Dư luận không bất ngờ khi cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bị bắt

Ngay sau Sau khi nghỉ hưu, ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố bị can và bắt tạm giam. Trước đó hai tuần, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bị bắt giam...

Mở rộng điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Ngày 02/01/2024, Cơ quan An ninh điều  tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự đối với Hoàng Quốc Vượng, sinh năm 1963, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Đầu tháng 11/2023, CQĐT đã khởi tố 5 cán bộ Tập đoàn EVN và Bộ Công thương cùng về tội danh nêu trên. Các bị can gồm: Trần Quốc Hùng (SN 1976, Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương); Trịnh Văn Đoàn (SN 1982, Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương); Nguyễn Hữu Khải (SN 1977, Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Đỗ Ngọc Tuyền (SN 1988, Chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Trương Hoàng Dũng (SN 1982, Chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Ông Hoàng Quốc Vượng, tốt nghiệp Trường mỏ MGRI tại Matxcơva (Nga), từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Bị can Hoàng Quốc Vượng

Năm 2020, ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Khi còn đương chức thứ trưởng Bộ Công Thương (từ 2015-2020), ông Hoàng Quốc Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững, an toàn, công nghệ thông tin, phát triển thị trường.

Cũng liên quan đến Bộ Công Thương, ngày 21/12/2023, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong  vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Các sự kiện này không khiến dư luận quá bất ngờ vì tại kỳ họp thứ 34 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/12/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận định: Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và các ông: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; Hoàng Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ; Trần Hữu Linh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Trần Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Phương Hoàng Kim, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Đặng Huy Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên EVN, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng; Lý Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; Võ Văn Quyền, nguyên Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trên còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy EVN các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các ông: Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Quang Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN; Trần Đình Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc EVN; Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ EVN, Giám đốc Công ty Mua bán điện.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cấp ủy, tổ chức đảng ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên tại các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

 

 

Tập đoàn EVN với slogan Thắp sáng niềm tin - Ảnh: EVN

THANH LOAN