Đổi mới hoạt động và nâng cao chất Iượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Sau hơn 05 năm triển khai 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử , TANDTC tổng kết việc thực hiện các giải pháp nêu trên và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.

Tại Hội nghị Triển khai công tác cải cách tư pháp ngày 26-27/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết trong những năm qua, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TANDTC đã chủ động, sáng tạo đề ra nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động Tòa án nói chung và nâng cao chất lượng công tác xét xử nói riêng.

Nhiều chủ trương, nhiệm vụ lớn của cải cách tư pháp đã được đề xuất thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Chất lượng công tác xét xử của Tòa án các cấp đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vị thế, diện mạo, uy tín của Tòa án ngày càng được được nâng cao.

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo nhiệm vụ công tác chuyên môn đặt ra đối với các Tòa án ngày càng nặng nề về số lượng và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng. Cải cách tư pháp nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh, phức tạp trong tình hình mới là xu thế tất yếu, liên tục và phổ biến, cần được tiến hành với quyết tâm cao, nội dung phong phú để xây dựng nền tư pháp minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, thuận tiện cho nhân dân.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, để Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là một yêu cầu rất quan trọng, thường xuyên của Tòa án các cấp, các giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới là:

Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Trong đó, cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động của các Tòa án. Tiếp tục đổi mới quy trình phát triển án lệ, thực hiện nghiêm chỉ tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ. Triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư của Chánh án TANDTC về phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến và đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi đối thoại của Hội đồng Thẩm phán với Thẩm phán Tòa án các cấp có sự tham dự của đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, tổ chức kết hợp tốt giữa phương thức xét xử trực tiếp và trực tuyến.

Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đồng thời, có kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc Luật này khi được Quốc hội thông qua.

Thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án. Lãnh đạo Tòa án các cấp cần thường xuyên chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thi hành Luật. Trong điều kiện hiện có cần ưu tiên bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải, đối thoại phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Chú trọng làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

 

Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trình bày Báo cáo về đổi mới hoạt động và nâng cao chất Iưọng xét xử theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp

Vận hành có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa vào sử dụng để tiết kiệm thời gian và tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cần tích cực vận hành phần mềm trợ lý ảo để giúp Thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu vụ việc, phần mềm quản lý án và trung tâm tích hợp dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp, trước hết là các đồng chí lãnh đạo Tòa án các cấp, các công chức có chức danh tư pháp nhằm củng cố và tạo niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Cũng tại Hội nghị, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng đã trình bày Báo cáo về những định hướng lớn trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Cụ thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Với các giải pháp được đề ra: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp;

Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng Tòa án điện tử; Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử; “Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp; của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015, sau 8 năm thi hành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động.

Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng giảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử được thực hiện một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho Tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện đáng kể góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.

 

Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh ánh thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày Báo cáo về những định hướng lớn trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Nhận thức về ví trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” chưa thực sự phù hợp, thống nhất dẫn tới việc xác định chưa đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Các Toà án về cơ bản chưa được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử; Quy định Thẩm phán có các ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp gây khó khăn trong việc phân bổ biên chế, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán; Quy trình bổ nhiệm, tái nhiệm Thẩm phán chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán; Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thực sự phù hợp dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động; Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp, chế độ trách nhiệm pháp lý...

Như vậy, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm đáp ứng những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, góp phần xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại. Do đó cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn  Hòa Bình chụp ảnh cùng tập thể lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và các đại biểu.

PV TCĐT