Đình chỉ điều tra vụ án sản xuất hàng giả tại Thái Bình: Vi phạm tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra?

Một vụ án mà quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra… có đủ căn cứ buộc tội nhưng thay vì ra kết luận điều tra, CQCSĐT Công an tỉnh Thái Bình lại đình chỉ vụ án. Đáng nói, vụ án được giao cho một cán bộ chưa được cấp chứng chỉ điều tra viên thụ lý.

Do năng lực điều tra hay lý do nào khác?

Như tapchitoaan.vn đã nêu, vụ án sản xuất hàng giả xảy ra tại Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt bị phát hiện, bắt giữ nhiều tang vật, đã được Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an ra bản kết luận giám định. Từ kết luận giám định có đủ căn cứ buộc tội về hành vi sản xuất hàng giả nên cơ quan CSĐT  Công an  tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự.

 

Kết luận giám định số 771/C09-P4 

Quá trình điều tra, lẽ ra phải xác định được đối tượng chủ mưu và đồng phạm (nếu có) để khởi tố bị can, nhưng cơ quan CSĐT Công an  tỉnh Thái Bình lại đình chỉ vụ án với lý do khó tin: Chưa chứng minh được ai là người của Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt mua cồn và chủng loại cồn đặt mua, cũng như chưa chứng minh được khâu nào dẫn đến việc nguyên liệu sử dụng cồn để pha chế nước rửa tay là Methanol, mặc dù các bên đều khẳng định bán và giao mua cồn Ethanol (?!)

Theo phân tích của một cán bộ điều tra: Cồn Methanol và Ethanol là hai loại cồn hoàn toàn khác nhau về mục đích sử dụng. Một loại cồn thường được sử dụng trong y tế, một loại cồn được sử dụng trong công nghiệp. Vậy thì nơi cung cấp cồn cho Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt không thể có sự nhầm lẫn đến mức không phân biệt được cồn Methanol và Ethanol để giao hàng trăm lít cồn không đúng chủng loại cồn phục vụ cho y tế. Hoặc nếu có nhầm lần thì chỉ có thể nhầm lẫn ở một số lượng nhỏ chứ không thể với số lượng lớn như số cồn Methanol mà Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt đã sử  dụng để sản xuất số lượng lớn sản phẩm như vậy.

“Việc chưa chứng minh được khâu nào dẫn đến việc sử dụng cồn Methanol để sản pha chế nước rửa tay như Quyết định đình chỉ vụ án nêu chỉ là lời biện minh, thể hiện năng lực yếu kém của cán bộ điều tra chứ không thể đưa ra lý do một cách dễ dãi như thế được. Nếu chưa chứng minh được thì cơ quan CSĐT phải tạm đình chỉ vụ án để khi củng cố được tài liệu, chứng cứ thì khôi phục điều tra, chứ không thể đình chỉ vụ án như vậy”. 

 

Luật sư  Nguyễn Văn Ngọc – Công ty luật Niềm tin Công lý thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: Việc không xác định được bị can trong vụ án sản xuất hàng giả xảy ra tại Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt là một chuyện khó tin. Bởi tang chứng, vật chứng đã thu giữ được; Kết luận giám định đã được công bố. Như vậy nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan CSĐT Công an  tỉnh Thái Bình không xác định được bị can trong vụ án là do việc sử dụng và đánh giá chứng cứ không chính xác, thiếu khách quan. Nguyên nhân này có thể do ý thức chủ quan của cán bộ điều tra viên, có thể do năng lực, trách nhiệm của cán bộ điều tra viên và cơ quan cảnh sát Điều tra.

“Dù là ý thức chủ quan, nói cách khác là sự cố tình của cán bộ điều tra, hay năng lực yếu dẫn đến việc không xác định được bị can trong vụ án này thì đều là hành vi bỏ lọt tội phạm” - Luật sư Nguyễn Văn Ngọc nêu quan điểm.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Theo nguồn tin riêng của phóng viên tapchitoaan.vn, quá trình điều tra vụ án sản xuất hàng giả xảy ra tại Cty CP Dược phẩm Thiên Y Việt, cơ quan CSĐT Công an  tỉnh Thái Bình giao cho cán bộ Hoàng Đức Khương của Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) thụ lý điều tra. Tuy nhiên, tại thời điểm được giao thụ lý và điều tra chính vụ án, ông Hoàng Đức Khương chưa phải là điều tra viên.

Theo Luật sư  Nguyễn Văn Ngọc: "Điều tra viên là những người được giao nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự; Là chủ thể tham gia tiến hành tố tụng, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên thuộc cơ quan điều tra. Việc giao thụ lý điều tra vụ án hình sự cho điều tra viên là để thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm".

Tạp chí Toà án nhân dân tiếp tục thông tới bạn đọc về sự việc trên.

HOÀNG BẢO - MINH ANH