Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự lễ khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn
Sáng 20/4/2023, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã dự lễ khánh thành khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức lễ khánh thành Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cùng đại diện địa phương trang trọng cắt băng khánh thành Khu lưu niệm.
Công trình rất có ý nghĩa
Sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Toàn bộ khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích hơn 1,2ha, vị trí xây dựng tại Vườn Gòn, hướng về căn cứ kháng chiến Đá Bàn ngày xưa và nay là hồ Đá Bàn. Khu lưu niệm bao gồm nhiều hạng mục, công trình như: Tường rào, Tượng đài chiến thắng cao 18,9m, Phòng trưng bày truyền thống, nhà ở bộ phận quản lý, thuyết minh và khu kỹ thuật. Nơi đây nằm trong khu vực quyết chiến của Tiểu đoàn 59 và cũng là nơi điểm chốt chặn quân địch, vị trí chỉ huy trực tiếp của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu.
Tại phòng truyền thống trưng bày, lưu giữ những kỷ vật, hiện vật, sa bàn trận địa, hình ảnh, pano, bảng ảnh về cuộc chiến khốc liệt và oai hùng của Tiểu đoàn 59 và nhân dân Khánh Hòa ở Vườn Gòn - Đá Bàn xưa kia. Phòng truyền thống còn dành không gian trang trọng để khắc ghi công ơn, tên tuổi của những anh hùng đã hy sinh trong trận chiến này. Giữa khuôn viên khu tưởng niệm, hàng chục cây gòn (một loại cây trước đây mọc nhiều ở khu vực này) được trồng, chăm sóc, tạo không gian gợi nhớ đến ký ức một thời hoa lửa. Dưới tán vườn gòn là những ụ pháo luôn sẵn sàng đẩy lùi các đợt càn của địch, biến nơi đây thành lá chắn thép bảo vệ từ xa cho căn cứ cách mạng Đá Bàn nằm sâu trong núi.
Có mặt tại buổi lễ cựu chiến binh Trương Bình Trọng thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 59 năm xưa, xúc động cho biết, ông trực tiếp tham gia trận đấu, đây là trận chiến rất ác liệt. Trong trận đó, anh em cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc xương máu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Ông Nguyễn Đắc Tấn (87 tuổi), trước đây là chiến sĩ phụ trách pháo thủ, súng cối tiểu đoàn 59 chia sẻ: Chúng tôi là những người lính trực tiếp tham gia trận đánh ở đây. Hôm nay, tôi rất xúc động về lại nơi mà năm xưa đã chiến đấu gian khổ. Tôi rất cảm ơn địa phương đã xây dựng công trình rất có ý nghĩa.
Đánh chưa tới 1 ngày, địch đã sợ cả đời
Đó là miêu tả ngắn gọn nhất đối với trận đánh Vườn Gòn – Đá Bàn của Tiểu đoàn 59 ngày 20/4/1953, cách đây tròn 70 năm.
Tiểu đoàn 59 được thành lập năm 1950, hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1951, Tiểu đoàn 59 sáp nhập vào Trung đoàn 803 – một Trung đoàn chủ lực, thuộc Liên khu V. Dù là đơn vị chiến đấu độc lập hay trong đội hình của Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 59 đều lập những chiến công vang dội như các trận: Kon Rẫy, Đắk Đoa, Ai Nu, Lệ Sơn, Thượng An – Đầu Đèo… Và trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, trận chiến được xem là hiển hách nhất chính là trận Vườn Gòn – Đá Bàn.
Vườn Gòn – Đá Bàn là một cứ điểm quan trọng đối với cả ta và thực dân Pháp. Từ đây, Pháp có thể sử dụng làm bàn đạp để mở rộng sang Phú Yên – một tỉnh giáp ranh do Liên khu V kiểm soát. Vì thế, Pháp bố trí gần 13.000 quân với 109 đồn và 213 tháp canh.
Theo cuốn sách Tiểu đoàn 59 – Anh hùng của lòng dân, Tiểu đoàn 59 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đã cùng với địa phương thành lập Ban Chỉ huy chung để chỉ đaọ hoạt động do Tỉnh uỷ lãnh đạo. Đêm 3/4/1953, Tiểu đoàn 59 mở màn bằng việc tấn công hai tháp canh Tân Phong và Nhỉ Sự. Đêm 9/4 ta tiếp tục tiêu diệt tháp canh Cầu Lớn trên đường Ninh Hoà – Hòn Khói. Địch hoang mang tột độ.
Để cứu vãn tình thế, ngày 18/4, Pháp huy động hơn 4.000 lính Âu – Phi thiện chiến, từ Bình Trị Thiên đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói. Quân cơ động của Pháp thuộc tiểu khu Khánh Hoà từ Nha Trang đẩy ra theo hướng quốc lộ 1A. Trận càng này được thiếu tướng Le Blanc trực tiếp chỉ huy cùng với đó là sự yểm trợ của máy bay, pháo binh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng thân nhân và lãnh đạo địa phương cùng các đại biểu dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ
Sáng 19/4, pháo địch oanh tạc khủng khiếp để dọn đường cho 3 cánh quân tiến vào căn cứ Đá Bàn của ta. Với 3 cánh quân này, tướng chỉ huy Le Blanc tự tin sẽ chặn đứng đường rút lui của ta về vùng tự do (Phú Yên) cũng như chiếm được căn cứ Đá Bàn và tiêu diệt được toàn bộ chủ lực của ta.
Bên trong căn cứ Đá Bàn, ta chủ động phối hợp bố trí đánh địch từ xa, dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất, thương vong. Mãi đến xế chiều, địch mới tiến được vào khu vực rìa của căn cứ. Buổi tối, ta luân phiên pháo kích, tấn công các cụm trú quân gây thương vong cho địch và khiến chúng càng lúc càng căng thẳng, mệt mỏi.
Lúc này, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu trực tiếp chỉ huy một trung đội bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió vòng ra ngoài để chặn đánh đường rút lui của quân địch. Mặc dù lực lượng gác của địch cách trung đội do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy chỉ vài trăm mét nhưng chúng không hề hay biết.
Đến sáng 20/4, bộ binh của địch tiến vào căn cứ của ta dưới sự yểm trợ của không quân, pháo binh nhưng bị chông mìn và du kích chặn đánh khiến chúng thương vong vô số. Từng cánh quân của địch dò dẫm từng bước, tiến vào được 50 – 70m rồi lại hoảng sợ quay ra. Đến khoảng 11 giờ, địch bắt đầu rút quân.
Các đại biểu tưởng niệm các Anh hùng - Liệt sĩ trước tượng đài
Đến 13 giờ, khi cánh quân cuối cùng của địch lọt vào trận địa mai phục, Tiểu đoàn 59 quyết định tập trung toàn bộ hoả lực tấn công làm cho chúng không kịp trở tay. Một đại đội lính Âu – Phi bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Bên ta có 14 chiến sĩ hi sinh và bị thương. Đến 14 giờ, máy bay và tàu khu trục của địch oanh tạc khủng khiếp vào trận địa của ta, để mở đường cho từng tốp trực thăng đến chở xác quân địch về Nha Trang, đến 16 giờ mới chấm dứt.
Toàn bộ thời gian giao tranh chưa tới 1 ngày nhưng căn cứ Đá Bàn trở thành nỗi ám ảnh với quân địch. Từ đó đến khi Hiệp định Geneve được ký kết (tháng 7/1954), không có một cuộc càn quét nào của địch dám vượt qua khu Vườn Gòn để đánh vào trung tâm căn cứ Đá Bàn nữa.
Vườn Gòn – Đá Bàn là trận chiến anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hoà – Khánh Hoà. Trong thế đối đầu với một viên tướng Pháp dày dạn kinh nghiệm trận mạc, và đội quân Âu – Phi thiện chiến với vũ khí hiện đại, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và lập chiến công vang dội, trở thành cơn ác mộng đối với địch tại Ninh Hoà.
Chứng tỏ sự tiến bộ trưởng thành của người chỉ huy
Ngày 19/4, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20-4-1953 - 20-4-2023) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhà khoa học trong, ngoài quân đội; cùng các nhà nghiên cứu và đại biểu các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa và Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 đồng chủ trì hội thảo.
Ông Nguyễn Hòa Bình tặng quà các cựu binh Tiểu đoàn 59 và các nhân chứng lịch sử
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ hơn nét nghệ thuật quân sự riêng biệt của Tiểu đoàn 59 được áp dụng trong thực tiễn chiến đấu tại chiến trường Khánh Hòa; khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đối với sự phát triển, trưởng thành của Tiểu đoàn 59, cũng như trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn. Đó là việc phát triển và vận dụng sáng tạo kế sách “Vườn không, nhà trống” của cha ông, linh hoạt thay đổi thế trận từ bị động sang chủ động; dựa vào địa hình có lợi, tạo lập thế trận để “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”… tạo nên chiến công vang dội.
“Mặc dù đã qua 70 năm, chiến thắng lẫy lừng mang tên Vườn Gòn - Đá Bàn vẫn còn nguyên giá trị, là một trong những trận đánh được quân đội ta đưa vào học viện, nhà trường để nghiên cứu, học tập. Chiến thắng này cho thấy người chỉ huy đã vận dụng tốt nghệ thuật quân sự qua cách đánh giặc truyền thống của cha ông ta là “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, "dựa vào dân giành chiến thắng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tướng Võ Tiến Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng chia sẻ.
Đại diện gia đình ông Nguyễn Lựu - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 trao kỷ vật cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa.
Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn chứng tỏ sự tiến bộ trưởng thành của người chỉ huy và vai trò công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội ta, đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, cấp dưới tin tưởng cấp trên, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết một lòng và cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu. 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại trận này hầu hết là đảng viên, cán bộ từ tổ trưởng trở lên và đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho rằng, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một trong những chiến công tiêu biểu của Tiểu đoàn 59, là sự đánh dấu bước phát triển khả năng tác chiến của đơn vị, đặc biệt là khả năng chỉ huy, hợp đồng chiến đấu của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn dưới sự chỉ đạo của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Trận đánh này cũng để lại những bài học có giá trị vận dụng cho công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, nội dung trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trực tiếp nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Kháng, cựu chiến binh Tiểu đoàn 59: “Trong kí ức của tôi, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là hình ảnh mẫu mực của người chỉ huy, chững chạc và uy dũng… Tiểu đoàn trưởng luôn ở trên thao trường với anh em, cùng học cách đánh công kiên, lập ra lô cốt rồi tập đánh, mang cả thang ra đánh… Mồ hôi đàm đìa, ngày đêm luyện tập… , mới biết thủ trưởng của mình là người kiên cường trong rèn quân thế nào. Có lẽ vì vậy mà Tiểu đoàn 59 đánh đâu thắng đó, tổn thất hy sinh cũng hạn chế được nhiều.”
PGS. TS Chu Cẩm Thơ đánh giá, từ khi được thành lập cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 59 chỉ có duy nhất một tiểu đoàn trưởng. Các chiến công của Tiểu đoàn có ảnh hưởng rất lớn từ tài chỉ huy và kỉ luật mà ông rèn quân mà thành. Ông nổi tiếng rèn quân, luyện cán.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu đưa các bài học về chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương, nghiên cứu xây dựng các tour du lịch về nguồn đối với địa danh lịch sử này, Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn sẽ là một điểm đến có ý nghĩa đối với du khách.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng các đại diện Nguyễn Hải Ninh cắt băng khánh thành khu di tích
Bài liên quan
-
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Cần tách vụ án có người chưa thành niên
-
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Coi biện pháp xử thật nặng để có tính răn đe với các cháu là sai lầm
-
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam
-
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, tặng quà người có công với cách mạng tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận