Chủ tịch nước yêu cầu Luật sư phải giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án

Đó là ý kiến của Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Lần đầu tiên nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Luật luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp.

Trong năm qua, đội ngũ luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh. Niềm tin của công dân, của cộng đồng và xã hội đối với đội ngũ luật sư Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường.

Sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ qua đã cho thấy Liên đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức luật, động viên luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống các vi phạm; góp phần củng cố và tăng cường pháp chế trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế. Phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp… Điều đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư vốn rất đáng trân trọng trong xã hội.

Nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ mới mới hết sức nặng nề, Chủ tịch nước nêu rõ yêu cầu, đòi hỏi của đất nước, của nhân dân đối với nghề luật sư và đội ngũ luật sư ngày càng cao hơn. 

Trước hết, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước. Bên cạnh đó, uy tín và danh tiếng nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Đại hội - Ảnh: T. Hằng Mây

Luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phải biết nói không với tiêu cực, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án, không có hành vi trái với quy định pháp luật. Việc phát triển đội ngũ luật sư cần đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần nỗ lực học tập, nghiên cứu cả về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyên môn pháp luật quốc tế, luật pháp của các nước để có thể theo kịp và đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Để xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sự trong khu vực và trên thế giới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật; nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót; kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; loại bỏ khỏi đội ngũ luật sư những cá nhân thoái hóa, biến chất, lợi dụng hoạt động luật sư để trục lợi, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cần tăng cường hợp tác quốc tế về luật sư, tạo điều kiện để luật sư Việt Nam giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các tranh chấp pháp lý quốc tế; phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

 

Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III diễn ra trong hai ngày 25-26/12, với sự tham dự của 351 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 luật sư (thuộc 63 Đoàn luật sư) đang hoạt động trên cả nước. Đại hội đã bầu luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. 5 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III gồm các luật sư: Phan Trung Hoài, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam và Đào Ngọc Chuyền.

BẢO THƯ