Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, sâu sắc đối với dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị

Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến, thảo luận một số nội dung quan trọng.

Về bổ sung chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án: Các đại biểu đánh giá đây là quy định mới, quan trọng, cần thiết để chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”; đồng thời, cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Về nhiệm vụ xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật: Hiện nay quy trình rà soát, kiểm tra văn bản được thực hiện tương đối khép kín trong nội bộ cơ quan hành pháp mà chưa có sự kiểm soát từ các cơ quan tư pháp. Do đó các đại biểu đề xuất bổ sung việc Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của luật.

 

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa: Việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Toà án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó. Vì vậy, các đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.

 

Ông Phạm Đức Tuyên, Chánh án TAND Hải Phòng phát biểu tại hội nghị

Về bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự: Vấn đề này được các đại biểu thống nhất, đồng tình cao theo hướng bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Toà án. Bởi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Đương sự trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ sẽ vô hình chung dẫn tới việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một bên, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của Tòa án.

Tòa án giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Tòa án phải công bằng, khách quan, không được nghiêng về bên nào trong suốt quá trình xét xử cũng như tố tụng tại Tòa án.

 

Ông Phạm Minh Tuyên, Giám đốc HVTA phát biểu tại hội nghị

Về việc đổi tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành Toà án nhân dân sơ thẩm: Các đại biểu đánh giá cao việc đổi tên Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh thành Toà án nhân dân sơ thẩm thể hiện về mặt hình thức nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Khắc phục tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án.

Tuy nhiên các ý kiến cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu kỹ về cách thức đặt tên sau khi thay đổi.

 

Đại diện TAQS TW phát biểu tại hội nghị

Về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt: Các đại biểu đánh giá việc thành lập các toà chuyên biệt bảo đảm tính chuyên môn hoá, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong hoạt động xét xử đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như sở hữu trí tuệ, phá sản. Đồng thời bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính. Tuy nhiên các ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu kỹ về số lượng các toà chuyên biệt.

 

Chánh án TAND Quận Lê Chân, Hải Phòng phát biểu tại hội nghị

Các nội dung liên quan đến Thẩm phán: Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Theo đó các đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo Thẩm phán yên tâm công tác, không bị chi phối bởi các yếu tố khác. Đồng thời các ý kiến cũng đồng tình cao với quy định ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm Phán.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng nêu trên sẽ thống nhất một chức danh Thẩm phán chung thay vì các loại Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp như hiện hành. Đồng thời, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán chỉ phải trải qua 01 kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán được thực hiện trước khi bổ nhiệm, không phải trải qua các kỳ thi nâng bậc Thẩm phán.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, cơ chế bảo vệ Thẩm phán…

 

Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị

Về nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính: Đa số các đại biểu cho biết thực tiễn số lượng các vụ việc vi phạm hành chính trong cả nước hằng năm tương đối lớn, số lượng Thẩm phán được phân bổ cho Toà án nhân dân hiện nay không đủ đáp ứng được việc xét xử tất cả các vi phạm hành chính. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ khi sửa đổi các luật, đạo luật liên quan, đồng thời phải có lộ trình cụ thể cho các Toà án thực hiện để đảm bảo tính khả thi.

 

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, góp ý về một số nội dung như: nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm; Giám sát hoạt động của các Tòa án; Việc tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC; Tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao; Tên gọi của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Việc bổ sung thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia; Các nội dung liên quan đến Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Hội thẩm; Việc tham dự phiên tòa và hoạt động thông tin tại phiên tòa…

 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại hội nghị

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đánh giá các ý kiến góp ý hết sức cụ thể, sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Các ý kiến nhìn chung thống nhất quan điểm nội dung Dự thảo Luật tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) cơ bản đã quy định được những nội dung khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật tổ chức TAND hiện hành. Nhiều nội dung đổi mới theo đúng tinh thần cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tính độc lập của Tòa án, độc lập của Thẩm phán trong xét xử.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến yêu cầu đơn vị thường trực Tổ biên tập giúp Ban soạn thảo dự án Luật trên cơ sở ý kiến tại hội nghị này, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để thể hiện vào dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

VŨ PHONG