Các bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội Giết người có được hưởng án treo hay không?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi xin đề cập đến nội dung quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội “Giết người” được quy định tại Điều 123 BLHS.

1.Áp dụng quy định của pháp luật

Vào khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 31/3/2020 chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, các bị cáo Y Khoan, Y Henri, Y Nim, Y Yô Sep, Y Kuin, Y Phôn và Y Si Ngôn đã cùng nhau chuẩn bị hung khí gồm 2 con dao rựa, 5 cây sắt, sau đó sử dụng 3 xe môtô đuổi đánh Y Nikô. Khi đuổi kịp, thì Y Khoan dùng dao rựa chém một cái trúng vào phía sau chân phải của Y Nikô khiến Y Nikô té ngã xuống đất. Cùng lúc đó thì Y Henri chạy đến dùng dao rựa chém một cái trúng vào khuỷu tay phải của Y Nikô. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm Y Khoan 16 năm 11 tháng 3 ngày tuổi; Y Henri 17 năm 7 tháng 16 ngày tuổi; Y Si Ngôn 15 năm 6 tháng 4 ngày tuổi. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định Y Nikô là 19%.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 511/2021/HSPT ngày 29/12/2021 của TANDCC đã quyết định.

-Áp dụng quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123, Điều 15; khoản 1, 3 Điều 57; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 BLHS, xử phạt: Y Nim 7 năm tù.

-Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123, Điều 15; khoản 1, 3 Điều 57; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54, Điều 91, khoản 1 Điều 101, khoản 3 Điều 102 BLHS, xử phạt: Y Khoan và Y Henri mỗi bị cáo 2 năm tù, Y Phôn  6 năm 6 tháng tù, Y Kuin 6 năm tù.

-Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123, Điều 15; khoản 1, 3 Điều 57, điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54, Điều 91, khoản 3 Điều 102 BLHS, xử phạt: Y Si Ngôn 2 năm 6 tháng tù.

Trong vụ án này các bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Giết người” được quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, do người bị hại chỉ bị tổn hại 19% sức khỏe, nên các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt” theo quy định tại các điều 15, 57 BLHS. Đối với các bị cáo dưới 18 tuổi còn được hưởng chế định người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91, Điều 101 và Điều 102 BLHS.

Tại khoản 3 Điều 57 BLHS quy định: “3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Tại Điều 102 BLHS quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp phạm tội chưa đạt, quy định: 1. Tòa án quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của BLHS.

…3. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật này.

Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của BLHS.

Tại Điều 101 BLHS quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Trong vụ án này bị cáo Y Khoan thực hiện hành vi phạm tội 16 năm 11 tháng 03 ngày tuổi; Y Henri là 17 năm 7 tháng 16 ngày tuổi; Y Si Ngôn 15 năm 6 tháng 4 ngày tuổi. Do đó, được áp dụng các Điều 101 và khoản 3 Điều 102 BLHS thì mức hình phạt tối đa được áp dụng đối với các bị cáo Y Khoan, Y Henri là không quá 9 năm tù; đối với bị cáo Y Si Ngôn là không quá 4 năm tù.

Đối với các bị cáo Y Nim, Y Yô Sep, Y Kuin, Y Phôn thực hiện hành vi phạm tội trên 18 tuổi. Do đó, được áp dụng các Điều 15 và khoản 3 Điều 57 BLHS thì mức hình phạt tối đa được áp dụng đối với các bị cáo là không quá 13 năm 6 tháng tù.

Trong vụ án này các bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 BLHS nên được áp dụng Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, có xem xét vị trí, vai trò và nhân thân của từng bị cáo trong vụ án để quyết định mức hình phạt.

2.Các bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý, có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Vậy các bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách ….” hay không ?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn không đủ điều kiện được hưởng án treo. Bởi vì, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý, theo Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC được sửa đổi năm 2022 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì các bị cáo nêu trên phạm tội thuộc trường hợp không cho hưởng án treo “…cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”

Quan điểm thứ hai cho rằng: Các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn không đủ điều kiện được hưởng án treo. Bởi vì, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do “…cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, trong vụ án này Y Si Ngôn khi phạm tội mới 15 năm 6 tháng 4 ngày tuổi (dưới 16 tuổi), nhưng quyết định mức hình phạt 2 năm 6 tháng tù; còn các bị cáo Y Khoan thực hiện hành vi phạm tội 16 năm 11 tháng 3 ngày tuổi; Y Henri là 17 năm 7 tháng 16 ngày tuổi (trên 16 tuổi) nhưng quyết định mức hình phạt mỗi bị cáo 2 năm tù là chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 102 BLHS.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn đủ điều kiện được hưởng án treo. Mặc dù, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS thì vẫn đủ điều kiện cho các bị cáo được hưởng án treo, nếu người đó bị phạt tù không quá 3 năm, đối với bất cứ tội nào và không phân biệt trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng... Điều kiện này cũng là quy định của giới hạn phạm vi áp dụng án treo, chỉ áp dụng với người bị bị phạt tù từ 3 năm trở xuống. Đối với Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo là văn bản dưới luật. Do đó, theo quy định tại Điều 4, khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì áp dụng Điều 65 BLHS để quyết định hình phạt cho các bị cáo được hưởng án treo.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án mỗi cấp, mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau về quyết định hình phạt đối với tội “Giết người” trong trường hợp người phạm tội được HĐXX quyết định mức hình phạt dưới 3 năm tù. Thực tiễn xét xử trong những năm qua, thấy rằng người phạm tội dưới 18 tuổi được Tòa án cho hưởng án treo chủ yếu là người phạm tội ít nghiêm trọng, gây hậu quả không lớn, số ít hoặc phạm tội nghiêm trọng nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt tham gia với vai trò đồng phạm thứ yếu.

Theo quy định tại Điều 65 BLHS chế định án treo: Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo. Vì vậy, trong các vụ án hình sự nếu người dưới 18 tuổi phạm tội, khi Tòa án quyết định mức hình phạt dưới 3 năm thì vẫn đủ điều kiện được Tòa án phạt tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi xét xử đối với những tội phạm có người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi quyết định hình phạt thì bao giờ cũng áp dụng hình phạt tù có thời hạn mà không áp dụng các hình phạt phạt khác. Chúng tôi cho rằng, phải chăng chúng ta quá cứng nhắc khi quyết định hình phạt của người dưới 18 tuổi phạm tội; nhiều vụ án không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù, có thể áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo hoặc cho miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt tù, áp dụng các biện pháp hình phạt chính khác như: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội trong tình hình hiện nay ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ. Theo tác giả người dưới 18 tuổi, trong đó đặc biệt là lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, nhận thức hạn chế, chịu nhiều tác động từ môi trường, điều kiện, hoàn cảnh và hành vi của người lớn. Vì vậy, cần có chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa, hạn chế hình phạt tù nên cần tiếp tục sửa đổi bổ sung Điều 65 BLHS và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn về điều kiện để áp dụng chế định án treo đối với người dưới 18 tuổi.

Một là, BLHS hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS cũng cần sửa đổi bổ sung theo hướng mở rộng khả năng áp dụng các chế tài phạt tù cho hưởng án treo, thay đổi chế định “án treo” trở thành chế định hình phạt khác như: cải tạo không giam giữ, các biện pháp tư pháp và biện pháp giám sát, giáo dục cho phù hợp với tính chất của các biện pháp không tước tự do khác đối với trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Hai là, bổ sung vào Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP về việc có thể cho hưởng án treo đối với người chưa đủ 18 tuổi, trong đó chú ý đến nhóm người từ đủ 14 đến 16 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như “Tội giết người” ... trong trường hợp phạm tội chưa đạt và trong vụ án đồng phạm khi người phạm tội tham gia với vai trò không đáng kể. 

Ba là, cần thay đổi quy định tại Điều 54 của BLHS về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi vì, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không nhất thiết phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS, mà chỉ cần có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi người dưới 18 tuổi phạm tội.

Bốn là, thay thế hình phạt tiền bằng một hình phạt khác khi áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.  

Trên đây là quan điểm của tác giả, mong được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND huyện Bình Tân, Vĩnh Long xét xử sơ thẩm 4 thanh thiếu niên về tội cướp tài sản - Ảnh: Hải Dương

HÀ VIẾT TOÀN – THÁI THỊ MỸ NGA (Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai) –