Có mâu thuẫn, xung đột pháp luật gây khó khăn cho việc xác định nồng độ cồn

Qua bài viết “Xác định nồng độ cồn đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đương bộ?” của tác giả Nguyễn Minh Hoàng được đăng ngày 8/12/ 2022, tôi thấy có sự mâu thuẫn xung đột phần nào gây khó khăn cho vận dụng áp dụng mà thực tế ở tình huống pháp lý mà tác giả nêu là một minh chứng cho điều đó.

Qua nghiên cứu nội dung sự kiện pháp lý mà tác giả nêu và các quan điểm xung quanh việc xác định định khung hình phạt đối với Phạm Văn T, tôi đồng tình với những nhận định và quan điểm của tác giả đó là bị cáo Phạm Văn T chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS.

Thứ nhất, về quy định của pháp luật, mặc dù tác giả không nêu, không đặt vấn đề là có sự xung đột của pháp luật. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận định ở đây đó là có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định về lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, cụ thể có sự mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 260 BLHS và một số luật có liên quan. Theo khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2018, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; tương tự như vậy, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: 8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Như vậy, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS phải được hiểu ngoài quy định liệt kê người thực hiện hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải chịu tình tiết định khung tăng nặng khi người đó chỉ cần  “có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Tuy nhiên đối với việc có sử dụng rượu, bia thì  phải thỏa mãn đồng thời  điều kiện cần và đủ: 1) về điều kiện cần ở đây là: Trong tình trạng có sử dụng có sử dụng rượu, bia điều kiện đủ ở đây là: mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Tức là, theo quy định thì không định khung hình phạt đối với  người điều kiển phương tiện giao thông đường bộ không được sử dụng rượu, bia mà chỉ định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự khi người đó “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Tức là phải thỏa mãn điều kiện cần và đủ như trên tôi đã phân tích.

Tuy nhiên thế nào là “vượt quá mức quy định?” . Nếu như qua phân tích ở đầu cho chúng ta thấy các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực có hay không cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được phép sử dụng, rượu bia ở mức nào thì lại có sự mâu thuẫn. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đều cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo đó tại điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (viết tắt Nghị định 10/2019/NĐ-CP), có quy định:  “6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “…c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.”; hay điểm c khoản 8 Điều 5. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “…c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.”… ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyển sử dụng giấy phép lái xe theo quy định. Liệt kê phân tích như trên để cho chúng ta thấy các văn bản quy phạm pháp luật đều cấm.

Thứ hai, trở lại tình huống pháp lý mà tác giả nêu Phạm Văn T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ, lỗi chính gây ra tai nạn giao thông. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Phạm Văn T là 9.312 mmol/1 (trị số bình thường là <10.9mmol/l). Các chất ma túy là âm tính.  Phạm văn T khai không sử dụng rượu, bia. Chứng cứ tại hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện trước và trong khi gây ra tai nạn Phạm Văn T có sử dụng rượu, bia.

Theo quy định tại Quyết định số 933/QĐ-BYT ngày 23/3/2010 ban hành quy định về đo nồng độ cồn trong máu áp dụng cho các bệnh viện thì hệ số quy đổi mmol/l x 4,608 = mg/100ml hoặc mmol/l x 0,04608 = g/l. Như vậy, quy đổi 9.312 mmol/1 x 4,608 = 42,91 mg/100ml. Còn theo Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế có quy định rằng: Khi xét nghiệm mà nồng độ cồn trong máu dưới 10,9mmol/l (tương đương 0,5023 mg/ml) thì được coi “Trị số bình thường: <10.9 mmol/L”. Như vậy, cho chúng ta thấy đúng như nhận định của tác giả cho rằng; Theo y học thì trong máu của mỗi người luôn có một hàm lượng cồn nhất định và hàm lượng này nhỏ hơn 10,9mmol/l.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng chỉ thể truy tố, xét xử Phạm Văn T về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 260 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua tình huống pháp lý mà tác giả nêu và tôi đã phân tích ở trên giữa BLHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật giao thông đường bộ năm 2008, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019 đã có sự mâu thuẫn xung đột phần nào gây khó khăn cho vận dụng áp dụng mà thực tế ở tình huống pháp lý mà tác giả nêu là một minh chứng cho điều đó.

Chính vì vậy, các Cơ quan Tư pháp ở Trung ương cần có sự đánh giá, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tạo thuận lợi cho việc vận dụng và áp dụng trong thực tiễn.

 

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông - Ảnh: Báo ĐK

 

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)