Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chủ động thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực
Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội trong xét xử các vụ án hình sự; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt gần 16 nghìn tỷ đồng… Đây là đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương.
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả công tác năm 2022; đồng thời thống nhất nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo. Các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục được quán triệt, triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp trong năm 2022 tiếp tục được nâng cao; vi phạm pháp luật trong điều tra giảm; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội trong xét xử các vụ án hình sự; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt gần 16 nghìn tỷ đồng (tăng 290,51% về tiền so với năm 2021); số vụ án xét xử trực tuyến đạt 3.614 vụ, góp phần giúp người dân giảm chi phí đi lại và thời gian đến phiên tòa…
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị tích cực nghiên cứu, xây dựng một số đề án, báo cáo quan trọng để trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến nhằm triển khai thực hiện xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên…
Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nghị quyết số 27-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã được Trung ương ban hành ngày 9/11/2022; trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan về tư pháp và cải cách tư pháp. Nghị quyết đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, nghiên cứu kỹ lưỡng, kiên trì thực hiện và quan trọng nhất là phải vượt qua rào cản lợi ích ngành, mới đạt được mục tiêu đề ra. Chủ tịch nước lưu ý, cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết bài bản, hiệu quả, trong đó có vai trò quan trọng của các ngành trong khối tư pháp và Ban Nội chính Trung ương.
Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, trong cải cách tư pháp liên quan đến Nghị quyết 27 có một số vấn đề cơ bản cần đạt được sự thống nhất, đồng thuận là giải quyết các vấn đề cải cách tư pháp trong một hệ thống chỉnh thể cả về thiết chế lẫn thể chế. Từ đó, đánh giá dữ liệu đầy đủ, tác động đối với toàn bộ hệ thống chính trị trên cơ sở nguyên tắc vai trò lãnh đạo cầm quyền toàn diện, tuyệt đối của Đảng ta.
Chủ tịch nước lưu ý, cần triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trọng tâm của công tác cải cách tư pháp năm 2023 là khắc phục bằng được những khó khăn, vướng mắc, rào cản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động hệ thống các cơ quan tư pháp; chủ động thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực để đề phòng các tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án; phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra: đến năm 2030 hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác cải cách tư pháp phải đồng hành và thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tư pháp chú trọng kiểm soát quyền lực; Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu những ý kiến đóng góp tại phiên họp về một số vấn đề trong thực thi pháp luật, giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hình sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong năm 2023 và thời gian tới.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Bình luận