Chế định ly thân ở Trung Quốc và một số gợi mở đối với Việt Nam

Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc trong việc quy định chế định về ly thân, từ đó có hướng gợi mở đối với Việt Nam trong hôn nhân và gia đình về xây dựng chế định này.

Ở Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 và các văn bản hiện hành chưa quy định về chế định ly thân, cũng như không có các quy định pháp luật về trình tự và thủ tục ly thân giữa hai người đã kết hôn. Thêm vào đó, việc ly thân không được coi là điều kiện bắt buộc trước khi tiến hành ly hôn. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các vụ án về ly hôn các Tòa án vẫn thường sử dụng cụm từ “Ly thân” như là thói quen để đánh giá mức độ trầm trọng trong mâu thuẫn vợ chồng.

1. Chế định ly thân theo pháp luật Trung Quốc

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang đối mặt với một tình trạng khó khăn trong lĩnh vực dân số do sự tăng cao tỷ lệ ly hôn, giảm tỷ lệ kết hôn và mức độ sinh con thấp. Nhằm giải quyết tình hình này, chính quyền đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ việc kết hôn và tôn trọng giá trị gia đình truyền thống, đồng thời không khuyến khích việc ly hôn. Chính vì vậy, chế định về ly thân trong pháp luật Trung Quốc được khuyến khích, cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự (BLDS) Trung Quốc năm 2020.

Theo thống kê, từ khi BLDS Trung Quốc năm 2020 có hiệu lực đã và đang phát huy những hiệu quả nhất định. Số vụ ly hôn ở Trung Quốc đã giảm hơn 70% trong quý đầu tiên của năm 2021 (khoảng trên 1 triệu vụ ly hôn).1

Thời kỳ ly hôn tĩnh lặng

Theo Điều 1077 BLDS Trung Quốc, cơ quan đăng ký hôn nhân có thẩm quyền nhận yêu cầu đăng ký ly hôn, theo đó, trong 30 ngày từ khi cơ quan đăng ký hôn nhân nhận được yêu cầu đăng ký ly hôn, nếu một bên bất kỳ không mong muốn ly hôn thì có thể thu hồi yêu cầu đăng ký ly hôn từ cơ quan đăng ký hôn nhân. Sau khi hết thời gian nêu trên, hai bên phải đích thân đến cơ quan đăng ký hôn nhân để yêu cầu cấp phát chứng nhận ly hôn; nếu không yêu cầu thì coi như thu hồi yêu cầu đăng ký ly hôn. Như vậy, sau khi cơ quan đăng ký hôn nhân nhận được yêu cầu đăng ký ly hôn, một bên trong vòng 30 ngày có thể thu hồi yêu cầu đó nếu không mong muốn ly hôn. Sau thời gian này, cả hai bên sẽ phải đến cơ quan đăng ký hôn nhân để yêu cầu cấp chứng nhận ly hôn trực tiếp; nếu không yêu cầu, thì yêu cầu đăng ký ly hôn sẽ được coi là đã bị thu hồi. Việc quy định này, một mặt giúp cho các bên có thời gian cân nhắc để đưa ra quyết định có ly hôn hay không, mặt khác góp phần làm giảm khả năng ly hôn khi một trong các bên không muốn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cấp chứng nhận ly hôn.

Khi yêu cầu ly hôn được giải quyết tại TAND

Một trong những yêu cầu bắt buộc làm căn cứ ly hôn đó là các bên có tình cảm bất hòa mà đã ly thân 02 năm. Điều này có nghĩa là trước khi tiến hành ly hôn, hai bên phải sống ly thân trong thời gian ít nhất 02 năm để có căn cứ đề xuất yêu cầu ly hôn. Ngoài ra, trường hợp sau khi được Tòa án phán quyết không cho phép ly hôn, hai bên lại tiếp tục ly thân 01 năm, nếu một bên lại lần nữa đưa ra tố tụng ly hôn thì phải cho phép ly hôn.2

2. Một số gợi mở đối với Việt Nam

Tại Việt Nam, TAND được xem là cơ quan duy nhất quyết định yêu cầu ly hôn của các bên. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Đến năm 2019, Tòa án thụ lý 256.793 vụ (trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm 84,2%).3 Như vậy, tạm thời ước lượng số liệu nêu trên, số vụ ly hôn có xu hướng tăng, theo tác giả, một phần nguyên nhân số vụ ly hôn có sự gia tăng xuất phát từ pháp luật hiện nay chưa điều chỉnh chế định ly thân trong HN&GĐ.

Sự mâu thuẫn giữa luật và áp dụng thực tế

Hiện nay, mặc dù Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định về khái niệm “ly thân” như một bước trước khi ly hôn, tuy nhiên, trong thực tế, một số Tòa án có thể xem xét các tình tiết và sự kiện trước đó, bao gồm việc ly thân, như một trong những yếu tố hay nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn. Nguyên nhân tại sao một số Tòa án có thể xem xét ly thân như là một yếu tố dẫn đến ly hôn có thể do các quy định pháp lý không cụ thể về việc ly hôn trong Luật HN&GĐ. Khi quy định không rõ ràng hoặc không đề cập đến một số tình huống cụ thể, Tòa án có thể xem xét và áp dụng quyết định theo tình hình cụ thể của từng vụ việc. Tuy nhiên, việc xem xét ly thân như là một yếu tố dẫn đến việc ly hôn không phải là cách tiếp cận được pháp luật quy định, và điều này có thể gây ra sự không nhất quán trong việc xử lý các vụ việc HN&GĐ.

Sự cần thiết điều chỉnh chế định ly thân nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi họ không còn sống chung

Ở khía cạnh khác, theo nghĩa quen thuộc thì ly thân có thể hiểu là vợ, chồng không còn sống chung trong một thời gian nhất định. Vấn đề sẽ gây tranh luận đó là trong thời gian vợ chồng không còn sống chung nhưng một trong các bên xác lập, thực hiện giao dịch vay tiền nhằm thực hiện nhu cầu thiết yếu của gia đình như khám bệnh, chữa bệnh… cho họ nhưng không có sự đồng ý của người còn lại thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp khi bên vay nợ cũng như chủ nợ yêu cầu người không trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch cùng có nghĩa vụ trả nợ. Có quan điểm cho rằng, trên thực tế hai vợ chồng không còn sống chung (ly thân), một bên vợ chồng không thừa nhận khoản nợ vay mà do bên còn lại tự mình xác lập và thực hiện thì họ không có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Quan điểm khác lại nhận định, mặc dù vợ chồng thực tế không còn sống chung nhưng đây vẫn là khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Việc không còn sống chung không phải là căn cứ để xác định nghĩa vụ liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên xác lập, mà phải dựa vào mục đích của việc xác lập giao dịch có phải phục vụ cho “nhu cầu thiết yếu” của gia đình hay không. Nếu vẫn nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu thì bên không trực tiếp vay nợ cũng phải có nghĩa vụ liên đới.

Sự gần gũi về văn hóa và dòng họ pháp luật giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hiện nay, ở khía cạnh dân sự nói chung, Trung Quốc (đại lục) và cả Việt Nam đều theo dòng họ pháp luật Civil Law là một hệ thống pháp luật thịnh hành trên thế giới. Song song đó, cả hai quốc gia có nét tương đồng văn hóa nhất định, nhất là trong các mối quan hệ gia đình, xã hội đều không muốn gia đình có sự phân chia mà luôn mong muốn gìn giữ truyền thống gắn kết gia đình gốc.

Tóm lại, chế định ly thân đã được quy định trong pháp luật Trung Quốc và thực tiễn áp dụng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Điều này, cần được tiếp tục nghiên cứu gợi mở xây dựng vào pháp luật Việt Nam. Trong đó, các vấn đề khuyến nghị cần được xây dựng bao gồm: (i) Quyền yêu cầu ly thân, thời gian ly thân làm căn cứ ly hôn; (ii) Hệ quả của ly thân: Quan hệ nhân thân và tài sản trong thời gian ly thân sẽ được giải quyết như thế nào; (iii) Chấm dứt việc ly thân: Điều kiện chấm dứt, hệ quả sau khi chấm dứt việc ly thân.

*TAND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, **TAND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Trung Quốc quy định sau 2 năm ly thân mới được xin ly hôn - Ảnh minh họa: Thenanfang.com

 

1. Báo Lao động, https://laodong.vn/the-gioi/ly-hon-o-trung-quoc-giam-70-sau-luat-moi-gay-tranh-cai-910582.ldo [truy cập ngày 07/8/2023]

2. Điều 1079 BLDS Trung Quốc năm 2020.

3. Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-1851503856.htm [truy cập ngày 07/8/2023].

NGUYỄN PHÁT LỘC*-  ĐÀM NHÂN TRÁC**