Bàn về việc trừ thời hạn giảm thời hạn chấp hành án phạt tù khi xét xử lại

Trong thời gian chấp hành án phạt tù, người chấp hành án đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 63 BLHS thì sẽ được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật đang chấp hành bị hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại thì khi quyết định hình phạt tù tại bản án xét xử lại, thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của bản án bị hủy có được khấu trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù không?

Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù để họ quyết tâm học tập, cải tạo, hoàn lương để sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho gia dình, xã hội. Thực hiện chính sách này, trong năm 2023, cả nước đã có 97.078 hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án phạt tù[1] được đề nghị. Để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, người chấp hành án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể, hồ sơ đề nghị được lập, thẩm định và quyết định theo quy định tại Điều 63 BLHS; Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 12/8/2021 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Chương 2 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC và VKSNDTC.

Trong thực tiễn, có những trường hợp người chấp hành án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhưng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đang thi hành bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại, thì thời gian đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù này có được khấu trừ vào thời gian phải chấp hành án của bản án xét xử lại hay không thì chưa có quy định pháp luật cụ thể và còn gây nhiều tranh cãi.

Tình huống cụ thể:

Khoảng 02 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 9 năm 2018, Tổ công tác của Công an tiến hành kiểm tra quán Karaoke VP thì tại phòng Vip 02 phát hiện và thu giữ chất bột màu trắng trên đĩa sứ (được niêm phong, ký hiệu A), 01 gói nylon, bên trong có một mảnh vỡ viên nén màu xanh nhạt (được niêm phong, ký hiệu B) và 06 đối tượng. Qua giám định, chất bột trong mẫu ký hiệu A là ma túy, có khối lượng 0,0667g, loại: Ketamine; các mảnh trong mẫu ký hiệu B là ma túy, có khối lượng 0,1956g, loại: MDMA.

Tại Bản án số 22/2020/HSST của TAND TP N ngày 14/02/2020 đã xử phạt các bị cáo về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLHS. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang T bị xử phạt 1 năm 3 tháng tù, bị cáo Nguyễn Văn H bị xử phạt 1 năm tù. Ngày 30/3/2020, hai bị cáo T, H cùng đi chấp hành án. Trong quá trình chấp hành án, Nguyễn Quang T được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 4 tháng, Nguyễn Văn H được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 2 tháng 6 ngày. Ngày 24/01/2021, Nguyễn Văn H được Trại giam A cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù. Ngày 28/2/2021, Nguyễn Quang T được Trại giam X cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.

Ngày 26/3/2021, Ủy ban Thẩm phán – TANDCC đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 11/2021/QĐ-GĐT với nội dung: hủy Bản án 22/2020/HSST của TAND TP N và chuyển hồ sơ cho VKSNDCC để điều tra lại theo thủ tục chung.

Ngày 30/01/2023, VKSND TP N đã ban hành Cáo trạng truy tố Nguyễn Quang T và Nguyễn Văn H cùng về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS.

Ngày 08/8/2023, tại bản án số 220/2023/HSST, Tòa án TP N đã xét xử, quyết định: xử phạt Nguyễn Quang T 07 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam đi thi hành án, nhưng được trừ thời gian đã chấp hành án từ ngày 30/3/2020 đến ngày 28/2/2021; xử phạt Nguyễn Văn H 07 năm 03 tháng tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12/5/2022, nhưng được trừ thời gian đã chấp hành án từ ngày 30/3/2020 đến ngày 24/01/2021.

Ngày 21/9/2023, Nguyễn Quang T, Nguyễn Văn H đi chấp hành án tại Trại giam Z.

Ngày 30/9/2023, Trại giam Z có văn bản đề nghị TAND TP N khấu trừ thời gian giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Nguyễn Quang T, Nguyễn Văn H vì đã không xem xét, khấu trừ đối với thời gian đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù khi chấp hành án Bản án số 22/2020/HSST ngày 14/02/2020 tại phần quyết định hình phạt tại Bản án số 220/2023/HSST ngày 08/8/2023.

Hiện việc có khấu trừ thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Nguyễn Quang T, Nguyễn Văn H còn có nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Quan điểm thứ nhất:

Thời gian giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 4 tháng đối với T, 2 tháng 6 ngày đối với H được trừ vào thời gian chấp hành án của bản án xét xử lại. Bởi lẽ, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với H, T đã có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành.

Quan điểm thứ hai:

Thời gian giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 4 tháng đối với T, 2 tháng 6 ngày đối với H không được trừ vào thời gian chấp hành án của bản án xét xử lại. Về căn cứ pháp lý: tại khoản 1 Điều 38 BLHS, trong hình phạt tù có thời hạn thì thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù. Tại khoản 1 Điều 56 BLHS, khi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước đó thì Tòa án quyết định hình phạt của tội đang xét xử, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định, thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung. Như vậy, hiện chưa có quy định pháp luật nào về việc trừ thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào thời gian chấp hành án phạt tù khi xét xử lại.

Một trong các điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là “đã chấp hành án được một thời gian nhất định”[2], cụ thể là một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù có thời hạn. Trong trường hợp này, khi giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với H, T thì điều kiện chấp hành được 1/3 thời hạn hình phạt tù được xác định theo mức án phạt của bản án số 22/2020/HSST, cụ thể, mức án của T là 1 năm 3 tháng tù, mức án của H là 1 năm tù. Bản án 22/2020/HSST đã bị hủy để xét xử lại, mức hình phạt của bản án hiện đang có hiệu lực của T là 7 năm tù, của H là 7 năm 3 tháng tù. Do đó, H, T chưa đủ điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo bản án đang có hiệu lực pháp luật nên việc sử dụng thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của bản án đã bị hủy để trừ vào thời gian chấp hành án là không có cơ sở.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, ngoài các lý do nêu trên, thì ý nghĩa của việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam, thời gian đã chấp hành án vào thời hạn chấp hành án phạt tù của người chấp hành án được xác định là thời gian người đó thực tế bị giam, giữ, cải tạo. Thời hạn được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tuy được trừ vào thời hạn chấp hành án, nhưng thời gian này người chấp hành án không phải thi hành. Nhưng cũng không loại trừ việc các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Nguyễn Quang T, Nguyễn Văn H vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, theo tác giả thì khi quyết định giám đốc thẩm đã quyết định hủy bản án số 22/2020/HSST ngày 14/02/2020 của TAND TP N để điều tra lại thì cần thiết tiến hành thủ tục đề nghị tái thẩm theo quy định tại Điều 398, Điều 400 BLTTHS. Từ đó mới có căn cứ xem xét, giải quyết đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Nguyễn Quang T, Nguyễn Văn H nhằm giải quyết triệt để nội dung vụ án cũng như hậu quả pháp lý của việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Việc xem xét có khấu trừ thời gian giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào thời hạn chấp hành án khi xét xử lại bản án có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của người chấp hành án và thuộc trách nhiệm của người tiến hành tố tụng của bản án. Đây là vấn đề cấp bách nên các quy định liên quan đến vấn đề này cần sớm được sửa đổi, bổ sung để được áp dụng thống nhất.

*Phòng KTNV và Thi hành án – Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Tòa án nhân dân TP Nha Trang, Khánh Hòa xét xử vụ án ma túy - Ảnh: Minh Hữu 

 

 

 


[1] Thông báo số 135/TB-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[2] Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự: “Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”

NGUYỄN HỒNG THẮM*