Có quyền buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Trường hợp bị chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết hay không

Hỏi: Vợ chồng chúng tôi đăng ký kết hôn năm 2008. Quá trình chung sống, vợ chồng chúng tôi tạo lập được thửa đất diện tích 101,6m2, đã được Ủy ban nhân dân huyện Th, tỉnh T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/3/2010. Từ năm 2015, vợ chồng chúng tôi đã thế chấp quyền sử dụng thửa đất nêu trên tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh huyện Th, tỉnh T để bảo lãnh cho một khoản vay của ông Đỗ Sỹ Ng tại Ngân hàng này; khoản vay này được ông Ng sử dụng để phục vụ cho công việc cá nhân. Đến năm 2022, việc thế chấp để bảo lãnh nghĩa vụ cho ông Ng chấm dứt. Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục giải chấp tại Ngân hàng, ông Ng vẫn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không trả lại cho vợ chồng chúng tôi. Vậy vợ chồng chúng tôi có quyền yêu cầu Tòa án buộc ông Đỗ Sỹ Ng trả lại cho vợ chồng chúng tôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?

(Ông Nguyễn Ngọc H và bà Nguyễn Thị Thùy V, trú tại thôn B, xã H, huyện Th, tỉnh T).

Trả lời

Căn cứ vào Mục 2 Phần IV Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

“Theo Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21-9-2011 của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”. Vậy, Tòa án có được thụ lý giải quyết các trường hợp này không?

Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định giấy tờ có giá là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc.

Khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ” cho nên không phải là giấy tờ có giá. Do vậy, hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá vẫn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các pháp luật khác đang có hiệu lực.

Điều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Do đó, vợ chồng ông bà có quyền yêu cầu Tòa án buộc ông Đỗ Sỹ Ng trả lại cho vợ chồng ông bà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Th, tỉnh T cấp ngày 17/3/2010 nêu trên.

 

Luật gia ĐỖ NHẬT LINH