Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” để phạm tội
Sau khi nghiên cứu bài viết “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” của Hoàng Thùy Linh đăng ngày 04/7/2023, tôi cho rằng Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” để phạm tội.
Theo thông tin bài viết, Huỳnh Bá Đ có chức danh là thư ký, công tác lại TAND cấp cao, có nhiệm vụ thụ lý, phân loại đơn kháng cáo. Tuy nhiên, khi Đ nắm được thông tin của vụ án Phạm Văn E và đồng phạm phạm tội tổ chức đánh bạc đang có đơn kháng cáo thì Đ liên hệ E và những đồng phạm trong vụ án (G, H) hứa giúp họ được hưởng án treo với điều kiện mỗi người nộp 250 triệu đồng. Sau khi nhận mỗi người 150 triệu đồng tiền cọc thì Đ giao hẹn sau khi E, G, H được hưởng án treo thì giao nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, sau khi vụ án được xét xử thì không có bị cáo nào được hưởng án treo.
Xoay quanh nội dung vụ án có 02 luồng quan điểm. Có quan điểm cho rằng Đ phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và quan điểm còn lại cho rằng Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo quan điểm tác giả, Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” theo điểm đ khoản 2 Điều 174 BLHS bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Đ thỏa mãn tất cả các dấu hiệu cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đ là chủ thể đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự; Đ cố ý xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của E, G, H. Khi đọc được hồ sơ vụ án thì Đ đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của E, G, H và sau đó Đ đã thực hiện hành vi gian dối và đã chiếm đoạt số tiền 450 triệu đồng từ E, G, H.
Hành vi gian dối của Đ là lợi dụng chức vụ thư ký của mình, để biết được các thông tin trong vụ án của E, G, H, sau đó liên hệ và cho E, G, H biết và tin mình là cán bộ thư ký của Tòa án và có khả năng giúp được E, G, H được hưởng án treo. Đ đã đưa ra thông tin không đúng sự thật là giúp E, G, H được hưởng án treo (mà thực chất Đ không làm được việc đó và việc làm đó trái pháp luật) và E, G, H cũng tin đó là thật và đã đưa cho Đ số tiền mà Đ yêu cầu. Đ đã thành công chiếm đoạt số tiền đó.
Thứ hai, sở dĩ có 02 luồng quan điểm khác nhau xoay quanh vụ án là do chức danh và nhiệm vụ của Đ. Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều được thực hiện bằng hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản, nó chỉ khác nhau ở cách thức thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể như sau:
- Ở trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn (Điều 355 BLHS) thì hành vi lừa dối, chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng việc sử dụng quá mức chức vụ, quyền hạn của người phạm tội để thực hiện hành vi lừa dối chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Ở trường hợp “lợi dụng chức vụ quyền hạn” lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điểm đ, khoản 2 Điều 174 BLHS), hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng việc người phạm tội đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để lừa dối người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Ngoài ra, tại khoản 5, khoản 6, Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/ 2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ có giải thích:“Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện. Còn “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, mặc dù thư ký Đ chỉ được giao cho thực hiện việc thụ lý và phân lọai đơn kháng cáo nhưng Đ đã lợi dụng vào chức danh thư ký của mình để tạo niềm tin cho E, G, H là Đ có thể cho E, G, H hưởng án treo khi E, G, H đưa tiền cho Đ, đây là việc làm làm trái pháp luật.
Như vậy, Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” tại điểm đ khoản 2 Điều 174 BLHS là có căn cứ.
Trên đây là ý kiến của tác giả mong sự đóng góp ý kiến của các độc giả khác.
TAND huyện Tây Hòa, Phú Yên xét xử vụ án hình sự trực tuyến - Ảnh: Hàn Ni
Bài liên quan
-
Huỳnh Bá Đ phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
-
Huỳnh Bá Đ phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
-
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
-
Vụ án một số cán bộ Chi nhánh Agribank tỉnh Hưng Yên: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cá nhân và tổ chức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
1 Bình luận
Đinh minh Lương
04:02 10/01.2025Trả lời