Đồng chí Nguyễn Hòa Bình làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 19/5, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để thông qua Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn về việc thực hiện công tác PCTN, TC năm 2022 tại Quảng Ngãi.

Cùng đi với đồng chí Nguyễn Hòa Bình còn có các đồng chí: Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; cùng với các thành viên trong đoàn công tác.

Làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì buổi làm việc

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng đoàn công tác Nguyễn Văn Du trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN,TC năm 2022 tại Quảng Ngãi. Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Trung ương về công tác PCTN,TC.

Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh sớm được thành lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực đã kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh ban hành Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Chương trình công tác năm.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi làm việc

Việc triển khai thực hiện bước đầu đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN,TC ở địa phương. Công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC. Các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn được chỉ đạo kịp thời, xử lý nghiêm theo đúng quy định. 

 Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực cơ bản được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trong năm 2022 các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về công khai, minh bạch tại 30 đơn vị, đã phát hiện 3 đơn vị vi phạm; thanh tra, kiểm tra 23 cuộc tại 26 đơn vị về thực hiện định mức tiêu chuẩn, phát hiện 13 đơn vị có sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi 402,5 triệu đồng; phát hiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử theo quy định; ban hành kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 357/461 công chức, viên chức.

Đã triển khai thực hiện kê khai tài sản, thu nhập năm 2022 đối với 3.435/3.435 người thuộc diện kê khai tài sản, tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 36 trường hợp, phát hiện 32 trường hợp chưa kê khai đầy đủ, rõ ràng, yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 30 tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án có dấu hiệu tham nhũng, kinh tế; bao gồm: số kỳ trước chuyển sang 7 vụ, tiếp nhận mới trong kỳ 13 vụ, phục hồi điều tra 10 vụ. Trong số này, 19 vụ có dấu hiệu tội phạm kinh tế, 11 vụ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Kết quả giải quyết: quyết định khởi tố vụ án hình sự 9 vụ, quyết định không khởi tố vụ án hình sự 3 vụ, tạm đình chỉ giải quyết 11 vụ; đang giải quyết 7 vụ.

Cùng với đó, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 23 vụ án/54 bị can về các tội danh tham nhũng, kinh tế; trong đó, kỳ trước chuyển sang 7 vụ/6 bị can, khởi tố mới 11 vụ/22 bị can, điều tra bổ sung 4 vụ/22 bị can, điều tra lại 1 vụ/4 bị can. Kết quả giải quyết: đề nghị truy tố 4 vụ/9 bị can; đình chỉ điều tra 1 vụ/0 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ/0 bị can; kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 4 vụ/26 bị can; tiếp tục điều tra 13 vụ/19 bị can.

Viện kiểm sát quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 1 vụ/3 bị can; truy tố 8 vụ/30 bị can. Tòa án quyết định trả điều tra bổ sung 3 vụ/19 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 7 vụ/27 bị cáo.

Các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 6 trường hợp bằng các hình thức: khiển trách (2 trường hợp), cảnh cáo (3 trường hợp), cách chức (1 trường hợp); trong đó, có 5 đảng viên sai phạm về kinh tế, 1 đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống.

Trong năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực hơn 106,7 tỷ đồng; đã thu hồi được hơn 41,5 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn công tác cũng đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Nhận thức về công tác đấu tranh PCTNTC của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa sâu sắc, toàn diện dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác PCTN,TC. Qua thanh tra, kiểm tra, tỉnh đã phát hiện, xử lý một số vụ việc về tham nhũng, tiêu cực. Đoàn ghi nhận các ý kiến đóng góp của tỉnh để hoàn thiện báo cáo trước khi gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC. 

 Đối với những kiến nghị của tỉnh, đoàn tổng hợp, làm việc với các cơ quan có liên quan để có hướng xử lý chung. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN,TC mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra để công tác PCTN,TC thời gian tới được tốt hơn.

 

PVA