Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chức danh Chánh án, Phó Chánh án TANDTC; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSNDTC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó qui định cụ thể về chức danh khối cơ quan tư pháp.

I.Tiêu chuẩn

1.Toà án nhân dân tối cao

1.1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.

1.2 Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao

Có trình độ chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam; hiểu biết pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan tư pháp; bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và đã kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên.

2. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

2.1.Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công.

Có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tố. Công tâm, khách quan trong chỉ đạo điều tra, truy tố. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

2.2. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Có trình độ chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam; hiểu biết pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công.

Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan tư pháp. Bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan trong chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên.

II.Tiêu chí đánh giá

1. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý Toà án nhân dân

– Tổ chức các hoạt động xét xử, thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ; không để xảy ra án oan, sai, bị hủy trong hoạt động xét xử.

– Kịp thời tổng kết có chất lượng công tác xét xử; chủ động tham mưu xây dựng các văn bản luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; quản lý, xây dựng ngành; tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

– Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.

2. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát nhân dân

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng hoạt động công tố, truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai.

– Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác điều tra; tham mưu xây dựng pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; quản lý xây dựng ngành; tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

– Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

KIM DUNG