Đối tượng truy nã trong đại án AIC về đầu thú và nguy cơ thiếu điện

Chiều 04/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023. Đại diện các Bộ ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng mà dư luận quan tâm.

Đối tượng truy nã trong đại án AIC, về đầu thú

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Qua công tác nghiệp vụ, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiếp nhận Đỗ Văn Sơn, sinh năm 1977, nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC), đối tượng truy nã trong đại án AIC, về đầu thú Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để được xem xét hưởng khoan hồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành các thủ tục tố tụng và tích cực đấu tranh khai thác Đỗ Văn Sơn để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án.

Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các đối tượng trong vụ án AIC đang lẩn trốn sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng cũng như thoát khỏi cảnh sống chui lủi, nơm nớp lo sợ và bất an.

 

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an

Những đối tượng trong vụ án kể trên có thể liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại để được hướng dẫn, hỗ trợ ra đầu thú.

Số điện thoại liên hệ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an: 069.232.1654 hoặc 091.677.7767

Thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Việc này không phải khi có Nghị quyết của Quốc hội chúng tôi mới làm mà đây là chức năng và nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, thông qua giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, từ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã triển khai công tác thanh tra.

Ngày 30/6 vừa rồi đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Có rất nhiều thông tin chi tiết đã được Bộ Tài chính công bố công khai.

Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố.

Kế hoạch của chúng tôi là từ đầu năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Tới hết năm 2023, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Chúng tôi tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.

Lãi suất đang giảm tích cực

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú: Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay NHNN đã hạ lãi suất 4 lần từ 0,5%-2% cho những mức lãi suất điều hành của mình; năm ngoái tăng 2 lần. Từ đó, các ngân hàng thương mại với số liệu tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%.

Tuy nhiên, các NHTM có vốn Nhà nước bao giờ cũng đi đầu thực hiện các chính sách của NHNN. Nhiều ngân hàng có gói giảm rất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Chính phủ và Nhà nước. Nhìn chung, đã đưa ra rất nhiều gói chủ động hạ lãi suất. Xu hướng chung tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tiếp theo.

Đối với lãi suất điều hành của NHNN, hiện nay cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%. Hai khoản cho vay này hầu như các ngân hàng thương mại thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của NHNN vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại cần để hưởng nguồn của NHNN.

 

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

Cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng, cho vay qua đêm cũng từ 0,4-1%. Có thể nói là rất thấp; một tuần từ 0,8-1,5%, một tháng từ 3-3,2%. Có nghĩa là mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng rất thấp.

Nhìn chung, lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay.

Về dư nợ theo điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm xác định từ 14-15% tăng trưởng tín dụng để phù hợp với kỳ vọng hay đúng hơn là chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong vòng 4,5%.

Chúng tôi đặt ra 14-15%, nhưng đến hôm nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Tương đồng với đó là huy động vào khoảng 4,16%. Số tiền gửi huy động là 12.691.000 tỷ đồng. Có nghĩa là huy động cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Trong điều hành 14-15%, đến thời điểm hiện nay mới tăng 4,2%, trong giao tín dụng đã giao được khoảng 11% từ đầu năm, như vậy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.

Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa. Tuy nhiên nói đến tiền không hẳn như vậy nhưng chính là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất chúng ta đã hạ theo thông thường thì tín dụng tăng.

Giải pháp 6 tháng cuối năm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Để phục vụ cho phiên họp Chính phủ ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo rất đầy đủ, chi tiết về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, . Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình bày 2 kịch bản tăng trưởng cập nhật trên cơ sở kết quả của 6 tháng đầu năm cũng như dự báo một số bối cảnh, tình hình trong 6 tháng cuối năm.

Tôi không nói lại nội dung báo cáo, chỉ xin nhấn mạnh một số điểm sau:

Bối cảnh từ nay đến cuối năm cho thấy tình hình còn tiếp tục khó khăn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi như Thủ tướng Chính phủ đã kết luận. Chính vì điều đó, gắn với mục tiêu chúng ta phải đạt theo nghị quyết của Quốc hội là 6,5% cả năm thì nhiệm vụ hết sức nặng nề. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra một kịch bản thấp hơn một chút, tăng trưởng ở mức 6% thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý IV phải là 9%. Đây là 2 con số khá thách thức. Nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu 6,5% của Quốc hội thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải 7,4% và quý IV phải 10,3%. Mặc dù quý III của năm 2022 chúng ta đã đạt con số trên 10% rồi, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoái. Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra chúng ta vẫn phải thực hiện.

 

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương 

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất nhóm chính sách giải pháp. Đồng thời trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của Chính phủ đi làm việc với địa phương thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm với tên gọi Nghị quyết về bảo đảm kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cải cách hành chính. Nghị quyết này cũng đã được trình xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đây cũng là nghị quyết tập trung rất nhiều giải pháp để làm sao phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội từ nay đến cuối năm.

Trên cơ sở đó, tôi xin khái quát mấy nhóm vấn đề chủ yếu, trọng tâm từ nay đến cuối năm như sau:

Một là, với nhận định tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vấn đề tăng cường phân tích dự báo. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành liên quan đến thị trường quốc tế, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống.

Nhóm giải pháp thứ hai là bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố nền tảng để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng. Trên cơ sở như vậy, nhóm giải pháp này tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hoá, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình, định hướng cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%.

Chúng ta cũng biết rằng trong nhóm giải pháp này, sức ép về điều hành lạm phát từ nay đến cuối năm đã giảm so với trước rất nhiều. Hiện nay mức độ tăng CPI của chúng ta khoảng 3,29%. Như vậy, chúng ta có rất nhiều dư địa so với mục tiêu của Quốc hội là 4,5%, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung hơn vào các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Trọng tâm thứ ba là rà soát tất cả động lực tăng trưởng để tác động kích thích tăng trưởng. Có hai khía cạnh để chúng ta thúc đẩy động lực này. Đầu tiên là tháo gỡ khó khăn. Một trong những phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi chúng ta tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn thì đồng nghĩa chúng ta tăng thêm động lực cho tăng trưởng. Ở đây chúng tôi tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tôi xin tóm gọn lại mấy trọng tâm: Một là tháo gỡ khó khăn. Hai là rà soát các động lực tăng trưởng, trong đó động lực xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn, chúng ta tập trung vào động lực phát triển tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ để khắc phục được hạn chế về tinh thần trách nhiệm đối với một số cán bộ. Thứ tư là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân. Cái cuối cùng không thể bỏ qua là bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của xã hội, đặc biệt trên hai lĩnh vực là y tế và giáo dục, gắn với đó là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn: Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đều có thông tin là Chính phủ có Quyết định 1435 vào tháng 11/2022 thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Tổ công tác này trong thời gian vừa rồi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương, trong đó đặc biệt 6 địa phương đã được Tổ công tác trực tiếp can thiệp. Trên cơ sở các báo cáo gửi về tổ công tác tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai và trong thời gian vừa qua, có 3 nhóm khó khăn vướng mắc.

 

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn 

Một là, nhóm khó khăn vướng mắc về thể chế. Hai là, nhóm khó khăn vướng mắc về tổ chức, thực hiện. Ba là, nhóm khó khăn vướng mắc về vấn đề vốn, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng.

Tổ công tác cũng có nhiều khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ vừa qua ban hành rất nhiều văn bản, trong đó nổi bật lên có Nghị quyết 33 về giải quyết những khó khăn vướng mắc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững và một loạt công điện.

Đối với vấn đề về thể chế, trong thời gian quý II vừa rồi, Chính phủ có ban hành một loạt văn bản và chúng ta có Nghị định về việc chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và ngoài nước. Rồi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và gần đây nhất ngày 20/6, có Nghị định 35 hướng dẫn một số vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế nhà nước. Bộ Xây dựng và Chính phủ cũng trình Quốc hội một loạt luật có liên quan đến vấn đề bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Rất kỳ vọng là trong kỳ họp lần thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai.

Về tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tổ chức triển khai thực hiện, Tổ công tác cũng đã nhận được khoảng 108 văn bản từ các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã rà soát, chuyển các văn bản này tới UBND tỉnh nếu thuộc thẩm quyền của các UBND tỉnh, thành phố; đồng thời trực tiếp giải quyết các trách nhiệm thuộc bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn.

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến thị trường vốn, trong thời gian vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư như Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của một số doanh nghiệp, Thông tư 03/2023/TT-NHNN về hỗ trợ tín dụng và các ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu. Đặc biệt, có chương trình tín dụng 120.000 tỷ dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

 Đồng thời với vấn đề tháo gỡ khó khăn, giai đoạn vừa rồi, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030. Cùng với việc xây dựng đề án này, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xác định đối tượng, danh mục và điều kiện được cho vay vốn. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với các địa phương để làm sao thúc đẩy được đề án này, đặc biệt tiếp cận được nguồn vốn 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đối với các dự án cụ thể, trong thời gian vừa qua, Tổ công tác cũng đã giải quyết các vấn đề quan trọng, trước tiên là đôn đốc các địa phương, có rất nhiều vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền các địa phương phải chủ động giải quyết. Thứ hai là đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Thứ ba là phối hợp với các địa phương để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan đến các quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác làm việc trực tiếp để trao đổi. Nổi lên một số dự án, một số địa phương mà các cơ quan báo chí rất quan tâm. Ví dụ, ở Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án bất động sản lớn, trong đó có của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh; xác định các vấn đề khó khăn vướng mắc như vấn đề không thuộc quy hoạch hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Những nội dung này, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và ngày 31/5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với các phương án tham mưu của Tổ công tác, sẽ triển khai trong thời gian tới.

Hay ở TPHCM, Tổ công tác đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 nội dung về quy hoạch. Về cơ bản, một số kiến nghị thuộc về những lĩnh vực mà địa phương hiểu và chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ.

Còn đối với tỉnh Bình Thuận, có liên quan tới Novaland, Tổ công tác cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đấy là sơ bộ một số địa phương, một số dự án cụ thể mà Tổ công tác đã làm việc. Cũng phải đánh giá, thời gian vừa qua, các địa phương đều rất tích cực thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 33, các công điện, , các công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây , là những nhiệm vụ cấp bách quan trọng để giải quyết, đóng góp vào sự phát triển kinh tế vĩ mô và theo cách thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết một cách dứt điểm, triệt để.

Nguy cơ thiếu điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu điện phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân tăng trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2023 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện từ tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc.

Trong tháng 6, đặc biệt 10 ngày cuối tháng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục kịp thời và vận hành trở lại; đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Bước sang tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện dự kiến vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát sao tình hình vận hành của hệ thống điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Nhìn chung, cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp sau: (i) Cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện; tăng khả dụng, hạn chế tối đa sự cố, nhanh chóng khắc phục các sự cố (nếu có). (ii) Vận hành hợp lý nguồn thủy điện. (iii) Làm tốt công tác tiết kiệm điện, trong đó vai trò của các UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đầu mối là các Sở Công Thương là rất quan trọng. (iv) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới và việc triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, chúng tôi cho rằng, nếu không có yếu tố quá bất thường (thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nhiều sự cố của các nhà máy điện lớn đồng thời xảy ra…), thì từ nay đến hết năm 2023 cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn cả nước.

Liên quan đến vấn đề điện mặt trời mái nhà, hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành - trong đó có Bộ Công Thương - và các địa phương rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để đảm bảo phát triển điện mặt trời mái nhà bền vững, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo -  Ảnh: Nhật Bắc

 

THÁI VŨ