Chế định “mặc cả thú tội” trong pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Mỹ

“Mặc cả thú tội” (Plea Bargaining) hay “thỏa thuận nhận tội” là chế định rất nổi tiếng và đặc trưng của tố tụng hình sự liên bang Mỹ. Được ghi nhận lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 19, cho đến nay, “mặc cả thú tội” ngày càng trở nên phổ biến và được mở rộng với những hình thức nhượng bộ hơn nữa.

1. Khái quát về chế định “mặc cả thú tội” trong pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Mỹ

“Mặc cả thú tội” (Plea Bargaining) hay “thỏa thuận nhận tội” là chế định rất nổi tiếng và đặc trưng của tố tụng hình sự liên bang Mỹ. Được ghi nhận lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 19, cho đến nay, “mặc cả thú tội” ngày càng trở nên phổ biến và được mở rộng với những hình thức nhượng bộ hơn nữa. Quy tắc 11 trong Quy tắc tố tụng hình sự liên bang Mỹ đã thể hiện rất đầy đủ và cụ thể những nội dung liên quan đến thủ tục “mặc cả thú tội” và trở thành cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thủ tục này trên thực tế. Với hơn 90% việc kết án hình sự là kết quả của “mặc cả thú tội” chứ không phải của phiên tòa xét xử[2], có thể thấy, “mặc cả thú tội” vẫn luôn được xem là thủ tục tố tụng quan trọng và chủ yếu trong việc giải quyết một vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ.

“Mặc cả thú tội” là một sự thỏa thuận trước phiên tòa xét xử, tại đó, công tố viên và luật sư bào chữa có thể thương thuyết để, về phía Công tố viên sẽ: giảm mức buộc tội (redure charge); hủy bỏ sự buộc tội khác chưa được quyết định; hứa đề xuất một bản án cụ thể (particular sentence); hoặc hứa không phản đối một điểm nào đó do bên gỡ tội đưa ra. Còn về phía bị cáo, bị cáo sẽ đưa ra lời nhận tội (plea guilty) hoặc không phản đối sự buộc tội (nolo contendere).[3] Việc bị cáo không phản đối sự buộc tội sẽ không được sử dụng như lời nhận tội trong vụ kiện dân sự sau đó.

Bản thỏa thuận nhận tội (The Plea Agreement) được thiết lập sau quá trình “mặc cả thú tội”, phải được các bên công bố trực tiếp tại phiên tòa công khai, trừ phi tòa án cho phép các bên công bố thông qua băng ghi hình.[4] Tòa án sẽ không tham gia vào quá trình “mặc cả thú tội” giữa các bên nhưng, theo luật tố tụng hình sự liên bang, tòa án có thẩm quyền chấp nhận, không chấp nhận hoặc trì hoãn việc chấp nhận thỏa thuận nhận tội cho đến khi cân nhắc xong các thỏa thuận trong đó.[5] Và bản thỏa thuận nhận tội chỉ chính thức có hiệu lực khi được tòa án chấp nhận và đưa vào phán quyết cuối cùng. Trong trường hợp tòa án chấp nhận bản Thỏa thuận nhận tội giữa các bên, công tố viên bắt buộc phải thực hiện tất cả những gì đã thỏa thuận và bị cáo có thể bị yêu cầu từ bỏ quyền kháng cáo đối với một thỏa thuận nhận tội. Ngoài ra, như một phần của thỏa thuận nhận tội, bị cáo có thể bị buộc phải khai báo những thông tin chống lại đồng phạm của mình.

Sự nhận tội của bị cáo thường được diễn ra sau quá trình mặc cả. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị cáo vì hối hận về hành vi phạm tội của mình mà tự nguyện nhận tội trước khi diễn ra quá trình “mặc cả thú tội”. Và thông thường, một thỏa thuận nhận tội hợp pháp phải đáp ứng đủ ba điều kiện như sau:

(1). Bị cáo phải hiểu được: bản chất của sự buộc tội đối với anh ta cũng như các loại chế tài gắn với sự buộc tội đó. Và, những quyền mà bị cáo phải từ bỏ khi nhận tội.

(2). Sự nhận tội của bị cáo phải trên cơ sở tự nguyện chứ không phải là kết quả của việc dùng vũ lực, đe dọa hay những lời hứa hẹn nào khác nằm ngoài thỏa thuận nhận tội.[6]

(3). Bị cáo phải phạm tội trên thực tế. Theo đó, Luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ đã quy định rằng: trước khi đưa lời nhận tội của bị cáo vào phán quyết cuối cùng, toà án phải chắc chắn rằng bị cáo đã thực hiện một hành vi phạm tội trên thực tế.[7]

Cuối cùng, liên quan đến việc rút lại lời nhận tội của bị cáo (Withdrawing a Guilty or Nolo Contendere Plea), luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ có quy định như sau: Trước khi tòa án chấp nhận Thỏa thuận nhận tội giữa các bên, Bị cáo có quyền rút lại việc nhận tội hoặc không phản đối sự buộc tội một cách dễ dàng, cho dù có lý do để rút lại hay không[8]. Còn nếu tòa án đã tuyên bố chấp chận Thỏa thuận nhận tội (nhưng phải trước khi tòa ra bản án), bị cáo chỉ có thể rút lại việc nhận tội nếu chỉ ra được: việc rút lại lời nhận tội mới là công bằng.[9]

Nhìn chung, “mặc cả thú tội” là một chế định hay, được hình thành từ lâu đời và hiện nay đã trở nên rất phổ biến trong việc giải quyết các vụ án hình sự theo luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ. Việc tìm hiểu và nghiên cứu những ưu điểm cũng như hạn chế của chế định này sẽ góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn tích cực tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng như hiện nay.

2. Một số ưu điểm và hạn chế của chế định “mặc cả thú tội” trong pháp luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ

Về ưu điểm:

 “Mặc cả thú tội” là một chế định rất tiến bộ và hữu ích trong việc góp phần làm nhẹ đi áp lực của tòa án trong việc giải quyết các vụ án hình sự, khi mà tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp về cả số lượng và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Có thể điểm qua một vài ưu điểm của chế định này như sau:

Thứ nhất, “mặc cả thú tội” giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian tố tụng. Theo đó, thời hạn truy tố vụ án hình sự có thể diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, thậm chí là vài năm, phụ thuộc vào thủ tục lựa chọn bồi thẩm viên của hai bên và quy trình xét xử tại Tòa án (do tính chất phức tạp của hệ thống tố tụng liên bang). Vì vậy, nếu các bên có thể tự thỏa thuận được với nhau về việc nhận tội, mức hình phạt hay mức buộc tội,…và thỏa thuận nhận tội được tòa án công nhận là hợp pháp, thì thời hạn cho việc giải quyết vụ án, theo đó, đã được rút ngắn đáng kể và các bên cũng không cần phải tốn kém nhiều hơn cho chi phí tố tụng nếu vụ án được xét xử bằng phiên tòa. Chính vì giúp tiết kiệm chi phí tố tụng cũng như rút ngắn đáng kể thời hạn giải quyết vụ án hình sự mà “mặc cả thú tội” được xem như thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự liên bang Mỹ.

Thứ hai, “mặc cả thú tội” giúp giảm thiểu đáng kể việc ùn tắc án hình sự tại tòa án. Như đã phân tích ở trên, thời hạn để giải quyết một vụ án hình sự bằng phiên tòa xét xử là rất dài, chưa kể đến số lượng án và số lượng tội phạm ngày càng gia tăng cùng với tính chất tinh vi, nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, nếu không có thủ tục “mặc cả thú tội” mà chỉ giải quyết vụ án hình sự bằng việc mở phiên tòa thì lượng án tồn đọng và nguồn nhân lực của tòa án ngày càng trở nên chênh lệch gấp bội. Điều này dẫn đến sự quá tải của tòa án và hậu quả tiêu cực đáng kể về mặt xã hội. Từ đây có thể phần nào lý giải được tại sao “mặc cả thú tội” lại ngày càng được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong tố tụng hình sự liên bang Mỹ.

Thứ ba, “mặc cả thú tội” tạo nên sự chắc chắn của lời buộc tội, vì bất kể bằng chứng buộc tội nào được đưa ra, dù có sức thuyết phục đến đâu thì vẫn có khả năng bị tòa án bác bỏ, hoặc tuyên trắng án, chừng nào việc xét xử chưa hoàn tất. Đặc biệt đối với quốc gia theo mô hình tố tụng tranh tụng điển hình như Mỹ, việc bị cáo nhận tội một cách tự nguyện và hợp pháp là bằng chứng hiệu quả và thuyết phục nhất cho sự buộc tội của công tố viên cũng như việc kết án của tòa án. Từ đó, phán quyết cuối cùng của tòa án cũng trở nên thuyết phục hơn và tạo được dư luận tích cực sau khi tuyên án.

Thứ tư, về phía bị cáo. Thông qua quá trình “mặc cả thú tội”, bị cáo có cơ hội được đối xử đỡ khắc nghiệt hơn so với việc bị buộc tội và kết án bằng mức hình phạt cao nhất theo những điều kiện khách quan sẵn có[10]. Ngoài ra, đối với những vụ án mà bị cáo phải chịu đựng sức ép dư luận quá khắc nghiệt hoặc vì lợi ích cá nhân nào đó mà bị cáo không muốn vụ án được xét xử công khai, thì “mặc cả thú tội” luôn là biện pháp hữu hiệu và tích cực nhất đối với bị cáo. Việc chủ động nhận tội sau quá trình “mặc cả thú tội” không chỉ giúp bị cáo có cơ hội nhận được bản án khoan hồng hơn và tránh được sức ép xã hội nặng nề mà còn là cơ hội cho bị cáo thừa nhận tội lỗi, tự nhận thức được vấn đề của mình, bước đầu thành công trong việc cải tạo bản thân sau khi dấn thân vào con đường phạm pháp.

Thứ năm, về phía cảnh sát và những người có liên quan đến vụ án. Nếu phiên tòa xét xử chính thức không được diễn ra do thỏa thuận nhận tội đã được thiết lập thì việc triệu tập cảnh sát hay những người có liên quan đến vụ án đến phiên tòa để chứng thực cũng sẽ không diễn ra. Vì thế, cảnh sát sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc truy bắt, ngăn ngừa và đấu tranh với tội phạm, cũng như những người có liên quan đến vụ án cũng sẽ không bị buộc phải tham dự phiên tòa.

Về hạn chế:

Thứ nhất, bản án dành cho bị cáo sau khi tòa án chấp nhận thỏa thuận nhận tội giữa các bên là không công bằng, trong một chừng mực nhất định. Vấn đề công bằng được đặt ra ở đây là sự tương xứng giữa mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo đối với xã hội và mức hình phạt nghiêm khắc dành cho anh ta. Thế nhưng, như đã phân tích ở trên, thông qua quá trình “mặc cả thú tội”, bị cáo lại có cơ hội được đối xử đỡ khắc nghiệt hơn so với việc bị buộc tội và kết án bằng mức hình phạt cao nhất theo những điều kiện khách quan sẵn có. Có thể thấy, bị cáo rõ ràng muốn thương lượng nhận tội để được hưởng một bản án “nhẹ nhàng” hơn và né tránh sự trừng phạt của pháp luật đối với hành vi phạm tội do anh ta gây ra. Vậy, sẽ có trường hợp việc thương lượng nhận tội vô tình đi ngược lại với mối quan tâm của xã hội về vấn đề trừng phạt tội phạm và ý nghĩa quan trọng của việc đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ bị yếu thế trước mong muốn bị cáo đưa ra lời nhận tội.

Thứ hai, “mặc cả thú tội” có thể dẫn đến việc kết tội oan cho một người. Bằng cách gây nên những sức ép quá mức từ một “cáo trạng thổi phồng”, công tố viên có thể đưa ra những lời buộc tội nặng hơn nhiều so với bằng chứng thực tế của vụ án[11] khiến bị cáo tin tưởng rằng, nếu vụ án được đưa ra tòa án để giải quyết, anh ta có thể sẽ phải nhận mức hình phạt cao nhất là tử hình. Vậy nên, anh ta quyết định lựa chọn nhận tội để né tránh việc bị buộc tội chết, cho dù phải lừa dối cả luật sư bào chữa của mình, rằng anh ta đã thực hiện hành vi phạm tội, trong khi bản thân anh ta nhận thức được mình vô tội.

Thậm chí, tâm lý tự bảo vệ này của bị cáo cũng xảy ra trong những trường hợp lời buộc tội của công tố viên chưa quá nghiêm trọng đến mức khiến bị cáo lo sợ về một mức án tử hình. Theo đó, nếu bị cáo tự nhận thấy trong tình thế bị buộc tội hiện tại, nếu đưa vụ án ra tòa thì khả năng anh ta được tuyên vô tội là rất thấp hoặc sau khi phân tích đến khía cạnh chi phí và lợi ích “hợp lý”, bị cáo cho rằng nhận tội sẽ tốt hơn bị đưa ra xét xử chính thức tại tòa thì khi đó anh ta sẽ thương lượng nhận tội, cho dù bản thân anh ta biết mình vô tội. Có thể lấy dẫn chứng một loạt số liệu đáng ngạc nhiên như sau: Theo báo cáo của National Registry of Exonerations (một dự án chung của Trường Luật Đại học Michigan và Trường Luật Đại học Northwestern), trong 1.428 trường hợp được giải tội từ năm 1989 với mọi khung hình phạt, 151 người đã nhận tội mà họ không thực hiện.[12]

Thứ ba, tính minh bạch của quá trình “mặc cả thú tội” không được đảm bảo sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong kết quả của một thỏa thuận nhận tội. Thực tế thì quá trình “mặc cả thú tội” không được tiến hành công khai tại tòa án, không được xem xét lại cũng như không có một nguyên tắc ràng buộc cụ thể nào quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ hay quyền lợi của các bên trong việc thương lượng nhận tội. Thậm chí sau đó tòa án có cân nhắc đến yếu tố tự nguyện nhận tội của bị cáo hay việc bị cáo có hiểu được bản thân anh ta sẽ phải chịu mức hình phạt gì nếu nhận tội hay không,…thì tính hợp pháp của thỏa thuận nhận tội không phải là không chi phối được. Công tố viên, với ưu thế tuyệt đối trong cuộc thương lượng nhận tội, sẽ dễ dàng có thể tạo áp lực đối với bị cáo và luật sư bào chữa để đạt được một sự mặc cả không hoàn toàn công bằng đối với bên bào chữa. Như đã phân tích ở trên, việc các bên mặc cả thú tội không đặt dưới sự giám sát khách quan, hiệu quả của tòa án có thể sẽ dẫn đến một kết quả thương lượng không công bằng và oan sai.

Thứ tư, việc thỏa thuận nhận tội có thể tước đi những quyền hiến định cơ bản của bị cáo. Như đã trình bày ở trên, việc đồng ý cùng thỏa thuận giữa công tố viên và luật sư bào chữa đồng nghĩa với việc công tố viên sẽ không phải đưa ra các bằng chứng buộc tội hoặc nhân chứng chống lại bị cáo trước tòa. Và việc công khai các bằng chứng này cũng không nhất thiết được thực hiện. Chính vì vậy, công tố viên có thể “thổi phồng” các chứng cứ buộc tội để tạo cho mình ưu thế trong việc mặc cả thú tội với bị cáo và luật sư bào chữa. Theo đó, luật sư bào chữa không nắm chắc các chứng cứ buộc tội của kiểm sát viên nên việc thỏa thuận sẽ trở nên bất lợi hơn cũng như giai đoạn chuẩn bị cho vụ án sau khi thỏa thuận nhận tội diễn ra cũng trở nên hạn chế và khó khăn hơn. Vấn đề này vô hình chung đã tước đi quyền được đảm bảo bào chữa và tự bào chữa của bị cáo – quyền lợi hợp pháp và vô cùng quan trọng để bị cáo được hưởng một sự kết án công bằng.

Thứ năm, điều kiện “Bị cáo phạm tội trên thực tế” (Factual Basic) đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Một trong ba điều kiện để thỏa thuận nhận tội được công nhận là hợp pháp, đó là bị cáo phải phạm tội trên thực tế. Rõ ràng, việc mặc cả thú tội diễn ra trước khi tòa án ra phán quyết, vậy căn cứ vào đâu để khẳng định bị cáo có phạm tội trên thực tế hay không? Trong khi đó, nguyên tắc suy đoán vô tội đã quy định rõ rằng một người chỉ bị coi là có tội khi đã có phán quyết của tòa án có hiệu lực trên thực tế. Có thể thấy, bản thân quy định về tính hợp pháp của thỏa thuận nhận tội lại mâu thuẫn với nguyên tắc suy đoán vô tội – được xem như nguyên tắc truyền thống và đặc thù của mô hình tố tụng tranh tụng. Điều này đã khiến cho thỏa thuận nhận tội, trong một chừng mực nhất định, bị giảm đi phần nào ý nghĩa tích cực vốn dĩ của mình. 

3. Kết luận

Từ những phân tích về ưu điểm và hạn chế của chế định “mặc cả thú tội” trong pháp luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ, có thể thấy “mặc cả thú tội” là một chế định hay và hữu ích trong việc giải quyết các vụ án hình sự tại liên bang. Tuy vẫn còn tồn tại một vài hạn chế nhất định nhưng rõ ràng, “mặc cả thú tội” vẫn được ưu tiên sử dụng để xử lý các vụ án hình sự một cách nhanh chóng và hiệu quả: vừa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên, vừa rút ngắn thời gian tố tụng và giúp tòa án giảm bớt gánh nặng về việc tồn đọng án.

Để góp phần khắc phục những hạn chế của chế định “mặc cả thú tội” như đã trình bày ở trên, thiết nghĩ, quá trình thỏa thuận nhận tội cần được quy định chặt chẽ hơn về mặt thủ tục và tòa án nên là chủ thể trung gian giữ vai trò trọng tài, theo dõi quá trình mặc cả giữa các bên để đảm bảo không xảy ra tình trạng kết án oan và phát huy triệt để vai trò tích cực của “mặc cả thú tội”. Theo đó, tòa án nên tham gia vào quá trình “mặc cả thú tội” nhưng giữ vai trò là trọng tài, khiến cho sự thỏa thuận được cân bằng về quyền lợi giữa các bên. Và để làm được điều đó, trước khi quá trình “mặc cả thú tội” diễn ra, công tố viên cần cung cấp trước cho tòa án bản tóm tắt những chứng cứ buộc tội của mình nhằm bước đầu chứng minh việc phạm tội của bị cáo và tránh tình trạng công tố viên thổi phồng bản cáo trạng trong quá trình “mặc cả thú tội”.

Từ việc tìm hiểu ưu điểm và hạn chế của chế định “mặc cả thú tội”, chúng tôi cho rằng, việc sử dụng “mặc cả thú tội” trong giải quyết các vụ án hình sự ở Việt Nam cũng có thể đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, xét về truyền thống pháp lý của Việt Nam cũng như chính sách kiểm soát tội phạm và đấu tranh phòng chống tội phạm đặt lên hàng đầu, có thể thấy, những quy định hiện hành về “mặc cả thú tội” như của pháp luật tố tụng hình sự liên bang Mỹ dường như vẫn chưa thật sự phù hợp để có thể học hỏi và áp dụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Về lâu dài, khi mà những hạn chế của chế định này được khắc phục và điều chỉnh lại cho phù hợp với chính sách hình sự và truyền thống pháp lý của Việt Nam, có thể tin tưởng rằng, “mặc cả thú tội” sẽ là phương thức tối ưu để giải quyết án hình sự một cách nhanh chóng và hiệu quả.

4. Tài liệu tham khảo


    * ThS. Giảng viên khoa Luật, trường Đại học Văn Lang

[2] George Fisher (2003), Plea Bargaining's Triumph: A History of Plea Bargaining in America, Stanford University Press.

[3] Rule 11, (a), (1), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[4] Rule 11, (c), (2), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[5] Rule 11, (c), (3), (A), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[6] Rule 11, (b), (2), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[7] Rule 11, (b), (3), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[8] Rule 11, (d), (1), The Federal Rules of Criminal Procedure.

[9] Rule 11, (d), (2), (B) The Federal Rules of Criminal Procedure.

[10] Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (2004), “Khái quát Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ”, Ấn phẩm của Chương trình Thông tin quốc tế, trang 53

[11] Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (2004), “Khái quát Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ”, Ấn phẩm của Chương trình Thông tin quốc tế, trang 54.

[12]  Jed S. Rakoff (2014), “Why Innocent People Plead Guilty,” The New York Review of Books.

TRẦN THỊ MỸ DUYÊN - ĐINH THU THỦY *