Bảo vệ nhóm yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và một vài giá trị tham khảo
Bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội là một trong những mục tiêu của pháp luật hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, xác định nhóm yếu thế và bảo vệ nhóm yếu thế đã tồn tại trong pháp luật phong kiến Việt Nam, cụ thể ở Bộ luật Hồng Đức. Những nội dung này cũng sẽ là những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhóm yếu thế trong giai đoạn hiện nay
1. Nhóm yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức
Ngày nay, khi nói đến nhóm yếu thế, chúng ta thường hình dung đến một khái niệm để chỉ những chủ thể có những khó khăn, thiệt thòi… về thể chất, tinh thần, điều kiện kinh tế, vị thế xã hội… nên không có khả năng thiết lập sự bình đẳng trong một quan hệ xã hội cụ thể. Nhóm người yếu thế còn có thể là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Sự tiếp cận các nhu cầu cơ bản của nhóm người này sẽ gặp nhiều cản trở. Nhìn chung, nhóm yếu thế là khái niệm có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau.
Ở góc độ chung, nhóm yếu thế chỉ nhóm người không có khả năng tiếp cận các điều kiện sống, các nhu cầu cơ bản do đặc điểm về tuổi tác, dân tộc, giới tính, thể chất, vị thế xã hội… Để đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội, ở các lĩnh vực khác nhau, nhóm người này sẽ được sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước và cộng đồng nhằm khắc phục những chênh lệch mà họ đang gặp phải. Ví dụ như nhà nước sẽ cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số… hay nhà nước và xã hội sẽ thực hiện những chính sách ưu đãi về nguồn vốn để phát triển kinh tế đối với phụ nữ nông thôn, người nghèo…
Ở góc độ các quan hệ pháp luật cụ thể, trong bất cứ quan hệ nào, một bên chủ thể thường ở vị trí bất lợi hơn, dễ chịu sự chi phối của bên kia. Trong quan hệ cha mẹ - con cái, con cái chưa thành niên sẽ là chủ thể phụ thuộc vào cha mẹ, chịu sự tác động, chi phối của cha mẹ và có thể coi là bên yếu thế hơn. Trong quan hệ vợ - chồng, vì đặc điểm tâm sinh lý, quan niệm xã hội, phong tục tập quán… mà người vợ thường ở thế không bình đẳng với người chồng, có thể được coi là bên yếu thế hơn. Vì thế, các ngành luật hiện đại ngày nay đều được thiết lập theo xu hướng bảo vệ được bên yếu thế hơn trong các quan hệ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của bên yếu thế, duy trì, cân bằng sự bình đẳng giữa các bên.
Tuy nhiên, không phải đến thời kì hiện đại, pháp luật mới có sự phân tách nhóm yếu thế trong xã hội. Trong nhà nước phong kiến Việt Nam, Bộ luật Hồng Đức do nhà Lê ban hành không chỉ nổi tiếng bởi kĩ thuật lập pháp, phạm vi điều chỉnh toàn diện mà về nội dung, bộ luật này còn chứa đựng những điều khoản thể hiện sự ưu tiên nhất định đối với một số nhóm người trong xã hội. Mặc dù không có một khái niệm chung hay sự lý giải cụ thể nào về nhóm chủ thể được ưu tiên đó song từ các điều khoản cụ thể, có thể thấy tiêu chí được xác định ở đây là độ tuổi, thể chất, giới tính, điều kiện kinh tế. Cụ thể, người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người nghèo đều có những cơ chế bảo vệ quyền lợi của họ trong một số trường hợp. Họ được bảo vệ trong quá trình thiết lập quan hệ pháp luật với nhóm chủ thể khác (quan lại, nhà quyền thế…), được ưu tiên ở mức độ nhất định khi áp dụng luật hình, được chủ động quyết định khi lợi ích bị xâm phạm…Với cách thức xác định nhóm người cần được bảo vệ và đề ra hình thức chống lại sự xâm phạm có thể xảy ra, đây là một bộ luật vượt trước thời đại khi hàm chứa những nội dung hết sức tiến bộ và nhân văn, đặc biệt đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến.
2. Nội dung quy định pháp luật bảo vệ nhóm yếu thế
2.1. Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ
Cần phải nhấn mạnh rằng, pháp luật phong kiến Việt Nam nói chung, Bộ luật Hồng Đức nói riêng được xây dựng trên cơ sở nền tảng tư tưởng Nho giáo – hệ tư tưởng phân biệt nam – nữ sâu sắc và rõ nét. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến và trong pháp luật đều chịu sự ràng buộc, sự chế ngự của những quy tắc, lề lối Nho giáo. Họ là người phụ thuộc, ở thế phục tùng, phải gánh vác công việc gia đình, lao động nặng nhọc, sinh con nối dõi như một trách nhiệm đương nhiên. Tam tòng, tứ đức là khuôn phép, tiêu chí đạo đức xiết chặt nhu cầu hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên, song song với những quy định mang đậm chất Nho giáo phong kiến, Bộ luật Hồng Đức cũng thể hiện rõ sự ưu tiên đối với phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh, nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này cho thấy các nhà làm luật thời phong kiến đã có tư duy coi phụ nữ là kẻ yếu thế khi áp dụng pháp luật.
Trước hết, sự ưu tiên quyền lợi của phụ nữ được thể hiện trong lĩnh vực hình sự, đặc biệt với việc áp dụng hình phạt. Pháp luật phong kiến có quan niệm hàm hỗn giữa dân luật và hình luật[1] . Mọi vi phạm dù là trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình đều bị dự liệu hình phạt. Bên cạnh đó, hệ thống hình phạt trong pháp luật phong kiến vốn nổi tiếng bởi sự tàn bạo, gây đau đớn cho thể xác con người cũng như hạ thấp nhân phẩm, danh dự của họ. Tuỳ mức độ nặng nhẹ ở hành vi vi phạm mà ngũ hình (suy, trượng, đồ, lưu, tử) sẽ được lựa chọn. Ở việc áp dụng hình phạt, Bộ luật Hồng Đức trực tiếp quy định sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà khi cùng phạm một tội. Tại Điều 1, Bộ luật đã khẳng định đàn bà sẽ không bị áp dụng phạt trượng (đánh bằng gậy). Cụ thể: đàn ông phạm tội nhẹ phạt 80 trượng, đàn bà phạm tội nhẹ phạt 50 roi (trang 28). Cùng tội đồ, đàn ông đồ làm chủng điền binh, đeo gông, đày vào làm việc ở Diễn Châu thì đàn bà đồ làm thung thất tì (giã gạo trong nhà bếp) [2]. Nhìn chung, nguyên tắc áp dụng hình phạt của Bộ luật Hồng Đức luôn theo đúng tinh thần nữ giới sẽ được giảm nhẹ hơn nam giới nếu cùng một tội.
Đối với loại hình phạt nặng nhất, tội tử hình, Điều 680 quy định “đàn bà phạm tội tử hình trở xuống nếu đang mang thai thì phải đợi sau sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình” (trang 348). Như vậy, Bộ luật đặc biệt chiếu cố phụ nữ đang mang thai. Đây là điểm khá tương đồng với pháp luật hình sự hiện đại.
Phụ nữ còn được bảo vệ quyền lợi trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình – một lĩnh vực mà tư tưởng chủ đạo của Nho giáo là trọng nam, khinh nữ. Mặc dù những nội dung ưu tiên không chiếm tỉ lệ cao trong các quy định về hôn nhân, gia đình nhưng đặt trong góc nhìn lịch sử từ hệ quy chiếu của xã hội phong kiến, nhà nước phong kiến, có thể nói đây đã là những quy định hết sức tiến bộ. Cụ thể, tại Điều 338, Bộ luật đã dự liệu hành vi không hiếm gặp trong xã hội để từ đó đưa ra quy định cấm một cách minh bạch: “những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì bị xử phạt, biếm hay đồ”. Quy định này không chỉ bảo vệ phụ nữ mà còn bảo vệ dân thường trong mối quan hệ với quan chức, đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên trong quan hệ hôn nhân.
Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể tự quyết hạnh phúc, tự bảo vệ quyền lợi của mình trong hôn nhân, điển hình tại Điều 322: “Con gái hứa gả nhưng chưa làm lễ cưới, nếu người con trai có ác tật hay phạm tội, hoặc chơi bời lêu lổng, phá gia sản thì người con gái được phép báo lên quan ti mà trả đồ lễ cưới” hoặc tại Điều 308, “chồng xa cách vợ không lui tới suốt 5 tháng (thì vợ được phép trình quan sở tại, quan xã làm chứng) thì chồng đó mất vợ”.
Cần đặt những quy định trên trong tổng thể quan niệm về hôn nhân gia đình của xã hội phong kiến mới có thể thấy rõ sự vượt trội. Giá thú xưa kia “đặt trên nền tảng của đại gia đình và của sự nối dõi tông đường mà vai trò cũng như sự ưng thuận của hai trai gái lấy nhau hầu như bị lãng quên trong khối các quyền lợi tối trọng của đại gia đình”[3]. Hôn nhân đặt lợi ích gia đình, dòng họ, sự ổn định trật tự xã hội lên trên quyền lợi của cá nhân. Mục đích của hôn nhân là “tiếp tục sự thờ cúng trong tông miếu”, “sinh con để kế truyền hậu thế” và “lưu truyền sự thờ phụng các bậc tiền nhân”[4]. Vì thế, người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân luôn ở thế bị động, không còn là chủ thể trong mối quan hệ đó mà chỉ là đối tượng chịu sự tác động, sự sắp đặt. Nhưng trong một vài điều khoản đã nêu trên, người phụ nữ được quyền ở thế chủ động chối bỏ hôn nhân nếu nó không mang lại hạnh phúc cho mình.
2.2. Bảo vệ người già, trẻ em
Ở góc độ sinh học, người già, trẻ em đều là những chủ thể có thể chất không ngang bằng với người ở độ tuổi trưởng thành. Pháp luật phong kiến lại là kiểu pháp luật hình sự hoá hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không phân biệt tính chất công – tư. Vì vậy, Bộ luật Hồng Đức đã phân biệt theo độ tuổi để xác định người già và trẻ em, áp dụng những quy định mang tính ưu tiên nhằm giảm bớt sự tác động của các hình phạt vốn rất khắc nghiệt thời phong kiến đối với họ. Những quy định này chủ yếu nằm ở chương Danh lệ, Đoán ngục. Theo đó, người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống sẽ không bị tra khảo, phạm tội lưu đồ có thể được chuộc tội bằng tiền, người từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống sẽ không phải ra làm chứng, nếu bị kết tội tử hình phải tâu lên vua.) Riêng đối với người 90 tuổi trở lên và 7 tuổi trở xuống, phạm tội tử cũng không áp dụng hình phạt đó (Điều 16,17)
Không chỉ giảm nhẹ ở phương diện áp dụng hình phạt, trong các trường hợp trẻ em là nạn nhân, luật quy định chế tài nghiêm minh đối với người thực hiện hành vi vi phạm. Theo Điều 605, “Nếu ai bắt được trẻ con đi lạc thì phải báo quan làm bằng chứng thật, có ai đến nhận thì được lấy tiền nuôi dưỡng (mỗi tháng 5 tiền)” hay như Điều 404, “gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm”
2.3. Bảo vệ người tàn tật, bệnh nặng
Người tàn tật, bệnh nặng là những người không có hoặc bị hạn chế khả năng lao động. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào chủ thể khác. Trong xã hội, đây là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, dễ bị bỏ rơi nhất vì họ tạo cảm giác gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Bộ luật Hồng Đức đã bảo vệ, ưu tiên họ ở hai khía cạnh.
Trước hết, nếu những người tàn tật hay bệnh nặng vi phạm pháp luật, hình phạt sẽ được cân nhắc hoặc áp dụng nhẹ hơn so với người thường. Tại Điều 16, kẻ phế tật (cơ thể què quặt, gãy tay chân…) phạm tội lưu đồ trở xuống được chuộc tội bằng tiền, những kẻ bệnh nặng (ác tật, tay chân bại liệt, mù 2 mắt) phạm tội phản nghịch, giết người, đáng lẽ phải xử tử thì trong trường hợp này phải tâu lên vua quyết định nhằm mục đích tạo cơ hội để họ được thoát án tử dựa trên quyết định của vua. Tù nhân đang thụ án cũng được đối xử một cách nhân đạo, tránh được sự lộng quyền của quan cai ngục.Điều 669 quy định: “Nếu tù có bệnh ung nhọt, không chờ lành lại tra khảo thì người ra lệnh bị xử biếm. Nếu tù bệnh ấy mà đánh roi, trượng thì phạt 30 quan tiền, nhân đó tù chết thì bị biếm 2 tư…”. Có thể nói mối quan hệ giữa quản ngục và tù nhân là mối quan hệ có tính chất bất bình đẳng nhất, người phạm tội ở bên yếu thế tuyệt đối, dễ bị bỏ quên nhất. Tù nhân bệnh tật lại càng có thân phận thấp kém. Những quy định như trên là cơ sở để bảo vệ họ ngay cả khi họ là người phạm tội, đã hoặc đang bị xét xử.
Không chỉ trong lĩnh vực hình luật, trong đời sống dân sự, người tàn tật, bệnh nặng còn được đảm bảo cuộc sống cơ bản nếu không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng họ. Cụ thể, theo Điều 295, “Những người goá vợ, goá chồng cô độc và người tàn phế nặng, nghèo khổ, không người thân nương tựa, không khả năng tự kiếm sống, thì quan sở tại phải nuôi dưỡng họ, nếu bỏ rơi họ thì bị đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà thuộc lại ăn bớt thì xử theo luật người giữ kho ăn trộm của công. Hoặc tại Điều 294: “Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường, xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Có thể coi đây là những điều luật thể hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội của nhà nước phong kiến Việt Nam xưa.
2.4. Bảo vệ dân đinh, người nghèo ,nô tì
Trong xã hội phong kiến, sự phân chia giai cấp, đẳng cấp và những đặc quyền, đặc lợi cho các tầng lớp quý tộc được khẳng định như một điều hiển nhiên, phù hợp với tinh thần “Lễ không đến bậc thứ dân, hình không đến kẻ trượng phu” của Nho giáo. Trong mối quan hệ giữa quan lại và thường dân, đặc biệt với người nghèo, nô tì.., sự bình đẳng dường như không tồn tại. Một bên ở thế không có quyền lực, không có tiếng nói, ít hiểu biết luật lệ, thân phận “con sâu cái kiến” trở thành bên yếu thế tương quan với một bên chủ thể đầy quyền uy và khả năng chi phối bằng nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Bộ luật Hồng Đức đã có những quy định nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế, đồng thời cũng làm cách thức ngăn ngừa sự chuyên quyền, lộng quyền từ phía quan lại. Có thể thấy nội dung này ở rất nhiều điều khoản, nằm rải rác tại các chương khác nhau như Điều 269: Kẻ tôi tớ nhà quyền thế làm hại dân mà quan xã không tố cáo lên thì bị biếm một tư…; Điều 300: Quan ti ngoại trấn nhậm và tướng hiệu tự ý thâu tiền của dân, quân để sắm lễ vật dâng lên vua thì bị biếm một tư. Nặng thì thêm một bực tội, buộc phải trả lại đồ cho dân, quân; Điều 302: Những quan dưới thuộc vương, công mà tự ý bắt dân đinh làm đầy tớ hầu hạ họ, từ 1 đến 10 người thì phạt 100 quan tiền, 10 người trở lên thì phạt 300 quan tiền và mất chức cai quản…
Với những quy định chặt chẽ, cụ thể như trên, pháp luật không chỉ là công cụ của nhà nước để cai trị muôn dân, pháp luật còn là công cụ bảo vệ người yếu thế nói chung, người nghèo, người cùng đinh nói riêng.
3. Giá trị tham khảo đối với quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhóm yếu thế ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày nay đã chú trọng bảo vệ nhóm yếu thế trong từng lĩnh vực cụ thể. Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nguyên tắc bình đẳng giữa mọi chủ thể trong xã hội… Bên cạnh đó, cụ thể hoá các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết rất sớm như Công ước về Quyền trẻ em, Công ước về Quyền của người khuyết tật, Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ…, các văn bản quy phạm pháp luật đã cụ thể hoá thành những điều khoản phù hợp nội dung các công ước quốc tế đó. Tuy nhiến, nghiên cứu lịch sử pháp luật, đặc biệt những quy định tiến bộ và nhân văn trong Bộ luật Hồng Đức cũng đem lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc và thiết thực cho hoạt động xây dựng pháp luật với mục đích bảo vệ nhóm yếu thế giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, tính cụ thể, chi tiết trong các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ nhóm người yếu thế là một ưu điểm nổi bật. Luật quy định rất cụ thể hoàn cảnh, điều kiện, chủ thể đối với mỗi trường hợp người yếu thế cần được ưu tiên và bảo vệ. Điều này giúp việc thực hiện pháp luật trở nên thuận lợi và minh bạch.
Thứ hai, trách nhiệm của người thực thi công vụ được quy định rất rõ ràng, cụ thể và có tính răn đe. Luật chỉ rõ trong trường hợp nào, quan lại địa phương nào, cấp bậc nào sẽ phải chịu trách nhiệm. Cụ thể: Điều 294 quy định nếu người bệnh tật không có ai nuôi dưỡng, nằm ở những nơi công cộng như đường sá, cầu, điếm… thì trách nhiệm dựng lều, cấp cơm cháo, thuốc cho họ thuộc về quan bản phường, xã đó. Hoặc tại Điều 269, quan xã là chủ thể có trách nhiệm phải tố cáo lên nếu kẻ tôi tớ nhà quyền thế ức hiếp dân. Đây là một điểm khá tiến bộ và chặt chẽ, chỉ rõ chủ thể có trách nhiệm thực thi công vụ. Sự cụ thể và minh bạch này là một yếu tố để các quy định dễ dàng được hiện thực hoá, không mang tính hình thức. So sánh với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thấy nhiều điều khoản mang tính chung chung, chưa chỉ ra rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Điển hình như các đạo luật: Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới…Vô hình chung, luật đầy đủ nhưng lại không có giá trị áp dụng trong thực tế đời sống.
Thứ ba, chế tài được đặt ra trong trường hợp chủ thể không thực hiện quy định của pháp luật rất rõ ràng, cụ thể, không dừng lại ở mức khái quát hay nguyên tắc chung. Có thể dẫn chứng các điều khoản quy định: nếu quan sở tại không tổ chức nuôi dưỡng người cô độc, tàn tật, nghèo khổ thì bị đánh 50 roi, biếm một tư (Điều 295), quan xã không tố cáo kẻ tôi tớ nhà quyền thế làm hại dân thì biếm một tư (Điều 269)… Đặc biệt, để tránh nguy cơ lạm quyền, lộng quyền từ quan lại, luật quy định chế tài nghiêm khắc đối với hành vi của quan lại khi xâm phạm lợi ích của những người thuộc nhóm yếu thế. Theo Điều 409: “Quan coi ngục, lại ngục, ngục tốt gian dâm với đàn bà, con gái có chuyện thưa kiện thì tội nặng hơn một bậc so với tội gian dâm thông thường” hoặc Điều 707: “Ngục giám vô cớ hành hạ tù nhân đến bị thương thì xử theo luật đánh người bị thương. Nếu xén bớt áo quần, cơm, đồ ăn của tù nhân thì căn cứ vào việc bớt xén đó kết tội ăn trộm; hoặc bởi đánh đập, bớt cơm mà tù nhân chết thì bị xử đồ hay lưu. Ngục quan và giám ngục quan biết sự việc không tố giác thì cũng bị tội trên, nhưng được giảm một bậc”
Tóm lại, pháp luật phong kiến nói chung, Bộ luật Hồng Đức nói riêng không chỉ là công cụ của nhà nước phong kiến trong cai trị, quản lý dân cư. Đó còn là phương tiện thiết lập và duy trì công bằng trong xã hội, bảo vệ quyền con người ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là đã ưu tiên, bảo vệ được nhóm yếu thế trong xã hội. Từ các quy định của pháp luật, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội xưa được phản ánh rõ nét cũng như tinh thần nhân bản, lấy dân làm gốc đã được thể hiện sâu sắc.
Việc gia nhập Công ước 159 khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm. Ảnh MH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê triều hình luật, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1997
2. Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, quyển 1, tập 1, Sài gòn, 1974
[1] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển 1 tập 2, Sài Gòn, 1974, tr.4
[2] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển 1 tập 2, Sài Gòn, 1974, tr.31
[3] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển 1 tập 2, Sài Gòn, 1974, tr.14
[4] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển 1 tập 2, Sài Gòn, 1974, tr.14
Bài liên quan
-
Tuyên truyền chính sách pháp luật về quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
-
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
-
Các vấn đề lý luận về nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của TAND
-
Bàn về quyền con người trong tố tụng hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận