Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm
Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm như văn mẫu, học trực tuyến, dạy thêm, việc làm của sinh viên ra trường… đã được Bộ trưởng trả lời cụ thể.
Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Quốc hội đã chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chủ đề mang tính thời sự để tiến hành chất vấn trong kỳ họp này. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các đại biểu Quốc hội tới giáo dục, sự chia sẻ với ngành và tạo cơ hội để cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện báo cáo giải trình về việc thực thi trách nhiệm.
Nhiều vấn đề cụ thể
Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) chất vấn, hiện nay có một số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng đào tạo tại một số trường đại học đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt. Trong đó, xác định sự phù hợp giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo và quan trọng là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó chất lượng đào tạo cũng là một khâu rất quan trọng. Nếu như xác định dự báo nhu cầu nguồn nhân lực mà không chính xác và việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực cũng dẫn đến tình trạng sinh viên lĩnh vực thì thiếu nhưng lĩnh vực khác thì thừa. Cho nên, công tác dự báo là rất quan trọng. Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt thì chất lượng đào tạo tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, việc đủ nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội là công việc lớn và là giải pháp mang tính tổng thể. Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch ngành nghề và số lượng đào tạo cho phù hợp là những nhóm giải pháp cần được triển khai thì mới có thể đáp ứng được công việc này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt vấn đề hiện nay nhiều trường đạo tạo đa ngành đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo sức khỏe. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời: Bình thường trong tự chủ đại học, việc mở các mã ngành là quyền của các đơn vị. Riêng hai nhóm về Sức khỏe và Sư phạm, Bộ vẫn thẩm định và quyết định các yêu cầu. “Việc mở mã ngành sức khỏe có các tiêu chuẩn, tiêu chí và chúng tôi nghiêm ngặt tuân thủ. Với ý kiến đại biểu nêu, chúng tôi sẽ có rà soát việc thực hiện các quy định này, việc gì cần bổ sung thêm chúng tôi cũng sẽ làm. Còn hiện tại, các quy định tuyển sinh mã ngành sức khỏe đang thực hiện theo quy trình chặt chẽ”.
Đại biểu Nàng Xô Vi - Ảnh: Báo ĐBND
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum), đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn về vấn đề “văn mẫu”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học. Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) hỏi: Nhiều sách giáo khoa thiếu tính thuyết phục, dư luận có ý kiến. Nhiều môn học thiếu giáo viên, do vậy một giáo viên phải dạy nhiều môn học. Ngành giáo dục giải quyết vấn đề này ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận thấy thời gian qua có nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6. Hội đồng chuyên môn làm sách giáo khoa đã tiến hành thảo luận với tác giả và điều chỉnh trước khi sách được in và đến tay học sinh.
Bộ cũng đang điều chỉnh để quy trình làm sách giáo khoa để hoàn thiện hơn. Về vấn đề dạy học tích hợp, một môn có 3 hợp phần. Hiện tại, các trường sắp xếp 3 giáo viên dạy một môn. Đơn vị nào sắp xếp hợp lý thì mọi việc thuận lợi, không sắp xếp phù hợp thì sẽ gặp nhiều vấn đề.
Học trực tuyến
Nhiều đại biểu chất vấn về học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. “Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...” – Bộ trưởng chia sẻ.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!
Đại biểu Hoàng Văn Liên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống COVID-19; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp...
Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09 có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp. Bộ trưởng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.
Khó khăn, thách thức còn nguyên
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch COVID-19.
Bộ trưởng chia sẻ: Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều.
Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm của học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Bộ trưởng cho rằng, trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.
Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.
Đối với giáo dục phổ thông, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.
Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song; nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình...
Đối với giáo dục đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tổ chức được công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Hệ thống đào tạo trực tuyến ở các cơ sở giáo dục Đại học chưa được phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tham khảo ý kiến rộng rãi các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình dịch COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, đảm bảo thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận