Chí Linh (Hải Dương): Nhà xưởng chế biến đất trái phép ngang nhiên tồn tại

Chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thế nhưng không hiểu tại sao nhiều năm qua công trình “khủng” là nhà xưởng chế biến đất có tổng diện tích lên tới cả hàng nghìn mét vuông tại phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương vẫn ung dung hoạt động trước sự quản lý của chính quyền địa phương.

UBND phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Thời gian qua, Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được thông tin phản ánh về việc trên địa bàn khu 8 phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, một số cá nhân đã tự ý san gạt đất đồi, xây dựng 01 nhà xưởng chế biến đất từ nhiều năm nay. Việc tồn tại trái phép của nhà xưởng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.

Trước sự việc trên, ngày 31/10/2023 phóng viên đã có mặt tại khu 8 phường Phả Lại ghi nhận thông tin phản ánh hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo quan sát nhà xưởng có vị trí nằm sát chân đồi, được chia thành 03 khu vực gồm: Khu vực tập kết vật liệu đất, khu vực sân phơi và khu vực nhà xưởng chế biến, tập kết thành phẩm với tổng diện tích hàng nghìn m2.

Toàn cảnh công trình vi phạm.

Về cách thức hoạt động, vào những ngày nắng nóng nhà xưởng này tiến hành phơi mỏng đất ra các bề mặt phẳng, sau đó cho đất khô vào phễu cấp liệu và xay nghiền, công nhân sẽ tiến hành đóng vào các bao tải, tập kết trong nhà xưởng rồi đem đi tiêu thụ. Tại thời điểm ghi nhận nhà xưởng chế biến vẫn hoạt động bình thường, dấu hiệu không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, cũng như không đảm bảo về an toàn lao động.

Được biết, khu nhà xưởng này là của bà Nguyễn Thị Tiến (người địa phương). Từ năm 2007 bà Tiến đã cho xây dựng nhà xưởng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động bà Tiến đã lấn chiếm, mở rộng diện tích và từ năm 2010 cho đến nay quy mô nhà xưởng được giữ nguyên như hiện trạng. Điều kỳ lạ là không bị xử lý mà xưởng này con vô tư, ngang nhiên hoạt động, bất chấp những quy định của pháp luật.

Nhà máy chế biến đất có dấu hiệu không bảo đảm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Trước sự việc trên, ngày 10/11/2023 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Vũ Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phả Lại. Qua trao đổi, ông Quỳnh cho biết đối với công trình nhà xưởng này thời gian trước UBND phường Phả Lại có tiến hành cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tiến thuê lại để kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 UBND phường Phả Lại đã chấm dứt hợp đồng và không tiếp tục gia hạn do không đủ thẩm quyền.

Đối với tính pháp lý của nhà xưởng, vị lãnh đạo này cho hay đất mà nhà xưởng trên đang sử dụng một phần nhỏ là đất thổ cư còn phần đa là đất rừng sản xuất. Hiện tại về các thủ tục xin cấp phép hoạt động đối với nhà xưởng vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền chấp thuận (tức hoạt động trái phép). Về biện pháp xử lý, UBND phường Phả Lại có phối hợp với UBND thành phố Chí Linh xuống kiểm tra, tuy nhiên khi phóng viên ngỏ ý được tiếp cận với các biên bản xử phạt thì ông Quỳnh lấy nhiều lý do và đến nay vẫn chưa cung cấp.

Quá trình hoạt động, nhà xưởng này gây ô nghiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống người dân xung quanh.

“Trong quá trình hoạt động có những cái mà mình chặt chẽ theo kiểu nguyên tắc thì rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội. Về công tác quản lý địa phương cũng có góc độ chưa chặt chẽ”. Ông Vũ Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phả Lại cho hay.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết: Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Khoản 3 Điều 12 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”. Do đó khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh mục đích sử dụng đất, cấp phép mà nhà xưởng trên đã xây dựng và đi vào hoạt động là hành vi vi phạm.

Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương, UBND thành phố Chí Linh và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm công trình vi phạm tại phường Phả Lại. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn đối với những cá nhân, tổ chức (nếu có) hướng tới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

- Trách nhiệm của UBND xã trong quản lý đất đai: Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 có nêu rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

- Bên cạnh đó, tại Điều 16, Nghị định 16/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng như sau:

Điểm C Khoản 7 quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng: Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Điểm C Khoản 9 xử phạt đối với hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt như sau: Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Điểm C Khoản 12 xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này thì mức phạt cụ thể như sau: Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Điểm D Khoản 14: Hình thức xử phạt bổ sung gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều này.

Khoản 15 về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này; Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này; Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.

- Theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì đối với hành vi chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

 

 

 

 

 

 

TUẤN QUANG - TRIỆU HỒ