Bàn về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý
Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng là một hình thức giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy, bài viết phân tích Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015
Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
“1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là cho thuê, cho mượn hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng là một hình thức giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng khác với hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy ở tội sử dụng trái phép chất ma túy là người cho mượn, cho thuê địa điểm không có hành vi nhằm đưa chất ma túy vào cơ thể người khác. Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma túy, nếu không có người sử dụng chất ma túy thì không thể có người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này, người sử dụng chất ma túy lại không phải người bị hại.
Hành vi khách quan của tội này được quy định là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể là hành động như cho mượn, cho thuê địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý để người khác trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy hoặc cũng có thể là không hành động như không ngăn cản người khác sử dụng chỗ ở, chỗ làm việc của mình làm chỗ tiêm chích, hút, hít chất ma túy…
Việc các nhà làm luật quy định một hoặc một số hành vi cụ thể và sau đó quy định hành vi khác, thủ đoạn khác, hành động khác là muốn nhấn mạnh những hành vi điển hình thường gặp, nhưng lại đề phòng trong thực tiễn còn có những hành vi khác mà nhà làm luật chưa lường hết được nên phải quy định như vậy. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn về những hành vi khác là những hành vi nào để áp dụng thống nhất pháp luật.
Cho thuê địa điểm để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là dùng địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý hoặc chiếm hữu (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy và được người sử dụng trái phép chất ma túy trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Hành vi cho thuê địa điểm cũng tương tự như hành vi cho thuê địa điểm ở tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chỉ khác ở chỗ: người cho thuê địa điểm trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là để đưa chất ma túy vào cơ thể của người khác, còn trong tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy thì người cho thuê địa điểm không có hành vi đưa chất ma túy vào cơ thể người khác mà hành vi này là do người sử dụng trái phép chất ma túy tự đưa ma túy vào cơ thể của họ hoặc nếu có nhiều người thì có thể họ đưa chất ma túy vào cơ thể của nhau. Trong trường hợp này, người sử dụng trái phép chất m atuys có thể có người có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, còn người cho thuê địa điểm chỉ phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý là những động sản hoặc bất động sản đã được các cơ quan Nhà nước xác nhận thuộc quyền sở hữu hoặc được giao quản lý, chiếm hữu như: nhà ở, tầu, thuyền, xe ô tô, trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; nhà hàng, khách sạn không thuộc sở hữu của mình nhưng được chủ sở hữu giao cho quản lý…
Nếu cho thuê địa điểm để người thuê sử dụng vào việc khác nhưng sau khi thuê, người thuê lại dùng địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy mà người cho thuê không biết việc này thì người cho thuê địa điểm không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Cho mượn địa điểm để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là dùng địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý hoặc chiếm hữu (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không buộc người sử dụng trái phép chất ma túy phải trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất nào khác.
Nếu người có địa điểm để cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không biết có việc sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng không phải là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ: anh Phạm Văn D là lái xe khách, có 04 người lên xe của anh D, anh D nói cứ lên xe đợi khi nào đủ khách thì xe xuất bến. Sau khi lên xe, 04 người lấy Heroine ra hút thì bị Công an bắt quả tang. Có thể nói hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng gần giống hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, tức là phải biết người khác sử dụng trái phép chất ma túy mà chứa chấp thì mới phạm tội. Còn nếu không biết thì không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Hành vi khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là ngoài hành vi cho thuê hoặc cho mượn địa điểm nhưng vẫn chứa chấp được việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, xét về bản chất, vừa là hành vi giúp sức người khác sử dụng trái phép chất ma túy vừa là hành vi che giấu việc sử dụng trái phép chất ma túy của người khác. Mặt khác, theo quy định tại Điều 389, Điều 390 Bộ luật Hình sự thì hành vi che giấu hoặc không tố giác người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là hành vi phạm tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm. Vì vậy, có thể coi hành vi khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm cả hành vi che giấu hoặc không tố giác việc sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, không phải hành vi che giấu hoặc không tố giác nào cũng là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, mà chỉ có một số trường hợp hành vi che giấu hoặc không tố giác đã trực tiếp giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy mới là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Hậu quả tội phạm về ma túy nói chung và hậu quả của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội chính là những thiệt hại phi vật chất (chính sách quản lý của Nhà nước đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy). Riêng đối với hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là tham gia vào quá trình làm tăng số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy trong xã hội.
Người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi mà mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra, tạo điều kiện về địa điểm cho việc sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, đối với hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, không có trường hợp nào thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội biết rõ người thuê địa điểm, mượn địa điểm là để sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn cho thuê, cho mượn địa điểm là để sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn cho thuê, cho mượn và mong muốn người thuê, người mượn địa điểm của mình đưa được chất ma túy vào có thể của họ với nhiều động cơ khác nhau, riêng hành vi cho thuê địa điểm là vì vụ lợi. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội thì không phải là phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Các trường hợp phạm tội cụ thể
1. Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, là tội phạm nghiêm trọng. So với khoản 1 của Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì quy định này không thay đổi.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về hình quyết định hình phạt tại Chương VI Bộ luật Hình sự. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt (dưới 02 năm tù), nhưng không được dưới 03 tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng, chỉ cho người phạm tội hưởng án treo nếu vì nể nang, nhất thời phạm tội, không có mục đích tư lợi và không có tiền án, tiền sự.
2. Khoản 2 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là điều kiện để thực hiện hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Người có chức vụ, quyền hạn để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Nếu hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của mình thì dù có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: H là cán bộ hải quan đã cho T và L vào nhà mình sử dụng trái phép chất ma túy. Mặc dù, H có chức vụ, quyền hạn nhưng hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy của H không liên quan đến việc sử dụng chức vụ, quyền hạn của H nên không thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Thực tiễn xét xử cho thấy, ngoài việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, người phạm tội còn lợi dụng nghề nghiệp để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy như bảo vệ cơ quan, lái xe… Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên đối với người lợi dụng nghề nghiệp để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị coi là lợi dụng quyền hạn, vì nghề nghiệp của họ cũng cho phép họ những quyền hạn nhất định.
- Phạm tội 02 lần trở lên: đây là trường hợp người phạm tội đã chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy ít nhất là 02 lần nhưng chưa bị xét xử lần nào, mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu có hai lần chứa chấp việc sử dụng việc sử dụng trái phép chất ma túy trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội 02 lần trở lên.
- Đối với người dưới 16 tuổi: là trường hợp người được chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 16 tuổi, việc xác định tuổi của người mà người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà căn cứ vào tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan nên người phạm tội dùkhông biết người mà họ chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 16 tuổi thì vẫn bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt này.
- Đối với 02 người trở lên: là trường hợp một lần chứa chấp ít nhất 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu trường hợp đó lại có người sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội còn thuộc trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.
So với khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì khoản 2 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn. Cũng như những trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Tòa án có thể phạt dưới 07 năm tù nhưng không được dưới 02 năm tù. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (15 năm tù).
Bài liên quan
-
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
-
Đề nghị sửa đổi làm rõ một số vấn đề của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
-
Giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để sớm báo cáo Quốc hội
-
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận