, ký cược…[5] Trên thực tế, dường như điều này là bất khả thi vì khi thực hiện biện pháp cầm cố, thế chấp thì không ai đem biển số (không có thân máy) ra làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà phải sử dụng cả thân xe (có gắn liền biển số) cùng với những giấy tờ pháp lý liên quan trong việc sở hữu, sử dụng thì chủ sở hữu mới có thể giao dịch với các cơ sở, tổ chức dịch vụ có chức năng bảo đảm trên. Tiếp theo, nếu được phép làm tài sản bảo đảm thì sau khi ràng buộc về mặt pháp lý thì liệu “bên nhận thế chấp được quyền xử lý tài sản thế chấp theo các hình thức tại khoản 1 Điều 303 BLDS 2015 do bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ” hay không? Ví dụ, nếu ông X (bên bảo đảm) vi phạm nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn thì tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) được phép phát mãi biển số xe và việc phát mãi này có hiệu lực pháp lý hay không khi trên thực tế ông X chưa sở hữu bất cứ chiếc ô tô & giấy tờ xe nào tại thời điểm đó, mặc dù biển số và thân xe là một những vật đồng bộ với nhau, không thể tách rời nhằm có thể khai thác tối đa tính năng (giá trị sử dụng) của xe khi xe lăn bánh theo luật định.
Ngoài biện pháp thế chấp thì khi so sánh với biện pháp lý cược thì cũng phát sinh ra không ít thiếu sót. Theo luật định “nếu như bên thuê (bên ký cược) vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp không giữ gìn, bảo quản tài sản thuê khiến cho tài sản đó không còn thì nghiễm nhiên tài sản ký cược thuộc bên cho thuê (bên nhận ký cược)”[6] và điều này khi áp dụng thực tiễn đối với biển số xe thì dường như không xác đáng. Chẳng hạn, ông K thuê cửa hàng X chiếc đồng hồ có giá trị tầm trung (khoảng 12 triệu đồng) tham gia sự kiện và lấy biển số làm tài sản ký cược. Tuy nhiên, vì sơ suất nên sau sự kiện chiếc đồng hồ đó bị lạc mất, không còn để trả lại thì trong tình huống này, biển số có thuộc về cửa hàng một cách hợp pháp không. Và nếu thuộc quyền sở hữu của cửa hàng rồi thì cửa hàng có nhu cầu không sử dụng làm tài sản riêng mà đưa biển số ra giao dịch, đấu giá lần nữa hay không vì hiện nay theo Luật Đấu giá tài sản 2016 và các quy định liên quan không hạn chế số lần đấu giá. Tác giả nhận thấy đây cũng là một điểm quan trọng cần lưu ý.
Việc đưa ra hai hình thức bảo đảm ví dụ trên đã đưa các cơ sở pháp lý vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Rõ ràng nếu thừa nhận “biển số” là tài sản bảo đảm được phép giao dịch thì vô hình trung khiến cho “biển số xe” bị biến chất vì làm giảm sút giá trị giao dịch tài sản là động sản đó. Như vậy, việc thừa nhận đã ngầm mặc định biển số xe được tự do lưu thông trong giao lưu dân sự mà không chịu sự ràng buộc bởi các cơ cấu thành phần gắn liền khác mặc dù chúng ta đã đồng nhất rằng chúng là vật đồng bộ, không thể tách rời ra để làm đối tượng giao dịch (nghĩa là khi giao dịch phương tiện giao thông thì đối tượng giao kết phải là thân xe và các chứng thư pháp lý liên quan chứ không phải chỉ là một bản giấy cứng với những kí tự series, con số biểu trưng trên bản giấy đó).
Nhìn nhận một cách đơn giản có thể hiểu là bất cứ ai sở hữu được biển số thì không bị hạn chế giao dịch với chủ thể khác mà không cần thân xe, thế thì việc này dẫn đến trái với mục đích cuối cùng trong quan hệ mua bán phương tiện giao thông và đi ngược lại những quy định liên quan về công nhận quyền sở hữu đối với loại tài sản là động sản này. Ngược lại, nếu pháp luật cho rằng biển số xe là tài sản mà không đồng ý để các chủ thể vận dụng tuyệt đối các biện pháp bảo đảm thì đã vô tình tước bỏ quyền tự do xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền , nghĩa vụ dân sự của cá nhân theo nguyên tắc cơ bản trong BLDS hiện nay[7].
2.3. Bất cập khi áp dụng chế định thừa kế
Hiện nay, người quá cố có quyền chỉ định để lại bất cứ tài sản nào làm di sản thừa kế (kể cả tài sản hình thành trong tương lai). Dưới góc độ pháp lý vẫn còn không ít mâu thuẫn.
Thứ nhất, nếu đã xem biển số xe như một loại tài sản làm đối tượng đấu giá thì chủ thể có thể quyết định triệt để quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó (cụ thể là biển số xe). Tuy nhiên, theo luật định thì “người trúng đấu giá không được quyền để thừa kế biển số xe trúng đấu giá, trừ khi để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá đó”[8] thì mặc nhiên hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu theo Điều 194 BLDS 2015 “Chủ sở hữu có quyền […] để thừa kế […] đối với tài sản”. Hơn nữa, thừa kế là một biểu hiện của hành vi pháp lý đơn phương (một trong những thể thức của giao dịch dân sự). Vì vậy, khi đã đáp ứng đủ các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực[9] và vì ý nghĩa cao đẹp của bản chất di chúc dưới góc độ nhân văn thì không ai được quyền cản trở hay phủ nhận việc thực hiện di chúc đó.
Thứ hai, việc tham gia đấu giá đã dẫn đến việc xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên theo Luật Đấu giá tài sản, thậm chí trong giao dịch này còn xuất hiện “tiền đặt trước” như một tài sản để đảm bảo nhằm cam kết thực hiện các nghĩa vụ của bên tham gia đấu giá. Giả sử sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá thì người tham gia đấu giá không may chết do sự cố nảo đó nên không thể hoàn tất thủ tục cuối cùng việc đăng ký xe ngay được trong thời hạn 15 ngày kể từ phát sinh sự kiện trên[10] nhưng bằng sự khao khát chính đáng sở hữu được một loại tài sản có ý nghĩa về mặt pháp lý, kinh tế, tâm linh (số học,…) và thiện chí đạt được mục đích cuối cùng của giao dịch dân sự (được công nhận quyền sở hữu đối với biển số) nên trước lúc chết, người quá cố chỉ kịp để lại di chúc miệng[11] (trường hợp này đã thỏa mãn điều kiện về hình thức di chúc miệng và người làm chứng)[12] rằng ủy quyền cho người thừa kế mà họ chỉ định (ủy quyền miệng – là một phần trong di chúc) tiếp tục tham gia đấu giá để đạt được biển số theo ý nguyện của người chết. Tuy nhiên, theo Luật Đấu giá tài sản thì “người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá”[13] và tại Nghị định số 39/2023/NĐ-CP về đấu giá biển số xe cũng không có bất cứ quy định nào hạn chế về hình thức “ủy quyền miệng”[14] này song theo BLDS hiện hành cũng cho phép, thừa nhận về hiệu lực giao dịch dân sự bằng miệng[15] (trong đó có di chúc miệng) miễn là đáp ứng các điều kiện luật định. Có thể thấy, khi người nào đó rơi vào tình trạng sự kiện bất khả kháng (gặp đe dọa về tính mạng) khiến họ không thể ủy quyền ngay được bằng văn bản theo Luật Đấu giá tài sản mà chỉ có thể kịp ủy quyền miệng theo BLDS cùng với nội dung di chúc miệng rằng “tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của người thừa kế sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký” theo chỉ định người quá cố (có sự chứng kiến của nhiều người) thì hoàn toàn đúng pháp luật. Như vậy, pháp luật sẽ đối diện hai hướng: một là tôn trọng thực hiện theo di nguyện người chết để lại (không vi phạm về hình thức, bản chất di chúc) hoặc là từ chối di chúc đó mà thi hành cứng nhắc, rập khuôn theo luật định. Theo tôi, pháp luật nên có sự cân chỉnh khi xem xét vấn đề này để tạo ra tiền lệ cho điểm khó này.
2.4. Bất cập về ý nghĩa bản chất
Nhìn chung biển số xe có điểm tương đồng như biển số nhà. Trước hết, chúng đều là vật gắn liền với bộ phận khác tạo thành một chỉnh thể đồng bộ hoàn chỉnh và thuộc đối tượng phải đăng ký trong quá trình sử dụng. Do đó, dựa trên căn cứ này nên biển số xe được xem như là cơ sở để mọi người nhận diện một cách khách quan, chính xác nhất về chủ sử hữu có quyền sử dụng và định đoạt tài sải đó. Hơn nữa, giá trị của một hợp đồng mua bán xe dựa trên kết cấu, các bộ phận vật chất cấu thành thân xe, chi phí đầu tư, sản xuất, vv… và sau quá trình sử dụng lâu dài, nếu chủ sở hữu tiếp tục bán chiếc xe đó đi thì giá trị tài sản dựa trên tình trạng hao mòn hay nguyên vẹn của xe chứ không phải đội giá do có sự gắn ghép thêm biển số. Như vậy, thật công bằng cho chủ sở hữu kế vị đối với động sản đó cũng như ngầm tạo lối mòn cho chủ sở hữu cũ kiếm lợi nhuận từ mánh khỏe này thì rất phi lý.
Thứ hai, ý nghĩa nguyên bản cũng như hợp lý nhất của biển số là giúp cho “tài sản được xác lập quyền sở hữu” (quyền sở hữu phương tiện giao thông) trở nên giá trị hơn trong quan hệ xã hội cũng như quan hệ pháp lý. Chẳng hạn: trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (hay mua bán nhà đất) thì bên mua sẽ rất cân nhắc việc lựa chọn số nhà tại khu vực địa giới đó để thuận tiện cho việc phát triển đời sống cá nhân, kinh doanh sản xuất hay dự đoán xảy ra bất kỳ hệ quả nào về tình trạng pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng lâu dài về sau hay không. Mặt khác, để khi chủ sở hữu tự do thực hiện quyền chuyển nhượng thì bên mua sẽ yên tâm giao kết hợp đồng giúp tạo ra giá trị kinh tế cũng như giá trị pháp lý hơn.
Thứ ba, biển số xe là một trong những đối tượng chịu sự giám sát, quản lý của Nhà nước trong suốt quá trình sử dụng nên nó là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận diện khi giải quyết các tranh chấp hay thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ chứ không phải xử lý dựa trên thiệt hại về tình trạng pháp lý, tranh chấp về quyền sử dụng biển số đó.
Cuối cùng, như đã phân tích thì biển số và thân xe như một vật đồng bộ, do đó nếu tháo rời một trong hai bộ phận này ra và biến chúng như một loại tài sản để giao dịch sẽ làm giảm sút giá trị vốn của tài sản gây xáo trộn mục đích sản xuất ban đầu của nhà sản xuất (chẳng hạn mối liên hệ giữa chìa khóa – thân xe). Vì suy cho cùng biển số chỉ là một công cụ, chính xác hơn là cơ sở nhằm đảm bảo tính ổn định, khách quan về bản chất của “tài sản chủ yếu được xác lập” (thân xe) cho dù có bất cứ sự thay đổi nào về tình trạng kết cấu bên trong lẫn bên ngoài (nguyên nhân chủ quan) trong quá trình vận hành, khai thác tính năng chiếc xe của chủ sở hữu tài sản đó hay sự thay đổi về tình trạng pháp lý (nguyên nhân khách quan) từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.5. Rủi ro trong nền kinh tế
Vấn đề an ninh trật tự ngày nay mặc dù được kiểm soát chặt chẽ song quyền sở hữu tài sản của các chủ sở hữu vẫn bị đe dọa, xâm phạm bởi các hành vi phạm tội. Giữa mật độ dân cư đa dạng cùng với tình hình kinh tế mất cân bằng gắn liền với hệ quả thiếu việc làm trên diện rộng. Với tình hình đó, khuôn mẫu mới về đấu giá biển số xe đã tạo cho các tội phạm lợi dụng tính “độc nhất” & “giá trị cao” của loại tài sản này để thực hiện các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản… Điều này không những không đáp ứng ý nghĩa cốt lõi về giá trị kinh tế, ngược lại khiến an ninh địa phương bị xáo trộn, tăng tỉ lệ thành phần tội phạm.
Với đặc trưng nền kinh tế nhiều thành phần nước ta hiện nay thì việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực tài chính tiềm năng là hiển nhiên. Theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành hiện chưa có bất kỳ quy định mình thị nào hạn chế đối tượng áp dụng là “người nước ngoài” nên pháp luật cũng nên dự liệu tính trạng từ cơ chế đầu tư sang đầu cơ bằng các hình thức khác nhau là hoàn toàn có khả năng. Ngay cả tại một số vùng kinh tế trung tâm thành phố cũng xuất hiện những người dân trong nước có tiềm lực kinh tế cao cũng sẽ dễ dàng sở hữu những loại tài sản giá trị liên thành này nên việc pháp luật tiên liệu trước vấn đề cũng không hề vô ích.
Trong thời đại công nghệ chuyển đối số 4.0, tội phạm công nghệ cũng ngày càng tinh vi. Việc xâm nhập các tài khoản tham gia đấu giá để như truy xuất các thông tin về cá nhân chủ thể tham gia đấu giá cũng như vô hiệu các phiên giao dịch tài sản là có khả thi. Kiến nghị các cơ quan chức năng có sự lưu tâm cần thiết cho lợi ích chung này.
2.6.Kiến nghị hoàn thiện
Với quan điểm cá nhân, tác giả xin đưa ra hai phương hướng giải quyết sau:
Thứ nhất, do các cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, đồng bộ và nguy cơ tiềm ẩn trong thực tiễn nên tôi đề xuất theo hướng tạm dừng việc thí điểm, tiếp tục họp bàn lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan lĩnh vực này cũng như tổ chức đối thoại ghi nhận kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và một số quốc gia phát triển đã thành công trong công tác đấu giá để ổn định việc thực hiện kế hoạch này trong thời gian dài.
Thứ hai, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhìn nhận biển số xe như là một loại tài sản thì hy vọng sẽ sớm có những quyết định hướng dẫn chi tiết cho việc áp dụng. Đồng thời khi vận dụng thực tế, tác giả kiến nghị có thể áp dụng một số giải pháp sau: (1) hiện nay kho số có giới hạn nhưng mỗi người đều có mã định danh riêng nên có thể cấp mã số xe theo mã định danh theo từng người. Nếu chủ sở hữu không còn sống thì mã số xe này cũng chấm dứt theo luôn mã định danh đó. Cơ chế lựa chọn cấp mã số xe dựa trên mã định danh có thể tùy nghi chọn lựa theo các cặp số đầu hoặc cặp số số cuối theo yêu cầu của người dân và quyết định của cơ quan nhà nước nhưng phải đảm bảo sự đồng nhất trên phạm vi toàn quốc; (2) nhằm tránh thu lợi qua việc tích trữ tài sản cho các mục đích xấu thì chỉ cho phép mỗi hộ gia đình hoặc mỗi các nhân được phép sở hữu tối đa 02 biển số đẹp trong quỹ số (ngân hàng số) cả nước và tính thuế biển thứ hai trong quá trình sử dụng như kinh nghiệm đánh thuế bất động sản thứ 2 ở một số quốc gia để người dân có sự cân nhắc hợp lý hơn.
3. Kết luận
Không thể phủ nhận những lợi ích của việc của đấu giá biển số xe mang lại, song quy định mới này cũng tạo ra những bất cập vô hình. Hình mẫu “biển số xe” đã ngầm nhắc nhở không phải tài sản nào cũng được phép tự do trong giao lưu dân sự điển hình như: vũ khí quân dụng, vật phẩm gây sát thương hay các dụng cụ phục vụ cho động cơ thu lợi bất chính… mặc dù chưa có chủ thể hay quy định nào quả quyết rằng việc tồn tại của chúng có trái đạo đức xã hội, quy định pháp luật hay không. Để vận dụng một cách hiệu quả quy định mới, tác giả mong đợi sớm có những điều tiết thuyết phục hơn.
Hơn 153.000 biển số ô tô của 63 tỉnh, thành phố đã được Bộ Công an niêm yết công khai để người dân lựa chọn, đấu giá ở phiên thứ nhất- Ảnh: CP
[1] Khoản 1 Điều 105 BLDS 2015.
[2] Khoản 2 Điều 105 BLDS 2015.
[3] Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP.
[4] Nguyễn Minh Oanh (2009), “Các loại tài sản trong luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (01), tr.15.
[5] Điều 292 BLDS 2015.
[6] Khoản 2 Điều 329 BLDS 2015.
[7] Khoản 2 Điều 3 BLDS 2015.
[8] Điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 về đấu giá biển số xe ô tô.
[9] Điều 117 BLDS 2015.
[10] Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 39/2023/NĐ-CP.
[11] Nguyễn Hoàng Bá Huy – Mạch Hồng Phương (2023), “Bất cập trong quy định về di chúc miệng và kiến nghị hoàn thiện”, [https://tapchitoaan.vn/bat-cap-trong-quy-dinh-ve-di-chuc-mieng-va-kien-nghi-hoan-thien8887.html.] (truy cập ngày 23/7/2023).
[12] Điều 627, 629 & khoản 5 Điều 630 BLDS 2015.
[13] Khoản 1 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016.
[14] Khoản 1 Điều 138 BLDS 2015.
[15] Khoản 1 Điều 119 BLDS 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận