Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10/2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nên giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng.
Về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự (BLHS) thành biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH).
Theo bà Nga, trước năm 2015, BLHS quy định 02 biện pháp tư pháp áp dụng với NCTN (gồm: Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng). Vì là biện pháp tư pháp, cho nên 02 biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và ra bản án. Khi đó NCTN có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 03 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 09 tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Khi sửa BLHS vào năm 2015, Quốc hội đã quyết định chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám sát, giáo dục (về bản chất là biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật); và nay dự thảo Luật Tư pháp NCTN tiếp tục đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Bà Nga cho biết, các lần đề xuất này đều nhằm mục đích “vì lợi ích tốt nhất của NCTN” nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng và cho người bị hại, bởi vì Trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục có kỷ luật chặt chẽ do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Khi đó, NCTN sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra và sớm kết thúc quá trình tố tụng; thời hạn tạm giam NCTN sẽ được rút ngắn đáng kể; hạn chế tối đa gián đoạn quyền học tập, học nghề của NCTN.
Ngoài ra, qui định này cũng đáp ứng yêu cầu tại Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết, cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”.
"Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ (Điều 52)", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị.
Bài liên quan
-
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhân văn, bảo vệ quyền, lợi ích và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên
-
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Những định hướng lớn trong xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận