Các bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội Giết người được hưởng án treo

Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Hà Viết Toàn và Thái Thị Mỹ Nga đăng ngày 9/5/2022, tôi cho rằng các bị cáo dưới 18 tuổi được hưởng án treo khi phạm tội Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội là một trường hợp đặc biệt, do người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, mức độ nhận thức và điều khiển hành vi còn hạn chế. Chính vì vậy, BLHS 2015 đã quy định riêng Chương XII về quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Một nguyên tắc rất quan trọng khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi, chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (Khoản 1 Điều 91 BLHS).

Trong vụ án trên có ba bị cáo là người dưới 18 tuổi bao gồm:  Y Khoan 16 năm 11 tháng 3 ngày tuổi; Y Henri 17 năm 7 tháng 16 ngày tuổi; Y Si Ngôn 15 năm 6 tháng 4 ngày tuổi. Do vậy, các bị cáo này sẽ được áp dụng các quy định tại chương XII BLHS. Các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội Giết người được quy định tại khoản 1 điều 123 BLHS. Nhưng trong trường hợp này, bị hại chỉ bị tổn thương 19% nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại điều 15 BLHS. Do có ba bị cáo dưới 18 tuổi nên áp dụng các quy định tại điều 101, 102 BLHS để quyết định hình phạt đối với bị cáo này.

Đối với bị cáo Y Si Ngôn 15 năm 6 tháng 4 ngày tuổi thuộc trường hợp người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: áp dụng khoản 3 Điều 102 BLHS “Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại điều 100 và Điều 101”; áp dụng khoản 2 điều 101 BLHS quy định: “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù”. Mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên đối với Y Si Ngôn là 4 năm tù. Do vậy, tòa tuyên Y Si Ngôn 2 năm 6 tháng tù là đúng quy định pháp luật.

Đối với các bị cáo Y Khoan 16 năm 11 tháng 3 ngày tuổi; Y Henri 17 năm 7 tháng 16 ngày tuổi thuộc trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Áp dụng khoản 3 Điều 102 BLHS : “Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của BLHS” và khoản 1 Điều 101 BLHS: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù”. Mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng với hai bị cáo này là 9 năm tù. Vì vậy, tòa tuyên mỗi bị cáo 02 (hai) năm tù là đúng quy định pháp luật.

Trong vụ án này, có thể cho các bị cáo hưởng án treo. Bởi lẽ, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS: Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần bắt phải chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm.

Căn cứ vào Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS, người bị kết án phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện: Bị phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự,nếu có thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định; xét thấy người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Xem xét trong vụ án này, các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn có đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Đối với tình tiết …Cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp không cho hưởng án treo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, các bị cáo không thuộc trường hợp này bởi mặc dù phạm tội cố ý nhưng bị hại chỉ bị thương tích 19% nên không thể coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được. Tham khảo tiểu mục 4 Mục 1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC có hướng dẫn các tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”:

“4.3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

a. Làm chết ba người trở lên;

b. Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;

c. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.2 mục 4 này;

d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;

e. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 4.2 mục 4 này;

g. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.”

Do vậy, tôi cho rằng các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn có thể được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

TAND huyện Bình Tân, Vĩnh Long  xét xử sơ thẩm 4 thanh thiếu niên về tội cướp tài sản - Ảnh: HD

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực quân khu 7)-