Cần phải tịch thu khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xử lý số tiền bị chiếm đoạt nhưng chủ sở hữu, bị hại không yêu cầu trả lại tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng, đăng ngày 05/4/2024, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất.
Đối với số tiền 12.280.000 đồng, đây là tiền do phạm tội mà có, nguồn gốc của số tiền này có được sau khi bán những tài sản đã chiếm đoạt, về nguyên tắc phải bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Chúng ta không thể căn cứ theo quy định tại Mục 3 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC:“Trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án” vì hướng dẫn trên thuộc trường hợp là vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác, đã xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nhưng bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Trong vụ án nêu trên, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (bị hại) đã nhận lại được tài sản bị trộm cắp, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả số tiền 12.280.000 đồng khi mua tài sản. Mặc dù việc thỏa thuận bồi hoàn khoản tiền trên là do sự tự nguyện của các bên, nhưng chúng ta cần xác định khoản tiền này là tiền do phạm tội mà có, là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội chứ không phải là tiền, tài sản bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.
Vì vậy, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất là cần căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS tuyên tịch thu số tiền 12.280.000 đồng để sung vào ngân sách Nhà nước như thế mới giải quyết được triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.
Tòa án nhân dân huyện Kon Plông đã mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản”- Ảnh: Dũng Mạnh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận