Đại biểu đề nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề để thảo luật thật sâu về dự án Luật Đất đai

Sáng 114/11, Quốc hội thảo thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến rất tâm huyết và xác đáng.

Tránh trường hợp phải sửa đổi nhiều luật khác

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiễn Lộc cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cũng đề nghị để bảo đảm hiệu quả, khả thi cần bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giải quyết chồng chéo giữa luật này với các luật liên quan. Đại biểu nhấn mạnh, không để một vấn đề mà được quy định bởi nhiều quy định khác nhau mà thực chất là do nhiều cơ quan quản lý khác nhau.

 

Đại biểu Phạm Hùng Thắng

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, báo cáo của Ban soạn thảo, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo, các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của tưng luật để đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.

Về thu hồi đất, bồi thường đất và tái định cư

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị rà soát lại quy định về các dự án, công trình thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng tại khoản 2 Điều 86 để phù hợp hơn và bao quát, đầy đủ hơn với quy định tại khoản 2 Điều 11 về phân loại đất với nhóm đất phi nông nghiệp.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu xem xét thêm quy định về thẩm quyền thu hồi đất tại Điều 90, Điều 93 quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đại biểu lý giải, quy định hiện hành dường như giao cho cấp xã trọng trách quá nặng. Cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thu hồi đất nhưng cấp xã phải tổ chức họp dân để phổ biến, thuyết phục, vận động. Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất và không đơn giản để nắm rõ, hiểu thấu đáo, đầy đủ nội dung của các dự án để giải thích, thuyết phục, vận động người dân, mặc dù đây là cấp gần dân nhất.

Theo đại biểu, dự thảo Luật cần cụ thể hơn quy định về sự phối hợp giữa cấp ra quyết định thu hồi chủ đầu tư dự án với cấp xã trong quá trình thực hiện thu hồi đất thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về các nội dung: về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là khi đầu tư các dự án có sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quy định nguyên tắc về thủ tục, trình tự, thời gian cụ thể nhằm tránh phiền hà về thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết, Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa, xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù, quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.

Đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) tranh luận về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, dân tộc tại Điều 86, đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, các dự án án phát triển kinh tế - xã hội nếu thỏa thuận được với người dân là rất tốt và người dân đồng thuận. Tuy nhiên phải trao đổi rất kỹ. Đại biểu Đào Hồng Vận băn khoăn liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?

Hiện nay tại địa phương của đại biểu rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó. Và có trường hợp thì giá nào cũng không chịu. Đại biểu cho rằng, nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân vì người được cao, người lại thấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu. Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng đất, theo dự thảo, chúng ta lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở. Vì vậy, Nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá.

Đại biểu Đào Hồng Vận cho rằng, nếu như vậy Nhà nước sẽ khó thực hiện việc thỏa thuận. Và theo đại biểu, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Về giá đất

Đại biểu Phạm Hùng Thăng đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, quyền sử dụng sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Quy định rõ về quy trình kiểm tra, giám sát của địa phương trong xây dựng bảng giá đất hàng năm.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích rằng, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá.

 

Đại biểu Thạch Phước Bình

Đại biểu đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Đồng thời, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.

Tổ chức kỳ họp chuyên đề

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhất trí với nội dung được trình bày tại Tờ trình của Chính phủ. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin rất lớn vào Quốc hội; đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng, tiến độ sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được các bức xúc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển những năm tới.

Đại biểu Trần Văn Khải

Trước yêu cầu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức một kỳ họp chuyên đề để thảo luật thật sâu về dự án Luật vô cùng quan trọng này. Đại biểu Trần Văn Khải khẳng định: Có thể nói Đảng, Nhà nước đang rất kỳ vọng vào Quốc hội trong việc thể chế hóa kịp thời, đúng với các chủ trương, chính sách của Đảng. Quốc hội XV đã xác định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, chúng ta nghiên cứu sửa đổi các nội dung của Luật thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, mong mỏi của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết được các thách thức từ thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đồng tình với nhận định cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan có liên quan trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội cần xác định những vấn đề chính sách lớn của luật để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề. Trên cơ sở đó để có những hình thức thảo luận chuyên đề, tập trung làm rõ từng nội dung, từng chế định của dự án luật để có cơ sở báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp kế tiếp.

 

Các đại biểu tại Hội trường - Ảnh: Qh.vn

THÁI VŨ