Công ty CP Đầu tư tài chính PFS làm giả văn bản của Ngân hàng Nhà nước; Kỳ 2 - Công ty Bắc Bình huy động vốn: Cơ hội hay 'cạm bẫy'?

Với chiêu bài “hợp tác kinh doanh” cùng với cam kết đầu tư nhận lãi “khủng”, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Bắc Bình (Công ty Bắc Bình) đã kêu gọi hàng loạt các nhà đầu tư tham gia hợp tác. Rất nhiều người lo ngại, doanh nghiệp này đang huy động vốn theo hình thức ponzi và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Hàng loạt nhà Đầu tư kiến nghị công ty Bắc Bình, PFS trả tiền như đúng cam kết

Công ty Bắc Bình thật sự có những dự án để nhà đầu tư góp vốn?

Nhằm tạo niềm tin ông Hoàng Nam và một số người trong Công ty Bắc Bình đã dựng lên các buổi hội thảo với quy mô lớn, đưa ra những lời lẽ tô vẽ tốt đẹp về các Dự án mà mình đang làm như: “Sản suất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi hữu cơ có chứa thảo dược”, “Kinh doanh hệ thống trang trại chăn nuôi hữu cơ”, “Xây dựng lò giết mổ, kho đông lạnh, nhà máy, xưởng sản xuất chế biến, sơ chế, đóng gói thịt lợn thảo dược BB H.E.O tại các tỉnh thành trên cả nước và khu phức hợp nông nghiệp sạch, công nghệ cao trên toàn quốc”, “Bán buôn, bán lẻ thực phẩm an toàn. Kinh doanh chuỗi cửa hàng, kiot di động trên toàn quốc”, “Mua, bán, đấu thầu, cho thuê và tổ chức sản xuất trên đất nông nghiệp”, và “Kinh doanh hệ thống chuỗi nhà hàng ăn uống Bắc Bình”, sau đó, sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Bắc Bình do chính ông Hoàng Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật để lập và ký các Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo tìm hiểu của Phóng viên thì trước đây Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ và thương mại Bắc Bình (gọi tắt là Công ty Bắc Bình), địa chỉ trụ sở tại: Số 270 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Trong lĩnh vực đầu tư của mình, Công ty Bắc Bình giới thiệu mình sở hữu nhiều dự án trải dài ở nhiều tỉnh thành như : Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình,…đặc biệt các dự án đều nằm ở những vị trí đắc địa, sở hữu trong tay nhiều sổ đỏ với diện tích rộng lớn.

Thời gian ngắn sau khi đã nhận tiền của nhiều nhà đầu tư, ông Hoàng Nam và công ty Bắc Bình không thực hiện đúng các thỏa thuận khi các hợp đồng hết hạn không trả tiền, không bàn giao diện tích đất ở lâu dài theo cam kết, đồng thời, có biểu hiện tránh né không gặp mặt, không nghe điện thoại và có dấu hiệu bỏ trốn.

Nhiều nhà đầu tư đã hoang mang và cùng nhau đi tìm hiểu, kiểm tra thì thấy các Dự án mà Hoàng Nam nêu ra trong các Hợp đồng không được triển khai trên thực tế, nhiều dự án không có thật, có nhiều dấu hiệu của mô hình lừa đảo đa cấp “ponzi”, lấy tiền của người trước trả cho người sau. Cụ thể;

Quyết định thu hồi tại một dự án của huyện Lương tài, tỉnh Bắc Ninh đối với công ty Bắc Bình

Đối với dự án: “Xây dựng hệ thống kinh doanh và xây dựng khu phức hợp “Nông nghiệp sạch, công nghệ cao” tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh”, nhằm tạo niềm tin để những nhà đầu tư đưa tiền, ông Hoàng Nam đã lợi dụng hai Quyết định chủ trương đầu tư số 255/QĐ-UBND ngày 17/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc thành lập hội đồng bồi thường GPMB dự án để huy động vốn trái phép.  Cam kết khi nhà đầu tư trên 500 triệu đồng giao tiền thì sẽ được nhận chuyển nhượng tổng cộng 100 m2 đất ở lâu dài nằm trong dự án bằng văn bản cam kết trích thưởng. Trong khi dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, không được phép chuyển nhượng đất dự án, trong Quyết định chủ trương đầu tư chỉ cho phép thực hiện dự án với mục tiêu “Đầu tư xây dựng Khu phức hợp sản xuất, chế biến thịt lợn thảo dược BB H.E.O tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển giao công nghệ trồng trọt và chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Quy mô kiến trúc xây dựng chỉ gồm “Khu phức hợp sản xuất, chế biến thịt lợn thảo dược và công trình phụ trợ đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, theo giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Đối với lĩnh vực Xây dựng lò giết mổ, kho đông lạnh, nhà máy, xưởng sản xuất chế biến, sơ chế, đóng gói thịt lợn thảo dược BB H.E.O tại các tỉnh thành và khu phức hợp “Nông nghiệp sạch, công nghệ cao” trên toàn quốc. Công ty Bắc Bình giới thiệu và cung cấp cho chúng tôi Hợp đồng số 197/HĐMB/BB-FOO-DEX mua lại nhà máy của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm có địa chỉ tại Điểm Công nghiệp Gầu Gáo, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với mục đích mua xưởng và xây dựng lò giết mổ, xưởng sản xuất giết mổ lợn sạch theo quy trình khép kín Công nghệ tiên tiến của Liên xô tại Đan Phượng Hà Nội. Song thực tế, bản hợp đồng này mà ông Hoàng Nam cung cấp cho những nhà đầu tư là hợp đồng không có thật, với chữ ký và con dấu của phía Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm là giả.

Đối với lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ thực phẩm an toàn. Kinh doanh chuỗi Cửa hàng, ki - ốt di động trên toàn quốc, Công ty Bắc Bình có tạo lập một số chi nhánh trên toàn quốc để thuận tiện thực hiện việc chiếm đoạt của nhiều người trên các tỉnh thành khác nhau. Những hoạt kinh doanh trong lĩnh vực này hoàn toàn không có và không được triển khai.

Đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh hệ thống chuỗi nhà hàng ăn uống Bắc Bình, dự án không có thật, không hoạt động.

Cơ hội hay “cạm bẫy” cho nhà đầu tư?

Qua tìm hiểu của phóng viên, doanh nghiệp này đưa ra những chương trình huy động vốn khiến nhà đầu tư “hoa mắt”, với tên gọi “chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày”.

Trong các hợp đồng có ghi rõ mục đích nhận tiền, với cam kết lợi nhuận cao với lãi suất lên tới 3,5%/tháng, tương đương 42%/năm, kèm điều khoản hoàn trả vốn gốc khi hết hạn hợp đồng. Thậm chí, đối với những nhà đầu tư trên 500 triệu đồng, vị Tổng Giám đốc của công ty Bắc Bình còn cam kết chuyển nhượng cho nhà đầu tư 100 m2 đất ở lâu dài trong dự án ngay sau khi các nhà đầu tư giao đủ tiền. 

Bài báo của VTV đã đưa về việc công ty Bắc Bình huy động số vốn khủng của nhiều nhà đầu tư.

Chị Nguyễn T. H (Từ Sơn – Bắc Ninh) một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, chị và một số nhà đầu tư đã được một được  công ty bắc Bình tư vấn, ban đầu chị không quan tâm nhiều vì sợ lừa đảo nhưng sau nghe lời tư vấn ngon ngọt của nhân viên này chị đã quyết định đến tìm hiểu.

“Thực sự khi tìm hiểu thấy chế độ bên đó rất tốt. Hơn nữa bên đó họ quảng cáo có rất nhiều quan chức cấp cao là thành viên, đồng hành… Nên tôi đã quyết định đầu tư 100 triệu. Lúc đầu lợi nhuận về rất đều, trả đều theo các lệnh chi trả, thấy vậy sau đó tôi đã bán nhà, cùng với số tiền bố mẹ cho thêm để mua nhà, được hơn 2 tỷ và tiếp tục vào thêm”. Chị H chia sẻ.

Không chỉ với mức lãi suất “khủng”, để thêm phần hấp dẫn nhà đầu tư, Công ty Bắc Bình còn kèm theo gói đầu tư các chương trình “tặng thưởng đặc biệt”. Vào các dịp đặc biệt như: Đầu năm mới, sinh nhật lãnh đạo Công ty, khai trương chi nhánh mới. Nhà đầu tư không chỉ nhận được lợi nhuận siêu “khủng” mà còn được hưởng phần trăm hoa hồng nếu giới thiệu được người tham gia đầu tư vào hệ thống của Công ty Bắc Bình.

Tìm hiểu của phóng viên, công ty được thành lập vào cuối năm 2017. Ngành nghề kinh doanh chính là nông sản sạch (chủ yếu nuôi lợn). Vào tháng 6/2022, công an tỉnh Ninh Bình, CAQ Hà Đông đã không khởi tố vụ án hình sự do vẫn liên lạc được với người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc công ty. Phóng viên tìm tới trụ sở công ty tại Hà Nội. Tầng 1 và tầng 2 được cho thuê, còn lại để trống. Giám đốc công ty không có mặt ở đây, còn ở đâu thì từ lâu không ai rõ. 

Không chỉ riêng tỉnh Ninh Bình, công ty này có dự án khu phức hợp sản xuất lợn thảo dược tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Thanh Hóa... Các dự án này đều đã dừng hoạt động.

Trao đổi với Pv, Luật sư Tăng Văn Lân, Công ty Luật Niềm tin Công Lý, đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, quy định hiện hành không cấm hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, dù lợi nhuận lên đến hàng trăm, hàng ngàn phần trăm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo vì lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn.

“Nhà đầu tư khi xuống tiền cần quan tâm đến uy tín của doanh nghiệp, tính pháp lý và tính sở hữu của dự án…, chứ không nên chỉ nhìn vào lãi suất. Bởi, rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản. Nhà đầu tư phải cẩn thận với các lời mời chào hợp tác đầu tư với lãi suất "trên trời", tìm hiểu kỹ về mô hình đầu tư có phải là hình thức đa cấp không, dự án đầu tư cụ thể là dự án nào, giấy tờ pháp lý có đầy đủ không", luật sư Tăng Văn Lân khuyến cáo.

Một trong số nhiều lá đơn đã tố cáo hành vi lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đối với ông Hoàng Nam và công ty Bắc Bình và PFS.

Tại một thông tin khác, được biết, ông Hoàng Nam hiện đã vào thành phố Hồ Chí Minh thành lập một công ty mới  là “Công ty cổ phần đầu tư tài chính PFS” có địa chỉ trụ sở tại: Số 770 đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; mã số doanh nghiệp: 0316658719, đã từng có chi nhánh Hà Nội: tại địa chỉ tòa Galaxy Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội và tiếp tục tạo và tổ chức các hội thảo giới thiệu doanh nghiệp và đã tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo dưới vỏ bọc một pháp nhân mới.

Vừa qua Tạp chí (tapchitoaan.vn) đã có bài viết về việc vào Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính PFS đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo của cơ quan Nhà nước để gây dựng niềm tin, lôi kéo nhà đầu tư.

Với nhà đầu tư, trước hết họ lầm tưởng rằng Công ty Cổ phần giải pháp tài chính là đơn vị được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước, và sẽ thấy yên tâm và an toàn tuyệt đối khi đồng tiền xương máu của họ được góp vốn đầu tư vào một đơn vị dưới sự giám sát, quản lý của NHNN Nhưng quá trình xác minh của phóng viên thì văn bản nói trên được xác định là giả mạo.”

Được biết, Sau khi Tạp chí Toà án Nhân dân điện tử có bài viết về việc công ty Tài chính PFS giả mạo văn bản của Ngân hàng Nhà nước thì ngay ngày 04/11/2023 công ty CP Đầu tư Tài chính PFS đã đổi tên thành Công ty CP Thương mại và Dịch vụ PFS có địa chỉ tại 32 đường số 9, khu dân cư Cityland Park Hill, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM.

Kỳ tiếp: Chuyện gì đang diễn ra tại công ty Bắc Bình và PFS ?

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định lần đầu tiên tại Điều 140 Bộ luật Hinh sự năm 1999, đây là tội được nhập từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 158, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1985, nhưng chỉ đến khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì Tội này mới được quy định khá chặt chẽ và cụ thể. Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“ 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Nam Anh